4 thuyền viên nhảy xuống biển bỏ trốn ‘tố’ chủ tàu… quỵt lương

4 thuyền viên nhảy xuống biển bỏ trốn ‘tố’ chủ tàu… quỵt lương

Thứ 3, 02/05/2017 | 13:30
0
Trong quá trình làm việc, 4 thanh niên bị bóc lột sức lao động thậm tệ đến mức phải ôm phao nhảy xuống biển bỏ trốn. Trong đó, 2 thanh niên được cứu, 2 thanh niên còn lại vẫn mất tích trên biển.

2 người được cứu, 2 người mất tích

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin sáng 2/5, lãnh đạo văn phòng thường trực ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, trên vùng biển Cà Mau vừa xảy ra vụ việc 4 thanh niên làm việc trên một tàu cá đã nhảy xuống biển bỏ trốn do không chịu được việc bị chủ tàu bóc lột lao động thậm tệ.       

Xã hội - 4 thuyền viên nhảy xuống biển bỏ trốn ‘tố’ chủ tàu… quỵt lương

 Vùng biển Cà Mau, nơi các thanh niên nhảy xuống bỏ trốn vì bị bóc lột sức lao động. 

“Nhờ một tàu cá đi ngang qua khu vực 4 thanh niên này nhảy xuống biển nên 2 thanh niên được vớt lên tàu, 2 thanh niên còn lại bị trôi dạt và mất tích. Trước tình huống khẩn cấp này, đơn vị đã đề nghị khẩn yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau phát thông báo đến các lực lượng chức năng, tàu cá của ngư dân tiến hành tìm kiếm 2 thanh niên nhảy xuống biển mất tích”, vị này chia sẻ thêm.

Trong khi đó, thông tin từ đồn Biên phòng Đất Mũi (Cà Mau) cho biết, đơn vị này chính là nơi tiếp nhận 2 thanh niên nhảy xuống biển được tàu cá cứu sống là Huỳnh Văn P. (19 tuổi) và Nguyễn Tuấn K. (23 tuổi). Cả hai cùng ngụ xã Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Đến thời điểm hiện tại, hai thuyền viên đã được cán bộ của đồn chăm sóc y tế và sức khỏe đã ổn định. Hiện, Đồn đang liên hệ với gia đình để bàn giao 2 thanh niên này.

Theo thông tin ban đầu, chiều 29/4, ông Cao Văn Khởi (ngụ xã Đất Mũi, huyện Đất Mũi, hành nghề đánh lưới cá khoai ở vùng biển Cà Mau) đang điều khiển tàu cá của mình ra khơi thì phát hiện cách đồn Biên phòng Đất Mũi khoảng 18 hải lý về hướng Tây Nam có 2 người đang ôm phao, trôi lập lờ trên biển. Ngay lập tức, ông Khởi điều khiển tàu áp sát và vớt 2 thanh niên này lên tàu. Khi được đưa lên tàu, 2 thanh niên này đã mệt lả, do ngâm dưới biển lâu.

Qua lời một thanh niên, trên biển còn có 2 người khác cũng đang ôm phao. Tuy nhiên, ông Khởi đã điều khiển tàu quần thảo khắp khu vực xung quanh nhưng không thấy thêm một ai nữa. Tiếp đó, ông Khởi nhanh chóng bàn giao 2 thanh niên được vớt cho đồn Biên phòng Đất Mũi.

Ký ức hãi hùng

Qua làm việc với lãnh đạo đồn Biên phòng Đất Mũi, 2 thanh niên này cho biết, vào thời điểm tháng 10/2016, K. vào mạng xã hội tìm kiếm việc làm và quen biết một nam thanh niên tên Cường. Sau đó, Cường rủ K. đi biển làm việc, vừa được lương cao vừa được trải nghiệm cuộc sống của một ngư dân, suốt ngày lênh đênh biển khơi. Do muốn thử cuộc sống như lời Cường nói, K. đồng ý và cho biết sẽ rủ thêm người bạn tên P. đi cùng. Vài ngày sau, Cường thông báo, lương khởi điểm của K. và P. là 15 triệu đồng.

Đến ngày hẹn, Cường đưa cho K. và P. mỗi người 15 triệu đồng và “hứa hẹn” trong thời gian làm việc sẽ còn nhận lương cao hơn. Đến khi đó, K. và P. đừng quên “ân nhân” là Cường. Tiếp đó, Cường đưa K. và P. về thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) và giao cho một tàu cá. Ngay ngày đầu tiên lên tàu cá này làm việc, K. và P. đã bị bóc lột sức lao động thậm tệ.

Những ngày sau đó, cuộc sống của 2 thanh niên này như “địa ngục”, khi phải đầu tắt mặt tối làm việc quần quật nhưng không được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ. Được 3 tháng, hai người không được trả lương mà còn bị chủ tàu này bán sang một tàu cá khác. Cũng không khác gì tàu trước, hai thuyền viên vẫn bị bóc lột sức lao động, thậm chí còn thậm tệ hơn. Trải qua quãng thời gian làm việc 3 tháng, cả hai vẫn không nhận được một đồng lương nào. Do cuộc sống quá khổ cực, hai thanh niên muốn rời tàu nhưng không thể. Họ muốn cầu cứu gia đình nhưng chủ tàu không cho sử dụng điện thoại di động.

Thấy K. và P. có ý chống đối, chủ tàu này lại bán cho một tàu khác. Trên tàu này, K. và P. phát hiện có 2 thanh niên khác tên B. và N. (cùng quê tỉnh Tiền Giang) cũng lâm tình cảnh giống mình. Biết nếu tiếp tục làm việc thì sẽ bị bóc lột sức lao động và bán sang các tàu khác, 4 thanh niên này đã bàn nhau ôm phao nhảy xuống biển bỏ trốn. Khi có tàu cá nào đi qua sẽ nhờ vớt lên, đưa về đất liền. Trước khi nhảy xuống biển, K. và P. dùng dây cột lại với nhau, còn B. và N. cũng tương tự. Thế nhưng, khi ôm phao nhảy xuống biển, do sóng đánh, B. và N. bị đẩy đi xa, còn K. và P. may mắn được tàu của ông Khởi phát hiện.

Trao đổi với PV, ông Khởi cho biết: “Lúc tàu của tôi đi ngang qua khu vực 2 thanh niên trôi dạt thì thấy vật lạ trên biển. Khi đến gần, tôi mới phát hiện là có người ôm phao. Ngay lập tức, tôi cho người vớt lên tàu cho ủ ấm. Biết dưới biển còn 2 người, tôi cho tàu quần thảo nhưng không thấy ai nữa. Tôi đoán sóng biển đã đánh 2 người này trôi xa. Thật sự, nếu tàu của tôi không có mặt kịp thời thì 2 thanh niên này đã bỏ mạng”.

“Qua lời kể của 2 thanh niên này, tôi nhận được họ đã rơi vào bẫy của cò lao động đi biển. Thực chất cò này đã bán các thanh niên trên cho các tàu cá rồi lấy tiền. Đa phần các tàu mua lao động kiểu này đều hoạt động trái phép, vi phạm pháp luật. Vụ việc xảy ra với các thanh niên trên là lời cảnh tỉnh đến mọi người, tránh rơi vào bẫy của các cò lao động đi biển bất nhân”, ông Khởi chia sẻ.

Vẫn còn chưa hết hãi hùng sau sự việc, anh K. tâm sự: “Đến giờ tôi vẫn chưa hết sợ hãi sau chuỗi ngày bị bóc lột sức lao động thậm tệ. Có thể nói đó là “địa ngục” nên giờ thoát được, tôi nhủ sẽ không bao giờ bước vào một lần nữa”.

Theo lời K., người tên Cường, K. chỉ quen qua mạng và không biết rõ về thanh niên này. Chỉ khi lên tàu cá, qua những người khác, K. mới biết Cường là một tay cò lao động đi biển chuyên nghiệp. “Cò này đã bán chúng tôi với giá bao nhiêu tôi không rõ nhưng ước đoán số tiền lấy từ chủ tàu cũng không ít. Thật sự nếu biết cuộc sống khổ cực như vậy, tôi sẽ không bao giờ nhận lời Cường. Giờ tôi mong được đoàn tụ với gia đình”, K. bộc bạch.  

Nhóm PVMN