Băn khoăn việc thu hẹp phạm vi xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Băn khoăn việc thu hẹp phạm vi xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 3, 26/10/2021 18:38

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH đồng tình với việc giữ nguyên việc xử phạt hành chính với tất cả các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tiền đề cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự

Chiều 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).

Góp ý về dự án Luật, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, sửa đổi nhằm đảm bảo hành lang pháp lý, sở hữu tài sản trí tuệ, kiến tạo thúc đẩy thương mại hoá tài sản trí tuệ, góp phần quan trọng trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay.

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, việc quy định không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT với sáng chế sở hữu công nghiệp, thiết kế, bố trí tên thương mại với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là không phù hợp.

“Bởi việc này sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Điều này, nên giữ theo luật hiện hành vì nếu sửa theo phương án 1 thì tôi băn khoăn sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta. Điều này, cũng làm tăng thêm gánh nặng trong hệ thống tòa án hiện nay đang quá tải cũng như tạo thêm thách thức cho đương sự khi sử dụng các biện pháp tố tụng dân sự”, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết.

Tiêu điểm - Băn khoăn việc thu hẹp phạm vi xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Đại biểu Nguyễn Văn Huy thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Thái Bình.

Trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, theo đại biểu Huy cần quy định để bảo đảm kịp thời và tăng tính răn đe, cùng kết hợp các biện pháp xử lý khác.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên) nhấn mạnh, dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ lần này tương đối cụ thể và rất quan trọng, tạo cơ hội cho Việt Nam khi gia nhập Hiệp định Thương mại tự do CPTPP và EVFTA. Bên cạnh đó, tạo nền tảng cơ sở vững chắc để Việt Nam không bị lúng túng dẫn đến thua thiệt khi bước vào sân chơi quốc tế.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Công Hoàng còn băn khoăn với vấn đề thu hẹp hay không việc chế tài xử lý hành chính với những vi phạm về sở hữu trí tuệ. Đại biểu Hoàng cũng đồng ý lựa chọn phương án giữ nguyên quy định hiện hành. Quy định xử phạt hành chính với hành vi phạm vừa giúp giải quyết được ngay các hành vi vi phạm cơ sở đó cũng là tiền đề cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dễ dẫn đến nguy cơ gia tăng hành vi vi phạm

Cùng cho ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) cho rằng, Luật SHTT sửa đổi lần này đã thể chế hóa nghị quyết của Đảng khắc phục được tồn tại bất cập để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chủ động tích cực ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc tăng cường khai thác và thực hiện quyền sở hữu trí tuệ. Luật hóa cam kết liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về xử lý hành chính khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cũng cho rằng, nếu không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chỉ áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý giống cây trồng... như vậy là thu hẹp phạm vi xử lý hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, sẽ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, giảm vai trò chủ động của cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Đồng thời, có nguy cơ dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Tiêu điểm - Băn khoăn việc thu hẹp phạm vi xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Hình 2).

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Lào Cai.

Hơn nữa Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA cũng yêu cầu hạn chế việc sử dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong Luật quốc gia, thậm chí còn tăng cường các biện pháp xử lý bằng chế tài hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Như vậy, việc loại trừ biện pháp hành chính để xử lý vi phạm trong lĩnh vực này không đảm bảo tính chất nhất quán, đồng bộ về chính sách pháp luật. 

Cũng cho ý kiến về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ĐBQH Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) đề nghị áp dụng xử phạt hành chính với tất cả các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với các lý do: 

Thứ nhất, phương án 1, chưa bảo đảm tính thống nhất trong xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, có ý kiến cho rằng, hành vi xâm phạm quyền dân sự, cần được xử lý bằng biện pháp dân sự, theo đại biểu hành vi xâm phạm đối với quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh không chỉ xâm phạm quyền dân sự mà còn xâm phạm trật tự quản lý kinh tế xã hội. Bên cạnh biện pháp dân sự, xử lý yêu cầu bồi thường thiệt hại, hành vi xâm phạm này có thể xử lý bằng biện pháp hành chính, cao hơn có thể bị xử lý bằng biện pháp hình sự như Điều 226 BLHS quy định tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Thứ ba, nếu loại trừ biện pháp xử lý hành chính, đối với hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ làm ảnh hưởng đến quyền chủ động, kịp thời, nhanh chóng của cơ quan Nhà nước trong xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm trong các trường hợp nêu trên…

Giải trình, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH tại phiên thảo luận trực tuyến về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: “Tiếp thu ý kiến của UBTVQH cũng như ý kiến từ UB Pháp luật và các cơ quan liên quan, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá rà soát lại sự phù hợp của phương án 1 đối với điều kiện của Việt Nam hiện nay. Khi thảo luận tại tổ các ĐBQH có ý kiến khác nhau, đa số tán thành phương án 2 giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành đó là áp dụng xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến nêu trên và ý kiến của các ĐBQH thảo luận trực tuyến, cơ quan soạn thảo báo cáo, đề xuất Chính phủ tiếp thu ý kiến về việc không thu hẹp phạm vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.