Bán nhà đất có cần người trong hộ khẩu ký tên không?

Bán nhà đất có cần người trong hộ khẩu ký tên không?

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 6, 22/05/2020 16:00

Một trong những băn khoăn thường gặp của nhiều người khi bán nhà đất là có cần hỏi ý kiến của người cùng hộ khẩu? Theo quy định hiện nay, việc hỏi ý kiến của các thành viên trong hộ gia đình phụ thuộc vào việc Sổ đỏ của mảnh đất đó được cấp cho cá nhân hay hộ gia đình.

Trong thực tiễn có nhiều trường hợp muốn chuyển nhượng đất đai cần có sự đồng ý của người cùng hộ khẩu thì giao dịch mua bán mới được coi là hợp pháp hay hợp đồng chuyển nhượng phải có cả chữ ký của người cùng hộ khẩu mới có hiệu lực.

Vậy, hiện nay pháp luật quy định những trường hợp nào chuyển nhượng đất cần có sự đồng thuận của người cùng hộ khẩu?

Bất động sản - Bán nhà đất có cần người trong hộ khẩu ký tên không?

Bán nhà đất có cần người trong hộ khẩu ký tên không? (Ảnh minh họa)

Căn cứ Khoản 1 Điều 25 Luật cư trú 2006 sửa đổi năm 2013 hợp nhất Luật cư trú có quy định, sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú.

Trường hợp không có người từ đủ mười tám tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được cử một người trong hộ làm chủ hộ.

Như vậy, pháp luật chỉ quy định việc mỗi hộ gia đình thoả thuận và cử ra một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định nêu trên để làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú, điều này cũng đồng nghĩa với việc không làm phát sinh bất cứ quyền tài sản nào của người đó đối với các tài sản khác của hộ gia đình. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cũng không quy định bắt buộc chủ hộ phải là cha mẹ, hay người lớn tuổi trong gia đình.

Những người không có quan hệ là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột, nếu đủ điều kiện, thì vẫn được nhập vào hộ khẩu của hộ gia đình. Tuy nhiên, phải có sự đồng ý của chủ hộ khẩu.

Tương tự, một thành viên đã được nhập hộ khẩu nhưng có nhu cầu muốn tách Sổ hộ khẩu thì cũng phải được sự đồng ý của chủ hộ khẩu (Điều 27).

Trong cả hai trường hợp nêu trên, sự đồng ý của chủ hộ khẩu phải được thể hiện bằng văn bản và đây được coi là một loại giấy tờ bắt buộc phải xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền khi làm thủ tục nhập/tách hộ khẩu.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 29 của Luật Cư trú, nếu có thay đổi về họ tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh hoặc các thay đổi khác về hộ tịch của người có tên trong Sổ hộ khẩu thì chủ hộ cũng là một trong những người có quyền làm thủ tục điều chỉnh.

Sổ đỏ cấp cho cá nhân và Sổ đỏ cấp cho hộ gia đình

Luật Đất đai 2013 quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ đỏ) có thể được cấp cho hộ gia đình hoặc cấp cho cá nhân.

Sổ đỏ cấp cho cá nhân thì trên Sổ chỉ ghi tên của cá nhân đó và chỉ cá nhân mới là chủ sở hữu, chủ sử dụng tài sản. Trên thực tế, Sổ đỏ ghi tên cá nhân thường được cấp ở khu vực đô thị.

Sổ đỏ cấp cho hộ gia đình thì người đứng tên trên Sổ là người đại diện của hộ gia đình, thường là chủ hộ. Tuy nhiên, quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thuộc về tất cả thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất.

Khoản 29 Điều 3 của Luật Đất đai giải thích thành viên của hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Khi nào bán nhà đất phải hỏi ý kiến người cùng hộ khẩu?

Nhiều người lầm tưởng rằng, người đứng tên trong Sổ hộ khẩu cũng đồng thời là người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và các tài sản gắn liền với đất và có quyền tự định đoạt việc bán nhà hay chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Trên thực tế, nhà đất được điều chỉnh bởi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, còn vai trò của người cùng hộ khẩu chỉ được thể hiện theo Luật Cư trú.

Khoản 5 Điều 14 của Thông tư 02/2015/TT-BTNMT quy định, người có tên trên Sổ đỏ khi thực hiện ký các hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà của hộ gia đình phải được các thành viên trong hộ gia đình đồng ý bằng văn bản và văn bản đó phải được công chứng, chứng thực theo quy định.

Theo đó, trong trường hợp Sổ đỏ cấp cho cá nhân thì khi bán nhà, đất, người đứng tên trên Sổ không cần hỏi ý kiến của bất cứ ai; trường hợp Sổ đỏ cấp cho hộ gia đình thì phải hỏi ý kiến của các thành viên trong hộ gia đình.

Điều đáng nói, thành viên của hộ gia đình sử dụng đất và thành viên trong Sổ hộ khẩu không phải lúc nào cũng giống nhau. Có những người có tên trong Sổ hộ khẩu nhưng không phải thành viên của hộ gia đình sử dụng đất như họ hàng, người quen nhập nhờ hộ khẩu… Với những người này thì không cần lấy ý kiến của họ khi bán nhà, đất.

Yêu cầu hỏi ý kiến những người có cùng hộ khẩu chỉ đặt ra nếu họ có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Hoàng Mai

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.