Làm việc thiện giúp đời
Trải qua tuổi thơ nghèo khó và cơ cực, bà Lê Thị Thu Trang (sinh năm 1973, ngụ phường 8, Tp.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) phải bỏ học giữa chừng nên đành khép lại ước mơ trở thành cô giáo và nuôi ý định được làm việc thiện giúp đời. Trong căn nhà cấp 4 chật hẹp nằm sâu trong con hẻm nhỏ, bà Trang kể, bà sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh chị em, mẹ là cô giáo, còn cha làm thuê đủ mọi nghề mưu sinh nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Thấu hiểu cảnh cơ cực của mẹ cha, thế là bà quyết định dừng lại việc học từ cuối năm lớp 9. Để kiếm tiền phụ giúp gia đình, ngay sau khi rời ghế nhà trường, bà Trang phải đi bán hàng rong và bán vé số dạo khắp nơi.
Năm tháng đầy nhọc nhằn như đã rèn cho bà thêm nghị lực sống mãnh liệt với quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Do từng nghèo khó, từng không đủ điều kiện đến trường nên từ đó bà nung nấu ý định chung tay vì cộng đồng, san sẻ với những cảnh đời không may, đặc biệt là các trò nghèo hiếu học khi có điều kiện. Dù vậy, mãi đến năm 2017, khi con trai duy nhất của bà khôn lớn, các anh anh chị em trong gia đình cũng đều ổn định thì bà mới dành thời gian làm công tác xã hội.
Công việc thiện giúp người ban đầu của bà Trang đã vấp phải sự căn ngăn từ phía gia đình, bởi mọi người lo lắng một mình bà sẽ không đủ sức đảm trách. Tuy nhiên, xuất phát từ tâm, bà Trang đã làm được “sứ mệnh” với những việc làm từ thiện thiết thực. Nhiều hoàn cảnh gia đình hoạn nạn được bà giúp đỡ, nay đã vượt qua khó khăn. Thấy được việc làm tốt, ý nghĩa của con gái nên cha mẹ và mọi người trong gia đình của bà dần đã ủng hộ.
Sau công việc kinh doanh tự do thường ngày, hễ nhận được thông tin ở đâu có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ là bà Trang đều đến tận nơi xác minh cụ thể rồi mới lên kế hoạch và kêu gọi ủng hộ từ bạn bè, các nhà hảo tâm. Khi trao tiền, quà hỗ trợ đến từng hoàn cảnh, bà luôn phối hợp cùng chính quyền địa phương. Ngoài vận động các mạnh thường quân, bà Trang không ngần ngại trích một phần tiền lợi nhuận từ việc kinh doanh của mình để chăm lo, tiếp sức cho các trò nghèo hiếu học đến trường xây ước mơ.
Giúp người là niềm vui
Với bà, mỗi ngày trôi qua được san sẻ, giúp đỡ những cảnh đời khó khăn thì đó chính là niềm vui và hạnh phúc bất tận. Tuy nhiên, để có được niềm vui và hạnh phúc này, bà Trang phải đánh đổi nhiều thứ và có khi bằng cả những giọt mồ hôi và nước mắt. Việc các nhà hảo tâm ủng hộ đưa thừa tiền để “thử” lòng và được bà Trang trao trả lại là vấn đề không mới nhưng cũng thường xuyên xảy ra, đó chỉ là số nhỏ trong hàng nghìn trường hợp của câu chuyện làm từ thiện mà bà từng gặp phải.
“Điều khiến tôi tổn thương nhất cho đến tận bây giờ mà tôi không thể nào quên được mà chẳng dám tâm sự với người thân trong gia đình. Lần đó, theo cuộc hẹn, tôi vội vàng tìm đến tận nơi làm việc của một chủ doanh nghiệp để nhận 2 triệu đồng giúp đỡ bệnh nhân mắc hiểm nghèo. Tuy nhiên, khi đến nơi thì cửa phòng làm việc khóa kín nên tôi gõ cửa nhưng không có tín hiệu trả lời. Sau nhiều phút đứng bên ngoài chờ đợi, tôi quyết định bấm điện thoại gọi cho chủ doanh nghiệp đó để thông báo thì tôi bị người này quát mắng một cách không thương tiếc theo kiểu xem thường. Khi đó, tôi chỉ biết câm nín và lặng lẽ rời đi tìm quán cà phê rồi ngồi khóc một mình”, bà Trang ầng ậng nước mắt nhớ lại.
Tính đến thời điểm hiện tại, bà Trang đã giúp đỡ, san sẻ hàng nghìn cảnh đời bất hạnh, tiếp sức vô số trường hợp học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học trở lại trường mà bà không thể nhớ hết với số tiền hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, bà Trang đã đứng ra kêu gọi, vận động các mạnh thường quân giúp đỡ nhiều gia đình nghèo khó trong các khu phong tỏa.
Với những việc làm đầy ý nghĩa lan tỏa giữa đời thường, trong suốt 5 năm liền, bà Trang vinh dự nhận được nhiều Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về thành tích trong công tác an sinh xã hội cùng nhiều giấy khen các cấp.
Thanh Lâm