Trước khi bén duyên với nghề nuôi dúi và có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, anh An ở Sơn La từng trải qua nhiều nghề: Làm ruộng, chạy xe, chăn trâu, bò nhưng nghề thì đủ ăn, nghề thì thảm bại. Cụ thể như đợt nuôi 15 con trâu thì gia đình anh thua lỗ nặng gần 200 triệu vì chết mất 11 con.
"Thất bại ở đâu đứng lên ở đó" vào thời điểm đó,sau khi nếm mùi thất bại cay đắng, anh nông dân này chợt nghĩ tới những năm 80 của thế kỷ trước, khi vào rừng đào dúi mốc (dúi xám của Việt Nam) về nuôi. Chúng sinh đẻ tốt, đủ làm thức ăn để cải thiện cho gia đình nhưng do nuôi bằng lồng gỗ nên một dịp dúi cắn thủng, bỏ đi bằng hết.
Theo đó, với mong muốn vực dậy kinh tế gia đình anh An tìm hiểu trên mạng internet, anh lại mua dúi mốc rừng về nuôi nhưng do chưa thuần, tỉ lệ chết nhiều, khi sinh sản lại hay cắn con thành ra thất bại. Nghe nói về dúi má đào thu lợi cao, anh tìm mua 8 cặp người ta bắt trong rừng về nuôi, sau 3 tháng chết mất 12 con, lỗ ngay vài chục triệu.
Sau nhiều lần khởi nghiệp thất bại, anh An quyết tâm làm lại từ đầu. Tiếp tục hành trình nuôi dúi với 8 cặp, sau 8 tháng nuôi đều sinh sản, mỗi năm trung bình 3 lứa, mỗi lứa trung bình 4-5 con, nhưng để đảm bảo sức khỏe cho dúi mẹ nên mỗi năm anh để chỉ 2 lứa.
Thông thường núi mốc rừng của Việt Nam cũng đẻ mỗi năm 2-3 lứa nhưng mỗi lứa chỉ 2-3 con, mỗi con trưởng thành nặng chỉ hơn 1 kg, nhiều mỡ thành ra giá bán chỉ 500.000đ/kg, lợi nhuận thấp.
Còn dúi má đào thuần của Lào ngoài sinh sản khỏe, trọng lượng trưởng thành lên tới 5-6 kg, thịt thơm ngon, ít mỡ thành ra bán mỗi kg 650-700.000đ, giống 3,5-4 triệu đồng/cặp lúc chúng khoảng 1 kg.
Quyết tâm làm giàu tại địa phương, hiện trang trại dúi nhà anh có diện tích cỡ 200m2, đang nuôi 450 con dúi má đào và hơn 50 con dúi mốc. Điển hình năm 2020 anh lãi 350 triệu, năm 2021 lãi hơn 600 triệu, năm 2022 lãi hơn 700 triệu, tỉ lệ 50% bán giống, 50% bán thịt.
Tiết lộ bí quyết nuôi dúi với báo Nông Nghiệp, anh An cho hay: "Dúi ăn đêm ngủ ngày và ngủ rất say. Còn nuôi theo kiểu truyền miệng, cho ăn nhiều cám công nghiệp, tinh bột, đạm là dúi béo, ít sinh sản, hay bị bệnh đường ruột, đi ngoài ra máu rồi chết.
Nuôi 1 con dúi mẹ lãi bằng 1 con bò, tương đương 15-18 triệu đồng/năm mà bò phải chăn dắt còn dúi không. Nuôi dúi khi đẻ người không phải đỡ, không phải chăm sóc như bò mà chúng tự liếm, tự ủ rồi cho con bú. Lúc nào dúi mẹ cũng ấp con trong bụng, 1-2h lại cho bú. Nếu đẻ non, dúi không chăm con nữa thì đành phải chịu, không thể cứu được”, anh An thông tin.
Ngoài ra, để đàn dúi phát triển và cho doanh thu cao, anh Lê Văn Lâm – Chủ tịch hợp tác xã chăn nuôi và nhân giống bảo tồn động vật Thái Nguyên, cho biết dúi má đào là loài vật nuôi khó tính nhưng biết cách chăm sóc, con vật này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bật mí về những lưu ý khi nuôi dúi, anh cho biết những người mới nuôi dúi cần chú ý xây dựng chuồng trại khép kín, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Nhiệt độ phát triển phù hợp từ 20 – 28 độ C, còn nhiệt độ dành cho dúi thương phẩm là từ 18 – 32 độ C.
Dúi là loại động vật ăn ít, thức ăn rất dễ kiếm, sẵn có, chủ yếu là mía, ngô, thân cây tre. “Do giá thức ăn rẻ nên mọi người không nên tận dụng các loại thức ăn đã dập nát, mốc sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của con dúi", anh Lâm chia sẻ.
Kỹ thuật nuôi dúi sinh sản, không phải ai cũng biết
Đầu tiên bà con cần chọn con đực thả vào chuồng cái và quan sát, nếu thấy hai con quấn quýt nhau thì để nguyên vậy, còn nếu thấy con đực và con cái gằm ghè nhau thì thay con khác.
Lưu ý sau 2 ngày nếu thấy con cái có biểu hiện vú hơi căng, bộ phận sinh dục xe lại thì con cái đã được đực. Còn nếu chưa thì nên để con cái và con đực ở với nhau trong vòng một tuần nữa.
Sau khi dúi cái được đực thì chú ý chế độ ăn phải đủ tre, mía và bổ sung thêm ngô hoặc khoai lang và củ sắn...
Thông tin trên Dân tộc và Phát triển, để phòng bệnh cho dúi, chuồng trại phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát. Con dúi là động vật hoang dã mới được thuần hóa, sức đề kháng mạnh vì thế nên ít dịch bệnh. Tuy nhiên, bà con cũng không nên chủ quan một số bệnh vẫn có thể xảy ra như bệnh ngoài da, bệnh đường ruột.
- Dúi bị bệnh ngoài da: Khi dúi bị bệnh bà con có thể dùng thuốc kháng sinh hoặc dúi tự liếm cũng có thể khỏi. Hàng tháng nên vệ sinh sát trùng, tẩy uế chuồng trại và xung quanh khu vực dúi sống.
- Dúi bị bệnh đường ruột: Thường do khẩu phần thức ăn cung cấp không đầy đủ thành phần và giá trị dinh dưỡng nên dúi có thể bị tiêu chảy. Trong trường hợp đó, ta có thể dùng thuốc điều trị tiêu chảy hoặc bổ sung thêm thức ăn, nước uống đắng, chát như ổi xanh, cà rốt, rễ cau, rễ dừa… Theo đó, để phòng bệnh tiêu chảy, không nên sử dụng các loại thức ăn hôi thối, ẩm mốc, khẩu phần thức ăn phải phong phú và đa dạng.
Trúc Chi (t/h)