Doanh thu từ việc xuất khẩu dầu mỏ của Ả Rập Xê-út đã giảm tháng thứ sáu liên tiếp sau khi giá dầu giảm còn khoảng 80 USD/thùng, nhưng thu nhập hàng năm của quốc gia này vẫn ở mức cao nhất dưới thời Mohammed bin Salman - Thái tử và là người cai trị vương quốc này trên thực tế.
Nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới thu về 326 tỷ USD trong năm 2022 nhờ giá dầu tăng đột biến lên hơn 100 USD/thùng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, theo dữ liệu Cơ quan Thống kê của Ả Rập Xê-út công bố hôm 21/2. Giá trị xuất khẩu dầu mỏ chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của vương quốc này trong năm ngoái.
Tháng 12/2022, xuất khẩu dầu của Ả Rập Xê-út tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021 lên 22,8 tỷ USD, nhưng giảm so với tháng 11. Cơ quan thống kê của Ả Rập Xê-út cho biết, tỉ trọng dầu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này đã tăng từ 71,9% vào tháng 12/2021 lên 79,0% sau một năm.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu dầu mỏ chính của Ả Rập Xê-út trong tháng 12/2022 với 15% tổng lượng hàng xuất khẩu trị giá 4,3 tỷ USD. Theo sát Trung Quốc là Nhật Bản và Ấn Độ với tổng kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 3,4 tỷ USD và 3 tỷ USD.
Năm 2022, nhiều nền kinh tế gặp khó khăn do áp lực lạm phát và giá năng lượng tăng vọt. Trong khi đó, nền kinh tế Ả Rập Xê-út vẫn tăng trưởng 8,7%, cao nhất trong nhóm các nước G20, nhờ ngành dầu mỏ và xuất khẩu.
Đây cũng là lý do vương quốc này đạt thặng dư ngân sách hàng năm lần đầu tiên trong gần một thập kỷ. Kỷ lục hàng năm về doanh thu từ dầu của quốc gia này được lập vào năm 2012 với 336 tỷ USD.
Nguyễn Tuyết (Theo Oil Price, Bloomberg, Arab News)