Theo đó, các bác sĩ bệnh viện Quân y 175 đã kịp thời cứu sống 2 người đàn ông nghi bị ngộ độc Methanol (cồn công nghiệp) nặng, nhập viện cấp cứu trong ngày 3/5/2023. Hai bệnh nhân là Nguyễn Văn A. (1977) và Nguyễn Văn Q. (1987) đều ngụ tại quận 12, Tp.HCM.
Theo lời kể của người nhà, tối ngày 1/5, bệnh nhân A. và bệnh nhân Q. cùng 1 người đàn ông tổ chức ăn uống tại gia đình nhân dịp nghỉ lễ.
Sau một ngày, cả 3 người đàn ông này phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng rối loạn chức năng đa cơ quan, đặc biệt là tình trạng toan chuyển hóa nặng, dù đã được điều trị tích cực nhưng người đàn ông tên T. đã không thể qua khỏi.
Hai trường hợp bệnh nhân A. và Q. đã may mắn thoát khỏi tử thần.
Thiếu tá, bác sĩ chuyên khoa 1, Dương Xuân Minh, Khoa lọc máu, Bệnh viện Quân y 175, người trực tiếp điều trị cho 2 bệnh nhân cho biết, các bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, nôn ói nhiều, rối loạn thị giác.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bị rối loạn chức năng đa cơ quan, trong đó đặc biệt là tình trạng toan chuyển hóa nặng, tăng khoảng trống anion, tăng khoảng trống áp suất thẩm thấu máu, trong khi nồng độ ethanol trong máu không cao, kết hợp với yếu tố dịch tễ cả 3 người cùng uống đều có biểu hiện triệu chứng giống nhau nên nghĩ đến nguyên nhân là do ngộ độc Methanol.
Ngay lập tức, bệnh viện đã hội chẩn cấp cứu với các chuyên gia trong và ngoài bệnh viện và xác định chẩn đoán và tiến hành các biện pháp can thiệp hồi sức tích cực như: lọc máu, kiểm soát đường máu, điện giải, vitamin B1 liều cao, acid folic, bổ sung Ethanol qua đường tiêu hóa….
Hiện hai bệnh nhân tỉnh táo, sinh hoạt được, tình trạng toan chuyển hóa đã về bình thường. Dự kiến, ngày mai có thể bệnh nhân sẽ được xuất viện.
Methanol hay thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi... Tuy nhiên, chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như Ethanol. Ngộ độc rượu từ Ethanol thường nhẹ hơn, chỉ có các triệu chứng như say rượu, nhưng ngộ độc rượu do Methanol thì thường nặng hơn do bị pha cồn công nghiệp vào đồ uống.
Theo bác sĩ Minh, người bệnh ngộ độc Methanol rất nguy hiểm, trong trường hợp phát hiện và nhập viện không kịp thời, bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái diễn tiến xấu do ngộ độc Methanol như toan chuyển hóa, tổn thương đa cơ quan dẫn đến tử vong trong trường hợp nhập viện quá trễ.
“Triệu chứng ngộ độc rượu methanol thường xuất hiện sau 1 - 2 ngày, bao gồm không đi tiểu được (thiểu niệu kéo dài), đau đầu kéo dài, mệt mỏi tăng dần, ý thức lơ mơ hoặc kích thích vật vã, mất tỉnh táo, đặc biệt là dấu hiệu rối loạn thị lực có rất sớm, người sau khi uống phải rượu có methanol thường nhìn thấy đám mây trắng như sương mờ trước mặt… Khi nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh có dấu hiệu bị ngộ độc sau khi sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, hãy đưa đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được xử trí kịp thời”, bác sĩ Minh khuyến cáo.
Nguyễn Lành