Tại sao giật mình?
Ấy là lâu nay chúng ta đã có thói quen... không tin những đồ gì mà mình cảm thấy... không tin, như đồ ngoài chợ, ngoài quán, và kể cả đồ trong siêu thị, trong các cửa hàng lớn...
Mà của đáng tội, người tiêu dùng hoàn toàn có lý do để không tin, khi gần đây, hàng loạt các vụ làm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc bị phanh phui, bị bắt. Thì tới cả hàng hiệu nổi tiếng cũng bị làm giả, cũng bị không nguồn gốc mà. Rồi hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm ở các quán, nhà hàng...
Thế là xuất hiện những món quà quê.
Đầu tiên là những người có... cơ sở 2 ở quê, mỗi lần về quê là khệ nệ khuân quà quê lên. Rồi tiện thể, sẵn mạng xã hội, họ rao: em về quê, sắp lên, có như thế như thế, anh chị nào cần, ới em, em mang lên luôn...
Tiến lên, như chỗ tôi sống, vợ tôi (và nhiều người nữa) có hẳn một mạng lưới đồ quê, đồ nhà, cần thì điện thoại, tích tắc có người chở tới, từ gạo, cá biển, cá sông, thịt lợn, thịt bò, gà vịt, tới cà, rau, khoai lang, bắp... và tin nhau tới mức, mang tới mà không có người ở nhà thì móc vào cửa, kèm tờ giấy ướt sũng ghi số tiền. Thế mà tin nhau, mà thun thút ngày này ngày khác, rằng đồ quê sạch và thật.
Tiến lên phát nữa, tự chế biến. Biết các bà nội trợ giờ ít thời gian, những người "quà quê" này xắn tay chế biến luôn. Cá kho sẵn, giò chả làm sẵn, các loại mắm vân vân. Rồi bánh làm sẵn, về chỉ việc hấp, như bánh răng bừa Thanh Hóa, bánh bột lọc Huế, Quảng Bình vân vân... Rao trên mạng và rất nhiều người đặt. Họ tin vào đồ... nhà làm.
Giờ mới giật mình, ừ nhỉ?
Là các quán ăn nhé, các cửa hàng nhé, dẫu vẫn còn chuyện này chuyện kia, vẫn vi phạm này nọ, nhưng rõ ràng họ vẫn chịu sự quản lý và giám sát của các cơ quan chức năng. Lại chả có hẳn cái sở An toàn thực phẩm như Tp.HCM, các tỉnh thì có chi cục. Chưa hết, còn có công an, quản lý thị trường vân vân, thế mà các vụ vi phạm vẫn xảy ra.
Thế mà ta lại tin vào... nhà làm, nhà sản xuất, nhà giồng được, nuôi được..., hoàn toàn không hóa đơn đầu vào, không công bố thành phần, không chứng nhận an toàn thực phẩm...
Câu bà Phạm Khánh Phong Lan là nói về mùa bánh Trung thu sắp đến. Và đúng là, mùa Trung thu, bánh nhà làm xuất hiện dày đặc trên... mạng. Nó đánh bạt các cửa hàng, các hiệu bánh truyền thống. Ít nhất là chia thị phần. Và cũng quả là, chủ yếu chúng ta tin cái mác "nhà làm", một niềm tin hết sức mơ hồ, chứ các nhà bánh chuyên nghiệp, họ có quy trình sản xuất rất chặt chẽ và chịu sự giám sát, kiểm tra cũng chặt chẽ...
Các gia đình có con cháu ở các thành phố lớn, nhất là Sài Gòn và Hà Nội, có cái thú gửi đồ ăn tươi sống cho con cháu. Bây giờ rất đơn giản: gọi điện thoại cho mối quen, tất nhiên "hàng nhà": gà 5 con loại ngon (tất nhiên làm sẵn rồi), thịt bò bắp 5 cân, lợn quê 5 cân, trứng gà ta 50 quả vân vân, đúng giờ các "hàng nhà" này được chở tới. Vợ chồng hì hục cấp đông, rồi đóng thùng xốp, rồi chở ra bến xe. Các hãng xe khách nhận hàng rất uy tín và rẻ. Đa phần khoảng 50 ngàn một thùng xốp lặc lè (nhà ai cũng cố nhét cho bõ một lần gửi). Một đêm, sáng sau đã tới người nhận. Cho vào tủ lạnh ăn dần. Và tất cả những đồ ấy, toàn là tin nhau, chứ ai biết chất lượng chính xác nó như thế nào đâu?
Ơ kìa, nó có thật sạch không? Một anh bạn vừa thảng thốt hỏi tôi khi ngồi cà phê nhắc chuyện... rau sạch. Ấy là một bà cắp một rổ giới thiệu là rau sạch hái vườn nhà vào bán. Hôm nào bà này cũng bán như thế, có cảm giác vườn nhà bà này phải mấy héc ta. Ngay là của vườn nhà bà ấy thì nó có thuốc sâu không, có thuốc kích phọt gì không?...
Cũng như thế, các loại bò heo gà cá... sạch kia, nó có sạch thật không, ai bảo đảm nó sạch, hay chỉ sạch từ... mắt, từ niềm tin, từ những mù mờ không cụ thể. Còn những thứ cụ thể rành rành kia, có cơ quan nhà nước quản lý kia, thì lại không đáng tin, dù như tôi viết từ đầu, người tiêu dùng có quyền không tin khi mà họ đã chứng kiến những gì từng xảy ra.
Thì đến chặt chẽ như công ty chăn nuôi C.P kia mà vừa rồi cũng đang ồn lên bao chuyện, tất nhiên thực hư vẫn chưa rõ ràng vì công an vẫn đang điều tra. Hay Hà Nội mới phát hiện một vụ buôn bán lợn bệnh lợn chết đấy. Thì trong số thịt nhà, thịt sạch mà các bà nội trợ tin sau khi không tin những gì bày bán truyền thống, ai dám bảo không có bò, lợn, gà, cá... kém phẩm chất, bệnh, hay thậm chí đã chết...
Nhưng nghĩ cho cùng, mọi người sống đều cần có một chỗ để gửi niềm tin. Các bà nội trợ cũng thế. Họ cũng cần tìm nơi để tin rằng, họ đang được dùng đồ sạch. Và họ bèn tin vào... đồ nhà có, nhà làm...
Nhưng lại cũng nghĩ cho cùng, đồ nào mà chả... đồ nhà, gạo nào mà chả gạo quê. Mà chăn nuôi tập trung, mà trang trại, mà những đồ thương hiệu, họ có quy chuẩn, có quy trình, có giám sát, có kiểm tra... mà thi thoảng vẫn chuyện này chuyện kia, thì đồ nhà làm, nhà trồng, nhà nuôi... làm sao qua họ được.
Vấn đề cuối cùng lại là, hãy làm người tiêu dùng thông minh. Nhưng như thế nào là thông minh, dựa vào đâu để thông minh? Hay bèn như anh Chí của Nam Cao: Ai cho "tao"... thông minh?
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả