Yêu con như thế khác nào hại con

Yêu con như thế khác nào hại con

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 5, 24/12/2020 19:00

Con cái luôn là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Khi bênh con bằng cách dùng đôi bàn tay vũ lực của người lớn để đánh bạn con trẻ, cha mẹ ấy muốn con lớn lên ra sao?

Sự việc một phụ huynh xông vào trường THCS Tân Bình, tỉnh Điện Biên đấm đá nam sinh lớp 6 vì đã đấm chảy máu răng con của anh ta khiến dư luận không khỏi bất bình. Chỉ vì vào tiết thể dục buổi sáng, giữa hai học sinh H và M xảy ra cãi vã rồi đánh nhau khiến M chảy máu răng mà chiều hôm sau đó, bố của M xông thẳng vào trường chửi bới rồi đấm đá học sinh H. Một hành động không ngờ và thực sự phản giáo dục.

Tất nhiên, hành động côn đồ của người phụ huynh sẽ bị trả giá bằng bản án thích đáng của pháp luật. Người cha đã bị khởi tố và nỗi ân hận còn đeo đẳng. Tuy nhiên, bản án nghiêm trọng nhất mà người cha này gây ra có lẽ chính là tấm gương xấu cho con mình. Cha nào con ấy. Người cha sao có thể trách con khi mình còn chưa có hành động cư xử đúng mực, phải phép?

Quan điểm - Yêu con như thế khác nào hại con

Hình ảnh phụ huynh xông vào trường đánh nam sinh trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác do camera ghi lại. Ảnh internet

Đáng tiếc, trường THCS Tân Bình không phải là nơi duy nhất để xảy ra sự việc phụ huynh xông vào lớp đánh học sinh. Hồi tháng 10/2020, một vụ việc tương tự xảy ra ở trường Mầm non Rumpkids (phường Cốc Lếu, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) và nạn nhân là một cháu bé 2 tuổi.

Hơn một năm trước đó, một phụ huynh cũng đã xông vào trường THCS Cẩm Ngọc (xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) đấm đá túi bụi vào đầu, người một nam sinh lớp 7 để lại nhiều vết thâm tím trên cơ thể. Nguyên nhân cũng được xác định là vị phụ huynh này đánh nam sinh lớp 7 vì đã "dám" xích mích với con anh ta. Nghe con mình bị "bắt nạt", vị phụ huynh liền đến trường đánh nam sinh.

Cha mẹ nào cha mẹ chẳng xót con. Và trước những mối đe dọa từ bên ngoài, làm cha mẹ ai chẳng muốn bảo vệ khúc ruột của mình. Tuy nhiên, bênh con vô lối bằng cách dùng cơ bắp nhắm vào bạn con có khác nào làm hại chính con mình. Hình ảnh vô cảm ấy truyền được gì cho con ngoài những tổn thương, đổ vỡ, sự lệch lạc trong quan điểm sống? Hành vi bênh con thái quá mà cha mẹ gây ra có thể mang lại gì cho trẻ ngoài sự lệch lạc về nhân cách. Việc “cứu” con vô lý khiến trẻ không còn biết sợ hay kiêng dè bất cứ điều gì, kể cả sự dạy dỗ của thầy cô giáo. Làm sao trẻ có thể nên người nếu lớn lên từ môi trường đó?

Việc trẻ con xảy ra xích mích khi chơi với nhau là chuyện thường và theo thời gian, chúng tự học cách làm lành và thích nghi. Đây là một kỹ năng cần có. Trong những trường hợp thế này, một lời khuyên bổ ích hay sự phân tích thiệt hơn là điều trẻ cần chứ không phải những nắm đấm bạo lực.

Trách phụ huynh một thì trách các thầy cô, bảo vệ, ban giám hiệu trường gấp nhiều lần. Để mâu thuẫn giữa các học sinh nghiêm trọng đến mức cha mẹ phải vào cuộc và gây mâu thuẫn lan rộng cũng là một phần trách nhiệm của những người trong trường học này nói riêng và ngành giáo dục nói chung.

Đây có lẽ cũng chính là lý do nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh để giữ vững an ninh trường học. Hàn Quốc là một ví dụ. Hồi tháng 8 năm nay, sau khi nhiều học sinh trở thành nạn nhân của bọn tội phạm bên ngoài vào trường gây rối, bộ Giáo dục Hàn Quốc đã áp dụng một số biện pháp mới nhằm đẩy mạnh an ninh ở các trường học.

Theo đó, từ năm tới, tất cả khách sẽ phải đeo thẻ và bị kiểm tra danh tính trước khi vào trường. Chuông và điện thoại khẩn cấp sẽ được lắp đặt tại các trường để học sinh có thể báo với giáo viên và người khác khi thấy người lạ không có thẻ vào trường. Ngoài ra, bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng lên kế hoạch hỗ trợ kinh phí xây các phòng an ninh tại tất cả trường học. Bộ này cũng sẽ nâng cấp các máy quay an ninh tại tất cả trường học.  

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.