Gỡ khó cho giáo viên về việc dạy học môn tích hợp
Theo báo Hà Nội Mới, ngày 10/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn cho giáo viên trên cả nước về việc dạy học các môn tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Buổi tập huấn được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của hàng chục nghìn giáo viên đang giảng dạy tại các trường trung học cơ sở trên cả nước.
Từ năm học 2021-2022, trong chương trình giáo dục của học sinh cấp trung học cơ sở trên cả nước có hai môn học tích hợp, gồm khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. Đây là lần đầu tiên trong chương trình có môn tích hợp, tuy nhiên, qua ba năm triển khai, đến nay việc tổ chức dạy học các môn này ở các nhà trường còn lúng túng.
Nguyên nhân là hầu hết giáo viên đều chỉ được đào tạo đơn môn, nay theo yêu cầu nhiệm vụ phải dạy môn tích hợp, trong đó môn tích hợp khoa học tự nhiên gồm 3 phân môn là hóa học, vật lý và sinh học; môn tích hợp lịch sử và địa lý gồm 2 phân môn lịch sử và địa lý. Các giáo viên cũng đã được tham gia tập huấn, bồi dưỡng để giảng dạy các môn tích hợp. Tuy nhiên, theo phản hồi của hầu hết giáo viên, khóa bồi dưỡng ngắn hạn này chưa thực sự giúp giáo viên tự tin đảm nhận môn học.
Đặc biệt trong ba năm qua, nhiều trường học trên cả nước, trong đó có một số trường học thuộc thành phố Hà Nội vẫn bố trí giáo viên dạy theo từng phân môn riêng lẻ. Số giáo viên có thể đảm đương dạy trọn vẹn môn tích hợp không nhiều khiến phụ huynh học sinh băn khoăn, lo lắng.
Tại buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn với giáo viên cả nước theo hình thức trực tuyến trước thềm năm học 2023-2024, nhiều giáo viên đã chia sẻ về những khó khăn trong việc dạy các môn học mới. Các giáo viên đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp hỗ trợ giáo viên và các nhà trường về vấn đề này.
Chia sẻ với những khó khăn của các giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thông tin, Bộ sẽ tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên, đồng thời nghiên cứu và có thể sẽ điều chỉnh về việc triển khai các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở.
Cảm giác như bị đánh, sụt gần 13kg sau khi bị muỗi đốt
Theo Vietnamnet, anh Thắng bị sốt xuất huyết nhưng nhầm với sốt virus nên chủ quan. Người đàn ông to khỏe trải qua 10 ngày đáng sợ, sụt 13 kg.
Cảm giác như bị đánh nhừ tử
Hiện dù đã khỏi bệnh, anh Nguyễn Đức Thắng, 31 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội vẫn ám ảnh về 10 ngày điều trị sốt xuất huyết.
Cụ thể vaod cuối tháng 11 vừa qua, vợ và con trai của anh bị sốt và làm xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán sốt virus thông thường.
Sau đó, anh Thắng có biểu hiện sốt rét, đắp hai chăn bông người vẫn lạnh. Hôm sau, anh chuyển sang sốt nóng, nhiệt độ cao hơn 39 độ C. Người ê ẩm toàn thân, hai mắt đau nhức như có ai đánh, anh không thể ngủ. Anh uống thuốc hạ sốt người mát dần nhưng 2-3 tiếng sau cơn sốt quay trở lại.
Miệng đắng ngắt, không nuốt nổi thứ gì, người mệt lả nhưng anh Thắng vẫn cho rằng mình bị sốt thông thường vì nhà sạch sẽ, không có nước tù đọng, không có muỗi.
Bốn ngày sau, anh Thắng cắt sốt nhưng người mệt, chán ăn, cảm giác bủn rủn, đi lại khó nhọc, chân tay khô ráp. Anh lướt mạng thấy một người bạn chia sẻ về bệnh sốt xuất huyết, thấy mình có các triệu chứng tương tự. Anh gọi dịch vụ xét nghiệm tại nhà, chỉ hai tiếng sau, bác sĩ gọi điện cho anh yêu cầu nhập viện ngay. Theo đó, anh Thắng bị sốt xuất huyết, tiểu cầu đã giảm chỉ còn dưới 30.000/micro/lít máu. Số lượng tiểu cầu trung bình trong máu ở khoảng 150.000 - 450.000/micro/lít máu.
Khi vào bệnh viện, anh Thắng gặp nhiều bệnh nhân trẻ sốt xuất huyết. Có gia đình hai vợ chồng cùng điều trị, đều giảm tiểu cầu, cô đặc máu.
Anh Thắng được bác sĩ truyền dịch nhưng người vẫn mệt mỏi, miệng khô đắng kèm theo nôn, xuất huyết dưới da gây ngứa. Cả đêm anh không ngủ được, thoa kem dưỡng ẩm vẫn không giảm được cơn ngứa gãi rách da, rách thịt. Bác sĩ nói rằng đây là giai đoạn phục hồi nhưng cảm giác kinh khủng chẳng kém lúc sốt cao.
10 ngày điều trị sốt xuất huyết, người đàn ông nặng 91 kg đã sụt gần 13 kg. Anh Thắng cho biết “hai năm nay tôi đi bộ, chạy và thi thoảng bơi không giảm cân nhưng một con muỗi đốt, tôi sụt cân nhanh chóng”. Trước đây, anh Thắng luôn nghĩ rằng "sốt nào cũng là sốt" nhưng thời điểm hiện tại anh nhắn nhủ cộng đồng không nên chủ quan với bệnh này.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, năm nay số lượng bệnh nhân nặng nhập viện tăng lên, rất đa dạng biến chứng. Nhiều người vào viện trong tình trạng chảy máu, suy gan, suy thận, viêm cơ tim, viêm phổi, viêm não, có nhiều bệnh nhân trẻ.
Theo bác sĩ Phúc, người trẻ thường có tâm lý chủ quan. Những ngày đầu tiên, người bệnh sốt rất cao, mệt mỏi rồi sang giai đoạn hết sốt. Tuy nhiên, đây mới là thời điểm xuất hiện biến chứng và chủ quan có thể dẫn tới hậu quả nặng nề, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Sốt xuất huyết là dịch bệnh theo mùa, Hà Nội đều ghi nhận có dịch hằng năm. Bệnh có triệu chứng ban đầu giống như mắc các virus khác nhưng có biến chứng xuất huyết, giảm tiểu cầu, cô đặc máu.
Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, dịch sốt xuất huyết năm 2023 bắt đầu gia tăng từ tháng 6-7 và đạt đỉnh vào tháng 10-11. Hà Nội đã qua đỉnh dịch nhưng vẫn ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc/tuần. Từ đầu mùa dịch tới nay, Hà Nội ghi nhận hơn 37.000 ca mắc và 4 ca tử vong. Hiện còn 88 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã.
CDC đánh giá số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm trong 4 tuần gần đây, vì thời tiết lạnh hơn không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Dù vậy, người dân vẫn không được chủ quan. Nếu có dấu hiệu sốt cao phải đến bệnh viện sớm để theo dõi và điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.
Ô tô húc văng 2 xe máy, 5 người bị thương
Theo VTC News, chiều 10/12, Công an thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương tiếp tục điều tra vụ xe ô tô húc 2 xe máy làm 5 người nằm la liệt tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 4.
Thông tin ban đầu, vào 11h cùng ngày, ô tô mang BKS 61K - 218.67 lưu thông trong Khu công nghiệp Mỹ Phước 4, đến tại ngã tư giao nhau giữa đường D6 và đường N13, thuộc phường Thới Hòa thì va chạm với 2 xe máy.
Cú tông mạnh khiến 5 người nằm la liệt. Các nạn nhân sau đó được xe cứu thương tới đưa vào bệnh viện. Theo đó, có 4 người bị thương gồm 2 phụ nữ, 1 người đàn ông và 1 bé gái khoảng 3 tuổi.
Nhận tin báo, công an địa phương có mặt bảo vệ hiện trường, điều tra nguyên nhân.
Trước đó, ngày 29/7, một vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa xe tải và xe máy đoạn qua phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát (Bình Dương) cũng khiến 2 công nhân tử vong tại chỗ. Cụ thể, vào khoảng 18h, xe tải 18C-141.56 đi trên đường NE8 hướng từ KCN Mỹ Phước 3 ra quốc lộ 13. Khi đến gần ngã tư giao nhau giữa đường NE8 và đường quốc lộ 13 thì bất ngờ xảy ra va chạm với xe máy 68B1-491.10 do đôi nam, nữ khoảng 40 tuổi chở nhau, đi cùng chiều.
Vụ tai nạn khiến 2 người đi xe máy nằm bất động dưới đường. Lúc này, người dân đến kiểm tra thì phát hiện cả 2 người đã tử vong.
Theo người dân, 2 nạn nhân này làm công nhân, vừa mới tan ca và ra chợ mua đồ ăn tối, trên đường về nhà thì xảy ra tai nạn.
Trúc Chi (t/h)