Ngay khi nhận được thông tin về việc ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Trần Thanh Nam đã dẫn đầu đoàn công tác lên Lạng Sơn nắm bắt tình hình và phối hợp với UBND tỉnh, các đơn vị chức năng cửa khẩu để sớm đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Lượng xe thông quan giảm mạnh do Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc xuất khẩu hiện nay, phát biểu tại buổi họp báo chiều ngày 20/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nêu ra 3 lý do:
Thứ nhất, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid-19” nên các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên người, phương tiện và hàng hóa đến từ các nước chấp nhận “sống chung với dịch bệnh” bị siết chặt. Quy trình kiểm tra trở lên ngặt nghèo hơn dẫn đến kéo dài thời gian thông quan, giảm hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng cửa khẩu phía bạn.
Thứ hai, công hàm của Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) gửi đến các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước này cho biết, đã phát hiện lái xe chuyên trách chuyển hàng của Việt Nam trong khu vực cửa khẩu nhiễm Covid-19. Mặt khác, trên bao bì của một số lô hàng nông sản xuất khẩu của nước ta cũng phát hiện virus SARS-CoV-2. Chính vì vậy, công tác kiểm soát của giới chức nước bạn càng trở lên chặt chẽ hơn.
Thứ ba: 14 ngày trước và sau Tết Nguyên đán 2022, Cơ quan quản lý cửa khẩu của Trung Quốc sẽ không thực hiện thủ tục thông quan đối với hàng bảo quản lạnh. Quy định này nhằm cho cán bộ, công chức làm việc tại cửa khẩu đủ thời gian cách ly sau đó về đón Tết với gia đình. Đây cũng là một nguyên nhân khiến sức ép xuất khẩu trước thời điểm tạm dừng trên tăng cao, dẫn đến hàng hóa đổ về cửa khẩu gia tăng đột biến.
3 nguyên nhân chính nêu đã khiến lượng xe thông quan mỗi ngày giảm mạnh, chỉ còn 200 đến 300 xe, trong khi đó, lượng hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc thường tăng mạnh vào dịp cuối năm nên đã dẫn tới tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.
Từ đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT bày tỏ:
"Một số doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện nghiêm quy định 5K, dẫn đến sự việc vài lái xe bị nhiễm Covid-19 khiến cho phía bạn đưa ra các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo hơn, thậm chí, ngay cả hàng hóa của chúng ta cũng bị kiểm dịch. Do đó, tôi rất mong các doanh nghiệp thực hiện nghiêm 5K, tránh gây thiệt hại chung".
Cần sự phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ tình hình hiện nay
Phát biểu tại buổi họp báo, tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Hồ Tỏa Cầm đánh giá, đây là lần ùn tắc nghiêm trọng nhất trong lịch sử giao thương giữa 2 nước. Theo ông, nguyên nhân chính là do dịch bệnh Covid-19 gây lên và mới đây, việc một lái xe của Việt Nam bị phát hiện dương tính đã khiến tình hình thêm phức tạp.
“Lãnh đạo hai nước đều rất quan tâm đến vấn đề này. Bí thư tỉnh Quảng Tây, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng đã gọi điện cho Đại sứ quán, đề nghị phối hợp tìm giải pháp thông quan hàng hóa".
Thông tin thêm đến buổi họp báo, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc cho biết, tại các thành phố Bằng Tường, Sùng Tả (khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây) hiện còn khoảng 2.500 xe container. Như vậy, tổng lượng xe ùn tắc ở khu vực giáp biên của hai nước hiện khoảng 6.000 xe. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đang rất chú ý đến việc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, yêu cầu các cơ quan có liên quan, các địa phương có cửa khẩu thông thương với Việt Nam khẩn trương tìm giải pháp tháo gỡ.
"Tôi đánh giá chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã làm tốt trong việc cập nhật tình hình tới doanh nghiệp và các địa phương khác. Tuy nhiên, nhiều nông sản Việt Nam đang vào vụ thu hoạch nên cũng khó giải quyết triệt để. Có một thông tin tôi muốn lưu ý rằng, sứ quán chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc các cảng biển miền Nam của Trung Quốc sẽ nghỉ 14 ngày hay 60 ngày", ông Cầm cho hay.
Cũng theo ông Cầm, phòng chống dịch hiện nay ở Trung Quốc là ưu tiên số một, việc ùn ứ tại cửa khẩu đã gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản.
"Việt Nam hiện có 9 loại mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nhưng tình hình dịch bệnh khiến cho tiến trình đàm phán các mặt hàng khác bị đình trệ. Một số mặt hàng như ớt, khoai lang, sầu riêng, tôi đề nghị Bộ NN-PTNT Việt Nam nghiên cứu làm việc trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tìm ra giải pháp thích ứng”.
Thông tin từ Sở Công thương Lạng Sơn, cập nhật đến ngày 18/12, tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, hiện tồn khoảng 2.842 xe. Chủ yếu là container chở các mặt hàng như dưa hấu, thanh long, chuối xanh, mít và xoài.
Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, 1.196 xe ùn ứ, với mặt hàng chủ yếu là nông sản, ván bóc, linh kiện điện tử. Còn cửa khẩu Chi Ma tồn 650 xe. Mặt hàng tồn chính là tinh bột sắn (chiếm đến 70%), chè khô, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo, sa nhân...
Lý do ùn tắc nông sản, theo Sở Công Thương Lạng Sơn, là do Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khiến thời gian thông quan tăng lên nhiều so với trước đây. Trong khi đó, nhiều cửa khẩu của tỉnh Lào Cai đang tạm đóng khiến hàng hoá đổ dồn về Lạng Sơn.