Vài năm trở lại đây, trang trại nuôi ốc bươu đen thương phẩm và cung cấp giống của ông “trùm ốc” Nguyễn Hữu Nhơn (SN 1992) ở xã Tân Hà, huyện Đức Linh (Bình Thuận) trở nên nổi tiếng...
Nhiều người bất ngờ hơn khi biết anh Nhơn là cử nhân ngành luật và có trong tay 2 bằng đại học khác nhưng đã từ chối mức lương cao, bỏ phố về quê làm nông dân thứ thiệt, tạo công ăn việc làm cho nhiều người…
Chia sẻ với Dân Việt, anh Nhơn cho biết, sau khi tốt nghiệp ngành Luật Thương mại, Đại học Luật Tp.HCM và thêm 2 bằng đại học khác, anh được nhiều công ty nước ngoài mời về làm việc với mức lương cao.
Ban đầu anh dự định ở Tp.HCM làm việc, nhưng nghĩ lại thấy mình xuất thân từ vùng nông thôn, yêu quê hương nên anh Nhơn quyết về quê lập nghiệp.
Đầu năm 2018, anh Nhơn bàn bạc với gia đình về xã Tân Hà (Đức Linh) thuê đất trồng thử nghiệm 200m2 nấm linh chi.
“Ngay vụ đầu tiên tôi bị lỗ nặng do chưa có kinh nghiệm. Tôi tưởng mình kiệt sức nhưng nhờ tìm tòi học hỏi những người đi trước, những lần sau đó số nấm linh chi tôi trồng đã cho lãi cao trên cả 100 triệu đồng…”, anh Nhơn tâm sự.
Sau đó, thấy con ốc bươu đen là loài dễ nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương, chi phí đầu tư không lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh mạnh dạn thuê các ao, bàu của người dân ở xung quanh để đầu tư nuôi ốc bươu đen thương phẩm.
Đầu năm 2019, anh Nhơn bắt đầu nuôi ốc bươu đen. Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm nên lứa đầu tiên anh bị thất bại do ốc nuôi hoài… không chịu lớn! Sau khi tìm hiểu, anh Nhơn mới “ngộ” ra là loại ốc bươu đen này không ăn cám công nghiệp, chúng chỉ thích ăn những loại tự nhiên như cỏ xanh, các loại bèo hữu cơ.
Từ đó, anh Nhơn học kỹ thuật nuôi bèo tấm để làm nguồn thức ăn chính cho ốc. Nhờ ăn những loại bèo, những loại thức ăn hữu cơ nên ốc lớn nhanh, khỏe mạnh, giúp anh Nhơn thành công thêm nghề nuôi ốc bươu đen...
Nêu rõ ý tưởng khởi nghiệp của mình, anh Nhơn cho biết, mô hình nuôi ốc bươu đen có vốn đầu tư thấp, kỹ thuật chăn nuôi dễ dàng, trong khi tiềm năng thị trường còn rất trống. Cơ sở vật chất là cải tạo ao hồ hiện đang bỏ trống theo hướng cải tạo trả lại môi trường tự nhiên, cho ăn rau củ quả loại dạt như bầu, bí, mướp, bèo cám, bèo hoa dâu… nên chi phí thức ăn rất thấp.
Theo hạch toán của chủ trang trại, với nguồn vốn 3 triệu đồng sẽ mua được khoảng 10.000 con ốc con (300 đồng/con). Quá trình nuôi từ 4 - 6 tháng (mật độ nuôi 1.000 -1.500 con/m3), ốc sẽ đạt từ 40 con/kg hoặc lớn hơn là 20 – 25 con/kg, sản lượng đạt khoảng 200 kg. Với giá bán sỉ ốc thương phẩm hiện nay 70.000 đồng/kg, người nuôi có thể đạt doanh thu 13 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi từ 7 - 10 triệu đồng. Các sản phẩm từ ốc bươu đen gồm ốc tươi, ốc gác bếp, chả ốc bươu đen dược liệu, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cải thiện sức khỏe con người.
Tính đến nay, trang trại của gia đình anh Nhơn có khoảng 7 ha diện tích mặt nước nuôi ốc bươu đen thương phẩm, ốc bươu đen giống và cả ốc dược liệu ở huyện Đức Linh.
Anh Nhơn cho biết, trước đây do chưa có kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen làm giống nên tỉ lệ trứng nở chỉ đạt trên 50%. Tuy nhiên, sau một thời gian học hỏi, hiện nay anh đã có kinh nghiệm, kỹ thuật nên tỉ lệ trứng nở đã đạt trên 90%.
“Mỗi tháng trang trại của gia đình tôi cung cấp giống cho khoảng 150 hộ dân trong huyện Đức Linh và nơi khác. Bình quân mỗi hộ từ 20.000 – 50.000 con ốc bươu đen giống, giá bán 300 đồng/con. Việc bán giống cũng cho gia đình tôi nhập rất tốt…”, anh Nhơn cho biết.
Theo báo Bình Thuận, nhận thấy tiềm năng về điều kiện tự nhiên, thị trường và nguồn lao động dồi dào tại quê hương, anh Nhơn còn xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp với diện tích gần 5 ha ngay tại điểm nuôi ốc tại thị trấn Võ Xu. Khi đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm, nghỉ dưỡng với khung cảnh gần gũi với thiên nhiên. Du khách còn được thưởng thức các món ăn dinh dưỡng chế biến từ nấm linh chi, đông trùng hạ thảo và các món ăn dược liệu khác.
Theo anh Nhơn, dự án này là điểm khởi đầu, tiên phong thay đổi từ một nền kinh tế nông nghiệp thành du lịch, dịch vụ thương mại dựa trên nền nông nghiệp hiện có. Khi đưa vào hoạt động sẽ giải quyết được việc làm ổn định cho hơn 50 nhân công lao động tại địa phương. Ngoài việc chăm lo sản xuất kinh doanh của gia đình, anh còn rất tích cực tham gia tư vấn chuyển giao công nghệ cao mô hình nuôi ốc cho đoàn viên thanh niên và bà con trong vùng.
Về định hướng sắp tới, để quảng bá sản phẩm địa phương, chủ trang trại này đang triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch. Mặt khác, phát triển sản phẩm du lịch nông thôn gắn với các thị trường mục tiêu. Cùng với đó, khai thác lợi thế, giá trị khác biệt, nổi bật của nông nghiệp, nông thôn, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới.
Mang tâm huyết và khát vọng của tuổi trẻ, anh Nguyễn Hữu Nhơn đã khởi nghiệp thành công từ nuôi ốc bươu đen và du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Anh đã nhận được giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng năm 2022. Trong năm 2023, anh vinh dự được khen tặng danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc; hiện là Phó Chủ nhiệm mạng lưới Lương Định Của; Tấm gương tiêu biểu trong học tập, làm kinh tế giỏi do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tặng; Tấm gương được biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc do Hội đồng thi đua Trung ương tổ chức và nhiều giải thưởng vinh dự khác… Đây chính là động lực, cũng là bước đệm để những người trẻ như anh Nhơn quyết tâm khởi nghiệp thành công ngay chính trên quê hương Bình Thuận.
Minh Hoa (t/h)