Trở về như được sinh ra lần nữa
Khi được đưa về đất liền, trên khuôn mặt của các ngư dân vẫn còn hằn nét mệt mỏi, căng thẳng khi đã chứng kiến các bạn thuyền lần lượt nằm lại biển vì kiệt sức. Sau khi được các quân y chăm sóc sức khỏe của 5 thuyền viên dần ổn định nhưng họ vẫn còn tiều tụy. Trên người ngư dân còn nhiều vết lở loét, da bong tróc do ngâm nước mặn ở biển lâu ngày.
Từng là người gặp nạn khi đi biển, thuyền trưởng Bùi Văn Toàn (sinh năm 1972) nói rằng sau sự cố lần này như được sinh ra thêm lần nữa. Bởi, 8 năm trước tàu do ông làm thuyền trưởng cũng đã bị sóng đánh chìm ở vùng biển Kê Gà, tỉnh Bình Thuận; sau đó nhiều thuyền viên đã được cứu.
Đôi mắt trũng sâu vẫn còn những nét mệt mỏi, thuyền trưởng Bùi Văn Toàn cho biết tàu của ông có 15 người, trên đường đánh bắt hải sản trở về thì gặp giông gió. Từng đợt sóng biển vỗ mạnh, sóng dâng lên cao khiến nước tràn vào. Các thuyền viên đã tát nước và tìm đủ cách khắc phục nhưng đều bất thành. Sau đó, tàu chìm nhanh, thức ăn, nước uống đều nằm dưới biển theo tàu, các ngư dân không kịp mang theo thứ gì.
Là thuyền trưởng của tàu, ông Toàn phải đưa ra quyết định khó khăn là chia thuyền viên thành 2 nhóm lên 2 thúng. Một thúng 7 người và một thúng 8 người. Thuyền viên ở trên thuyền thúng sẽ có thêm cơ hội sống sót, còn chần chừ thì không kịp nữa. Lúc đầu, các ngư dân cố giữ cho 2 thúng gần nhau nhưng sau đó sóng lớn đã làm 2 thúng thất lạc nhau.
Những ngày trôi dạt trên biển, các ngư dân cố gắng bám vào chiếc thuyền thúng, phó mặc cho sóng gió đẩy đưa. Để sinh tồn họ chỉ có thể dùng nước biển, hứng nước mưa uống và vớt rong biển để ăn. Khi đó, ai cũng hoảng loạn nhưng họ đã tự động viên nhau trấn tĩnh, lạc quan để cùng bám trụ với niềm tin sẽ có tàu đi qua cứu vớt. Ông Toàn chia sẻ vì là thuyền trưởng nên ông càng phải cố bình tĩnh bởi nếu ông nản chí thì mọi người sẽ buông xuôi theo.
Sau khi về bờ, ông cho biết sau thời gian nghỉ ngơi, tinh thần ổn định lại hẳn rồi sẽ quay trở lại với biển, chứ không bỏ biển vì đây là nghề nuôi sống cả gia đình mình.
Em trai ông Toàn là ông Bùi Văn Vinh cho biết mình đi biển trên 20 năm, đây là lần thứ 2 trong đời gặp cảnh chìm tàu. Lần trước bị chìm nhưng chỉ một đêm là được cứu vớt rồi. Lần này, 12 ngày lênh đênh trên biển, chỉ có nước biển, hứng nước mưa để uống cầm cự. Lần lượt vào ngày 19, 20, 21/7, 3 bạn thuyền không chịu nổi nữa và kiệt sức, chết đi.
“Lúc bị trôi 7-8 ngày, mấy anh em nghĩ là mình không còn đường sống nữa rồi nhưng vẫn động viên nhau cứ cố gắng thôi. Thời tiết trên biển lúc nắng lúc mưa, sóng gió nhiều. Ngồi trên thúng, anh nào đói quá khát quá thì chết, còn lại anh em cố gắng bám trụ”- ông Vinh ngậm ngùi nhớ lại quãng thời gian kinh khủng ấy.
Sau chuyến biển này, ông Vinh cho biết sẽ nghỉ ngơi một thời gian rồi mới tính tiếp.
Là thuyền viên lớn tuổi nhất đoàn, ông Nguyễn Văn Mỹ (sinh năm 1964) trở về sau chuyến đi định mệnh với các vết lở loét, bong tróc da, nhất là ở tay. Ông cho biết nhờ kinh nghiệm hơn 30 năm đi biển, ông mới duy trì được sự sống và chờ tàu đến cứu.
“Khi khát đành phải uống nước biển nhưng chỉ uống từng ngụm để vơi cơn khát, tránh uống nhiều dễ bị suy thận. Chỉ có làm như vậy mới duy trì sự sinh tồn, chờ có tàu đến cứu” - ông Mỹ nói.
Đối diện với biển cả mênh mông, sóng lớn chiếc thuyền thúng đã 4 lần lật úp, hất mọi người xuống biển nhưng rồi mọi người cố ngoi lên, bởi còn sức nên ráng bám trụ. Ông Mỹ và thuyền trưởng Toàn liên tục động viên các thuyền viên khác không được hoảng loạn, cố gắng đến khi có tàu được cứu. Khi có ai thiếp đi, các bạn thuyền khác lại ở kế bên vỗ dậy. Nhiều lúc đã muốn buông tay như những người trước đó nhưng rồi họ tiếp tục động viên nhau cố gắng để chờ được cứu.
Nén đau thương ông Mỹ cho biết trong số 3 người tử vong có cháu họ và chú họ của mình. Cả nhóm đành thả xác xuống biển và cầu trời phù hộ cho những ngày lênh đên trên biển tiếp theo. Khoảng thời gian kinh khủng nhất đối với các ngư dân là phải đối mặt với từng cơn sóng dữ, biển đêm lạnh lẽo, trôi dạt không phương hướng… trong tình trạng vừa đói vừa khát.
Suốt thời gian trôi dạt trên biển, có những lúc các ngư dân trông thấy một số tàu chạy qua nhưng tiếng kêu cứu yếu ớt của họ lọt giữa khoảng không mênh mông của biển. Đến trưa 22/7, họ nhìn thấy tàu chở hàng chạy ngang qua nên cố hết sức la hét, tuy nhiên người trên tàu không nghe thấy.
Thật may mắn, điều kỳ diệu đã đến sau đó khi một lúc sau chiếc tàu này quay trở lại, các thuyền viên đã tiếp cận, cứu vớt họ. 5 ngư dân được cứu lên thuyền, sưởi ấm, chăm sóc y tế và ăn uống. Sau đó, họ được chuyển sang tàu 466 đưa về bờ.
Gia đình lập bàn thờ vì đã nghĩ đến tình huống xấu nhất
Theo xe của chính quyền Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận ra đón ba từ 3h sáng, chị Bùi Thị Mỹ Ngọc, con gái thuyền trưởng Bùi Văn Toàn cho hay khi biết tin tàu gặp nạn, gia đình vẫn tin rằng ba còn sống. Tuy nhiên, sau khi 4 thuyền viên được cứu trước đó trở về nhà và cho hay ba có sức khỏe yếu nhất trong các thành viên, lại chẳng có tin tức gì nên gia đình đã mua bàn thờ, xem ngày để tang. Nhưng rồi kỳ tích đã đến, ba vẫn còn sống và được cứu đưa về bờ.
Trong buổi lễ bàn giao các ngư dân, điện thoại của chị Ngọc reo liên tục vì nhiều người gọi điện đến hỏi thăm.
“Ba em trở về như được sinh ra lần nữa và gia đình em như được đón người mới về nhà vậy. Mẹ em sức khỏe yếu vì vừa trải qua phẫu thuật nên ngất lên ngất xuống. Muốn ra đón ba về nhưng cũng không đủ sức” – chị Ngọc cho hay.
Đôi mắt rưng rưng, bà Đàm Thị Ngọc Hiệp, vợ của thuyền viên Lê Văn Dũng chia sẻ: “Thấy chồng được cứu sống trở về về tôi mừng lắm và thấy thương xót cho các anh, mười mấy ngày không ăn, chân tay đau, đi cũng không nổi nữa. Con tôi hỏi sao mẹ không cho đi thăm ba, tôi nói mai ba về rồi”.
Vì say xe nên bà Lê Thị Thanh Trang, vợ thuyền viên Bùi Văn Vinh không dám ăn uống gì suốt trên đường ra đón chồng. Nhìn thấy chồng, bà ngay lập tức ôm chầm lấy, nước mắt giàn giụa, nghẹn ngào không nói nên lời.
Thức trắng nhiều ngày mong ngóng tin, bà Nguyễn Thị Hòa, lao tới ôm chồng là ông Nguyễn Văn Mỹ khi họ về tới cảng. Hai mắt bà đỏ hoe khi nhìn thấy những các vết thương lở loét trên tay chồng.
Người phụ nữ nước da đen nhẻm, trông đầy khắc khổ nói rằng khi nghe tin chồng bị nạn, cả nhà “đứng ngồi không yên”. Điện thoại cứ liên tục reo vì người thân, bạn bè hỏi thăm.
“Tôi chỉ biết cầu nguyện mong chồng và mọi người bình an. Thế nhưng qua nhiều ngày không nhận được tin, gia đình cũng buông xuôi và nghĩ đến tình huống xấu nhất là ông đã mất ngoài biển cả. Ở nhà, tôi đã lập bàn thờ chồng nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, chồng vẫn còn sống, tôi chỉ biết mừng thôi”, bà Hòa chia sẻ.
Sau khi bàn giao, các ngư dân đã lên xe trở về địa phương trong niềm vui của người thân và mọi người.
Trước đó, vào chiều 21/7, tàu Cảnh sát biển 7011, thuộc Hải đoàn 32, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã đưa 4 ngư dân tàu cá trên (được tàu của ngư dân Bình Định cứu) về đất liền.
Châu Tường