Trong bài viết tựa đề “Giấc mơ của ông Putin: 5 vũ khí Mỹ mà Nga khao khát sở hữu”, cây bút Robert Farley của National Interest đã chỉ ra những khía cạnh quân sự mà Moscow cần khắc phục khi so với Mỹ.
Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển các loại vũ khí tốt nhất nhằm so kè với đối thủ. Trong đó có thể kể đến các cặp vũ khí như máy bay MiG-25 với F-15; Tu-95 “Backfire” với B-52; các loại tàu ngầm và xe tăng.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Xô được cho là đã mất khả năng cạnh tranh với Mỹ trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Sự sụp đổ của tổ hợp công nghiệp-quân sự sau khi Liên Xô tan rã đã càng làm trầm trọng thêm vấn đề này.
Ngày nay, mặc dù quân đội Nga vẫn đáng gờm nhưng nước này vẫn có những yếu điểm lớn khi so với Mỹ. Dưới đây là 5 lĩnh vực mà Nga muốn đạt được khả năng như Mỹ.
Máy bay thế hệ thứ 5
Cách đây 5 năm, Sukhoi PAK FA được kỳ vọng sẽ giúp Nga thu hẹp khoảng cách giữa máy bay chiến đấu tiền tuyến của Mỹ và Nga. Nhưng ngày nay, chương trình phát triển đang gặp khó khăn, với các yếu tố kỹ thuật và kinh tế dẫn đến việc giảm đáng kể các đơn đặt hàng dự kiến. Mặt khác, Mỹ đã tích hợp thành công F-22 Raptor vào hoạt động tuyến đầu.
Cây bút Farley nhận định, trong khi Nga tiếp tục chế tạo và vận hành các máy bay chiến đấu đáng gờm, không loại máy bay nào có thể so sánh với Raptor. Cho đến khi Sukhoi hoặc một máy bay mới nào khác đi vào hoạt động, Mỹ sẽ có lợi thế quyết định trong trò chơi chiếm ưu thế trên không.
Vũ khí dẫn đường chính xác
Mặc dù Nga đã bắt đầu sử dụng nhiều hơn các loại vũ khí dẫn đường chính xác ở Syria so với thời kỳ trước đó ở Gruzia, nhưng nước này vẫn được đánh giá là còn thua kém Mỹ trong việc triển khai các loại vũ khí này.
Một phần lý do đến từ sự khác biệt về học thuyết quân sự, khi quân đội Nga có xu hướng ít coi trọng hiệu quả vũ khí dẫn đường chính xác so với quân đội Mỹ. Nhưng một phần khác là do Nga vẫn thiếu kho dự trữ vũ khí dẫn đường chính xác phong phú mà Mỹ đã xây dựng trong nhiều thập kỷ.
Hơn nữa, máy bay Nga thường thiếu các cảm biến đặc trưng giống các máy bay phương Tây sử dụng trong các nhiệm vụ không đối đất. Điều này khiến cho một chiến dịch không kích của Nga trở nên khác biệt nhiều (và theo một cách nào đó được coi là kém hiệu quả hơn) so với các đối tác phương Tây.
Tổ hợp tình báo-giám sát-trinh sát
Trong những năm cuối của Chiến tranh Lạnh, các nhà tư tưởng quân sự ở Liên Xô hiểu rằng khả năng kết hợp tấn công tầm xa và công nghệ thông tin sẽ là đặc trưng thống trị trong kỷ nguyên quân sự tiếp theo. Họ cũng hiểu rằng Liên Xô thiếu những đổi mới mang tính quốc gia cần thiết để cạnh tranh với Mỹ về công nghệ máy tính và truyền thông tiên tiến.
Một số yếu tố trên đã thay đổi nhưng một số thì không. Quân đội Nga vẫn thiếu năng lực tình báo, thông tin liên lạc và khả năng phối hợp, vốn là đặc điểm trong cách đánh của Mỹ, cây bút Farley nhận định.
Mặc dù các lực lượng Nga đã chiến đấu hiệu quả ở Gruzia, Syria, nhưng có thêm các máy bay không người lái, thiết bị liên lạc hạng nhẹ, dẫn đường vệ tinh và máy tính tốc độ cao có thể giúp quân đội của họ tăng cường năng lực hơn nhiều.
Tàu đổ bộ
Năm 2010, Nga ký hợp đồng với Pháp mua 4 tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral. Pháp sẽ chế tạo hai chiếc đầu tiên và hỗ trợ Nga xây dựng cặp còn lại. Đây là các con tàu sẽ lấp đầy lỗ hổng lớn trong khả năng tác chiến đổ bộ của Nga, vốn đã không được coi trọng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Nhưng thương vụ trên đã không xảy ra. Sự kiện Nga sấp nhập Crimea và khủng hoảng với Ukraine khiến Pháp hủy bỏ quá trình chuyển giao, cuối cùng Nga không còn tàu chiến đổ bộ hiện đại nào.
Nếu Hải quân Nga có được Mistral, chúng có thể đang ở ngoài khơi bờ biển Syria lúc này. Thay vào đó, hải quân Nga phải phụ thuộc vào các tàu cũ hơn, trong khi ngành đóng tàu gặp khó khăn trong việc lắp ráp các tàu lớn, hiện đại.
Lực lượng quân sự
Ở khía cạnh thứ 5, tác giả Robert Farley đã nói về lực lượng quân sự của Nga, thứ cũng có thể được coi là “vũ khí” quan trọng. Ông cho rằng, Nga đã phát triển một loạt kế hoạch chuyên nghiệp hóa quân đội của mình, nhưng nước này vẫn tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề về cam kết nghĩa vụ quân sự và hạn chế tài chính.
Do đó, việc tăng cường thêm lực lượng lính nghĩa vụ bên cạnh lực lượng chính quy sẽ giúp nâng cao hiệu quả quân sự của Nga.
Quân đội Nga vẫn cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, Nga vẫn phải vật lộn với di sản của Chiến tranh Lạnh, sự suy yếu của nền kinh tế Nga và giá dầu giảm. Dẫu vậy, có nhiều lý do để tin rằng người Nga thấu hiểu những thiếu sót trong lĩnh vực quân sự của họ và đang nỗ lực để khắc phục các vấn đề, Farley kết luận.