Ba thị trường mới của cá tra Việt Nam

Ba thị trường mới của cá tra Việt Nam

Lê Tuấn

Lê Tuấn

Thứ 2, 23/05/2022 16:13

4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu ngành hàng cá tra của Việt Nam sang Mexico, Thái Lan và Ai Cập đạt trên 92 triệu USD.

Kỳ vọng từ những thị trường mới

Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang thể hiện những dấu hiệu hồi phục thần kỳ.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá tra trong 4 tháng đầu năm 2022 của cả nước ước đạt trên 936 triệu USD, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nổi lên ba thị trường mới đáng chú ý là Mexico, Thái Lan và Ai Cập.

Tính riêng trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Mexico là thị trường dẫn đầu nhập khẩu cá tra của Việt Nam khi bốn tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường này ước đạt trên 40 triệu USD, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp theo là Thái Lan với con số xuất khẩu tăng trưởng 80%, đạt trên 38 triệu USD và cuối cùng là Ai Cập với 14 triệu USD, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2021.

Đánh giá về kết quả trên, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, ông Dương Nghĩa Quốc cho Người Đưa Tin biết, nhờ thị trường tiêu thụ tốt nên tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong 4 tháng đầu năm nay đã đạt được những thành tựu khả quan.

"Ngoài những nỗ lực của chính những doanh nghiệp, theo tôi, một phần nguyên nhân đến từ sự thành công của Triển lãm Thủy sản toàn cầu được tổ chức ở Tây Ban Nha vào cuối tháng 4 vừa qua. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng rất tốt thời cơ để quảng bá hình ảnh, tìm kiếm đối tác mới thông qua các hoạt động tại triển lãm”, ông Quốc nhìn nhận.

Kinh tế vĩ mô - Ba thị trường mới của cá tra Việt Nam

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam.

Đánh giá về thị trường Thái Lan, ông Quốc cho biết, đây là thị trường mới. Lợi thế lớn nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này chính là khoảng cách địa lý. Ngoài ra, nhu cầu cá tra của Thái Lan liên tục tăng trong những năm gần đây đã thu hút gần 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vào thị trường này.

“Bên cạnh Thái Lan, Malaysia cũng là một thị trường tiềm năng và trong thời gian tới, sau khi tìm hiểu kỹ càng, Hiệp hội sẽ thông tin tới các doanh nghiệp có nhu cầu về thị trường 33 triệu dân này. Với tình hình thị trường thế giới như hiện nay, xuất khẩu cá tra quý II/2022 sẽ tiếp tục đạt những mốc mới”, ông Quốc thông tin thêm.

Thị trường truyền thống vẫn duy trì tốt

Trung Quốc - Hồng  Kông, Mỹ và EU là thị trường truyền thống của cá tra Việt Nam trong gần một thập kỷ trở lại đây.

Bốn tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông vẫn dẫn đầu kim ngạch toàn ngành với con số ấn tượng, 300 triệu USD, tăng 156% so với cùng kỳ năm 20221.

Hoa Kỳ hiện đứng thứ hai khi kim ngạch nhập khẩu cá tra Việt Nam của nước này đạt 241 triệu USD, tăng 136%. Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn thứ ba, tuy tăng trưởng 84% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ đạt con số khiêm tốn, 65 triệu USD.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, giữa tháng 5 vừa qua, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Mỹ đã công nhận thêm sáu nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam được phép chế biến, xuất khẩu cá tra đông lạnh vào thị trường Mỹ.

Kinh tế vĩ mô - Ba thị trường mới của cá tra Việt Nam (Hình 2).

Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT)

Các doanh nghiệp được cấp phép đợt này là Công ty Cổ phần tập đoàn thủy sản Hợp Nhất, Nhà máy đông lạnh hải sản Atlantic (Atlantic Seafood), Nhà máy Basa Mekong (Basa Mekong), Nhà máy chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra cao cấp, Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Cỏ May 2 (Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Cỏ May) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn CK Frozen Food Việt Nam.

“Việc thêm 6 nhà máy được vào danh sách chế biến, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ sẽ giúp tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng trong thời gian tới”.

Cục trưởng cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng lưu ý các nhà máy tuân thủ quy định tại Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang Mỹ ban hành tại Quyết định số 1802/QĐ-BNN-QLCL ngày 22/5/2020 và hướng dẫn tại Công văn số 803/QLCL-CL1 ngày 18/6/2020 bảo đảm toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra đáp ứng đầy đủ các quy định của cả Việt Nam và Mỹ.

Kinh tế vĩ mô - Ba thị trường mới của cá tra Việt Nam (Hình 3).

Ông Tiệp cho biết thêm, tình hình chiến sự tại Ukaraine chưa có dấu hiệu đi tới hồi kết nhưng Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga mới đây đã bổ sung thêm hai doanh nghiệp vào danh sách được phép xuất khẩu vào Liên minh kinh tế Á – Âu. Việc này sẽ khôi phục lại các hoạt động xuất khẩu cá tra sang Nga sau một thời gian chịu gián đoạn, thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng này tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, bà Tạ Vân Hà, chuyên gia thị trường cá tra Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) bày tỏ sự lo ngại với Người Đưa Tin khi cho biết, do tình trạng thiếu hụt, giá cá tra nguyên liệu trong nước liên tục tăng trong thời gian gần đây, dao động từ 31.000 - 32.500 đồng/kg. Cùng với đó là giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng từ 10-20% so với trước sẽ dẫn đến sự mất cân đối cung- cầu, đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng thừa đơn hàng nhưng thiếu nguyên liệu.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.