Anh nông dân ở Quảng Nam trồng một loại cây không sợ bị ế có doanh thu tiền tỷ mỗi năm không những vậy tạo công ăn việc làm cho một số người.
Người được mệnh danh "ông hoàng" trồng lá sương sâm ở Quảng Nam chính là anh Nguyễn Quang Định.
Tiết lộ bí quyết làm giàu về loại cây có "1-0-2" với Dân Trí, anh Định nói, cây sương sâm thuộc họ dây leo, trước đây mọc dại ở rừng núi. Ngày trước, người dân Quảng Nam thường đi tìm lá của cây này về làm thạch giải khát, nhưng chưa có người nào đưa về trồng.
Cụ thể vào năm 2013, khi anh Định vào miền Nam để làm việc thì vô tình biết được mô hình trồng lá sương sâm. Thấy lạ mắt, lại mang hiệu quả kinh tế cao, nên quyết định mang giống về quê trồng thử nghiệm trên đất đồi khô cằn.
Không ngờ sau một thời gian học cách chăm sóc, tưới tiêu, loại cây này phát triển tốt, thích ứng với thời tiết nắng nóng ở địa phương và đặc biệt khả năng chịu hạn rất cao.
"Những ngày đầu, tôi trồng theo kinh nghiệm học từ miền Nam là chủ yếu, dần dần sáng tạo thêm để phù hợp hơn. Đến nay nói về kinh nghiệm trồng sương sâm, tôi rất tự tin mình nắm vững", anh Định chia sẻ.
Từng là loài cây mọc dại ở rừng núi, do đó sương sâm có ưu điểm là dễ trồng và chỉ sau một thời gian ngắn là có thể thu hoạch được. Đó là chưa nói đến việc trồng sương sâm trong thời gian càng lâu, thu hoạch thường xuyên sẽ giúp đọt non mọc nhanh, lá thu được nhiều hơn, cho năng suất cao.
Nói về bí quyết chăm sóc cây sương sâm chủ vườn sương sâm này cho hay, đây là loại ưa nước nhưng không được tưới quá nhiều, tránh bị ngập úng. Nếu đất không tơi xốp và thoát nước sẽ gây chết cây.
Muốn cây phát triển tốt cần dọn gốc sạch để tránh sâu rầy trú ẩn, giúp đọt non ra nhiều và phải nắm bắt được thời điểm để cột dây sương sâm lên giàn, tránh trồng cây với mật độ dày để những lá phía dưới gốc không bị thiếu ánh sáng.
"Nếu chăm sóc tốt thì chỉ sau 5-6 tháng có thể thu hoạch. Dây càng lớn thì năng suất càng cao. Cây rất dễ trồng. Trong thời gian phát triển, cây cần được cung cấp đủ nước tưới, làm giàn chắc chắn là được", anh Định nhấn mạnh.
Để có doanh thu "khủng" như hiện nay, anh nông dân này đã có gần 10 năm "ăn ngủ" với cây sương sâm.
Từ khi bắt tay vào khởi nghiệp tại quê hương, anh Định đã tự tay thiết kế hệ thống tưới nước tự động và che gốc bằng bạt để hạn chế thoát hơi nước, hạn chế cỏ dại mọc. Theo đó, vườn sương sâm cũng được đầu tư, bố trí rất bài bản và khoa học. Mỗi gốc sương sâm đều trồng trụ sắt vững chắc. Hàng sương sâm cách nhau khoảng 0,5 mét, có rãnh thoát nước chống ngập úng.
Được biết, đặc tính của sương sâm là dây leo, để tiết kiệm diện tích, anh cũng thiết kế giàn leo bằng dây và đưa lên cao thay vì giàn trồng bằng trụ thấp ở dưới. Nhờ vậy, trên cùng một diện tích đất, anh có thể trồng nhiều dây sương sâm và dễ thu hoạch, tránh đổ ngã.
Với quyết tâm làm giàu mãnh liệt với loại lá đắt đỏ này, gia đình anh Định đã đầu tư hơn 3.000 m² đất trồng cây sương sâm. Không dừng lại ở đó sắp tới, anh tiếp tục sẽ đầu tư trồng thêm 2.000 m² để cung ứng lá sương sâm ngược vào cho khách hàng.
Điều đáng nói, kể từ khi trồng loại cây này (từ 10 năm nay), gia đình anh Định chưa khi nào mặt hàng này bị ế ẩm. Đáng chú ý mỗi lần thu hoạch, khách hàng đến tận vườn thu mua chứ không phải mất công chở đi bỏ mối ở nơi xa.
Loại lá "độc đáo" này được xuất bán với giá từ 100.000-150.000 đồng/kg. Vào những tháng nắng nóng, người dân có nhu cầu giải nhiệt, làm mát cơ thể nên sương sâm có lúc "cháy" hàng không có mà mua.
"Lá đạt chất lượng thì khoảng 25 ngày sẽ được thu hoạch một lần. Bình quân 500 m2 vườn trồng, tôi thu được 200-300 kg lá. Với diện tích hiện tại, một năm tôi có thể thu được 20 tấn lá sương sâm, thu nhập khoảng 2 tỷ đồng", anh Định cho biết.
Quyết tâm giàu tại quê hương, anh Định muốn phổ biến loài cây này tại nơi sinh sống, bên cạnh đó cũng tích cực vận chuyển sương sâm sau thu hoạch đến nhiều điểm thu mua ở khu vực miền Trung để tăng nguồn thu, mở rộng việc kinh doanh sương sâm.
Ở nước ta, cây sương sâm có 2 loại phổ biến là sương sâm trơn và sương sâm lông. Chúng ta có thể phân biệt bằng đặc điểm lá và dây cây sương sâm có hoặc không có lớp lông bao phủ trên bề mặt, trái chín của cây sương sâm trơn có màu tím, trái chín của cây sương sâm lông có màu đỏ.
Muốn chế biến món ngon, sau khi thu hái, lá và dây sương sâm tươi được rửa sạch rồi vò với nước lọc nguội, lọc lược sạch, để 1-2 giờ sẽ đặc sệt lại thành món thạch sương sâm, hoặc phơi hay sấy khô lá sương sâm rồi bảo quản tránh ẩm mốc để dùng dần.
- Thanh nhiệt, giải độc: Chia sẻ với Thanh Niên, Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM cơ sở 3, cho biết sương sâm (tiliacora triandra) là một loại thảo dược dây leo có nguồn gốc từ Đông Nam Á, được sử dụng rộng rãi làm thuốc và thực phẩm từ hàng ngàn năm nay.
"Theo Đông y, lá sương sâm có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, nhuận tràng, chữa táo bón, kiết lỵ, đái dắt, nóng nhiệt,… Theo nghiên cứu y học hiện đại, lá sương sâm chứa nhiều vitamin A, beta carotene, phốt pho, polyphenol, flavonoid, alkaloid và các khoáng chất như canxi và sắt,… mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe", bác sĩ Vũ chia sẻ.
- Chống lão hóa: Theo nghiên cứu ở Mỹ, chế phẩm bôi ngoài da có chiết xuất từ lá sương sâm, dùng hằng ngày có tác dụng kích thích tăng sinh nguyên bào sợi và tế bào sừng, làm tăng biểu hiện collagen và ức chế hoạt động collagenase. Từ đó giúp ngăn ngừa và chống lão hóa da hiệu quả, cải thiện và làm giảm các dấu hiệu lão hóa da theo thời gian hoặc do nội tiết tố, tia UV từ ánh nắng mặt trời, làm giảm các đường nhăn trên khuôn mặt, nếp nhăn và da chảy xệ.
- Hạ đường huyết, bảo vệ gan: Trên thực tế nước lá sương sâm có thể hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả thông qua việc ức chế quá trình tạo đường ở gan, kích thích sản xuất insulin trong cơ thể. Nước lá sương sâm có khả năng phát triển thành một sản phẩm dinh dưỡng để ngăn chặn việc sản xuất quá mức glucose ở bệnh nhân béo phì, kháng insulin và tiểu đường.
- Chống ung thư: Lá sương sâm cũng là vị thuốc có tác dụng chống oxy hóa, chống ung thư, kháng khuẩn, hoạt động chống viêm và điều hòa miễn dịch, hỗ trợ ổn định huyết áp. Bên cạnh đó, còn làm giảm stress oxy hóa, cải thiện suy giảm trí nhớ, rối loạn chức năng não trong chứng nghiện rượu đã được nghiên cứu.
Mặc dù loại lá sương sâm tốt, tuy nhiên khi làm món thạch thì không nên lạm dụng món ăn vặt giải khát này, vì có thể dẫn tới tiêu chảy, không nên dùng quá 2 ly mỗi ngày, còn trẻ em chỉ nên ăn nửa ly mỗi ngày. Nếu yêu thích hương vị món thạch sương sâm thanh mát được làm từ lá sương sâm này, chúng ta có thể tự làm tại nhà để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trúc Chi (t/h)