Chắc suất vào đại học bằng xét tuyển sớm
Theo Đại Đoàn Kết chỉ còn khoảng hơn 10 ngày nữa, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra. Tuy nhiên tới thời điểm này, nhiều sĩ tử đã chắc suất vào đại học bằng phương thức xét tuyển sớm.
Trong đó, nhiều em đã có kết quả thi đánh giá năng lực của hai Đại học quốc gia Hà Nội và Tp.HCM; kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Kết quả của các kỳ thi này được nhiều trường đại học trên cả nước sử dụng để xét tuyển trong năm 2024.
Với phương thức xét tuyển học bạ, ghi nhận cho thấy, năm nay, hàng trăm trường thông báo sử dụng phương thức xét tuyển học bạ. Trong đó, có không ít trường có điểm chuẩn học bạ chỉ từ 6 điểm/môn.
Đáng chú ý, năm 2024 là năm đầu tiên khối ngành trường quân đội tuyển sinh bằng học bạ (trừ Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Quân Y). Nhiều trường quân đội sẽ dành khoảng 10% chỉ tiêu để xét tuyển bằng học bạ, 20% từ điểm thi đánh giá năng lực của hai Đại học quốc gia.
Điều kiện cần là thí sinh có điểm tổng kết mỗi năm THPT từ 7 trở lên, riêng các môn trong tổ hợp xét tuyển tối thiểu đạt 7,5.
Thay vì lệ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển sớm để giảm áp lực thi cử.
Em Nguyễn Phương Nhi, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho hay, em đã có một suất vào đại học mong muốn nhờ phương thức xét học bạ. Thế nên, em có tâm lý thoải mái hơn so với những thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Tương tự như Nhi, nhiều thí sinh tới thời điểm này đã nộp hồ sơ xét tuyển sớm. Không riêng năm 2024, mà phương thức này được thí sinh ưa chuộng từ một vài mùa tuyển sinh trở lại đây.
Theo thống kê các năm của Bộ GDĐT, tỉ lệ thí sinh nhập học bằng phương thức này chỉ sau xét điểm thi tốt nghiệp. Năm 2022, tỉ lệ này là gần 40%, năm 2023 là 30,24%, chưa tính các phương thức kết hợp điểm học bạ và tiêu chí khác.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) lưu ý, khi thí sinh nhận được thông báo đã trúng tuyển xét tuyển sớm thì vẫn chưa phải là trúng tuyển đại học. Bởi các em chưa dự thi tốt nghiệp THPT, chưa tốt nghiệp THPT, do đó chưa trúng tuyển chính thức.
Như vậy, điều kiện tiên quyết để được xét tuyển học sớm là thí sinh phải tốt nghiệp THPT.
Theo quy chế tuyển sinh đại học, thí sinh trúng tuyển sớm ở các trường vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GDĐT. Hệ thống sẽ chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất. Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp. Vì vậy, thí sinh cần sắp xếp thứ tự đặt nguyện vọng mình yêu thích lên trên.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra vào ngày 26, 27, 28, 29/6.
Theo quy định, từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.
Bé trai 12 tuổi va chạm với xe ba gác được cứu sống ngoạn mục
Thông tin ban đầu trên Giao Thông ngày 11/6, Ths. BS Đỗ Quốc Phong, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực nội khoa và chống độc, Bệnh viện E cho biết: Các bác sĩ vừa cứu sống 1 bé trai 12 tuổi bị chấn thương nặng sau va chạm với xe ba gác. Bệnh nhi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, sốc đa chấn thương, sốc mất máu nặng, cơ thể nhiều vùng sưng nề, đụng dập…
Nhận định đây là một ca đa chấn thương do tai nạn nghiêm trọng, một ê-kíp cấp cứu được "báo động đỏ" khẩn cấp cứu chữa cho bệnh nhi.
Kết quả tầm soát tổn thương cho thấy, bé trai bị sốc đa chấn thương nghiêm trọng với đụng dập thành bụng, chảy máu trong ổ bụng, tụ máu sau phúc mạc, vỡ bàng quang độ II; vỡ xương chậu trái, nhiều ổ chảy máu, bị thương ở vị trí hậu môn, đụng dập tổn thương cơ vùng đùi 2 bên, chân, phù nề tầng sinh môn…
Theo gia đình, vụ tai nạn xảy ra khi trẻ trên đường đi học thêm trở về nhà. Xe ba gác chở xi măng đi cùng chiều đã va chạm và bánh xe chèn qua người trẻ. May mắn, trẻ nhanh chóng người dân đưa đi cấp cứu tới Bệnh viện E Hà Nội.
Trong 24 giờ đầu sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã truyền gần 4 lít máu để duy trì sự sống cho người bệnh; đồng thời nhanh chóng thực hiện các ca phẫu thuật để xử trí các tổn thương ở phổi, bàng quang, ổ bụng…
Sau 4 ngày điều trị, hiện sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, tiếp tục theo dõi điều trị các thương tổn và tập phục hồi chức năng tại giường bệnh.
Theo BS Phong, với trường hợp bệnh nhi bị sốc đa chấn thương phức tạp thì việc xử trí nhanh chóng, chính xác, kịp thời ban đầu rất quan trọng. Do người bệnh bị chấn thương khung chậu, đụng dập cơ vùng đùi, chấn thương bụng kín… vốn là những chấn thương rất phức tạp nên khi vận chuyển cấp cứu nếu không cố định người bệnh tốt có thể làm trầm trọng hơn các thương tổn. Rất may, bé trai được đưa đến cấp cứu nhanh chóng, tránh làm cho tổn thương nặng thêm gây nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân được cứu chữa kịp thời trong thời gian ngắn nhất sau "báo động đỏ" tại bệnh viện.
BS Phong lên tiếng cảnh báo, "các cơ quan chức năng cần quản lý và xử lý mạnh những trường hợp xe ba gác không đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường gây nguy hiểm cho người đi đường. Bởi đây không phải trường hợp đầu tiên TNGT thương tâm từ xe ba gác chở hàng cồng kềnh hoặc vượt quá trọng tải. Đặc biệt, thời gian này trẻ em bắt đầu kỳ nghỉ mùa hè, ẩn họa từ những chiếc xe ba gác vẫn luôn rình rập".
BS Phong cũng lưu ý, khi người dân gặp các trường hợp chấn thương thương tích hiện trường, nếu có kinh nghiệm xử lý thì nhanh chóng tiến hành sơ cứu xử trí cho người gặp nạn, đồng thời, cần liên hệ ngay với Trung tâm cấp cứu 115 hoặc số hotline của hệ thống Cấp cứu ngoại viện, Bệnh viện E để kịp thời đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất.
Ăn món nhiều người ưa thích tại đám cỗ, người đàn ông ở Hà Nội bất ngờ nhập viện
Theo Vietnamnet, bệnh nhân là người đàn ông lớn tuổi, địa chỉ ở quận Hà Đông, Hà Nội. Ông khởi phát bệnh ngày 20/5 với triệu chứng sốt cao, đau đầu. Một ngày sau, ông được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong tình trạng sốt cao, cứng gáy, rối loạn ý thức.
Tại viện, xét nghiệm cấy máu cho kết quả dương tính với liên cầu lợn (Streptococcus Suis). Người nhà cho biết cách 5 ngày trước vào viện, bệnh nhân có ăn tiết canh tại đám cỗ ở Nam Định.
Đây là một trong 2 trường hợp nhiễm liên cầu lợn tại Hà Nội được ghi nhận trong tuần qua, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ngày 10/6.
Trường hợp còn lại cũng là nam giới, 56 tuổi, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ông khởi phát bệnh ngày 30/5 với triệu chứng sốt cao kèm theo cơn rét run. Ngày 31/5, bệnh nhân đau đầu nhiều, buồn nôn, nôn khan, điếc đột ngột, nhập Bệnh viện Quân y 103. Bác sĩ xét nghiệm nuôi cấy dịch não tủy, kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn.
CDC Hà Nội cho biết gia đình nam bệnh nhân này không chăn nuôi lợn, trong vòng 2 tuần trước khởi phát triệu chứng, bệnh nhân không ăn tiết canh lợn, không tham gia giết mổ lợn.
Bộ Y tế cho biết liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Hầu hết ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh - món ăn nhiều người ưa thích, hoặc các món đồ chưa nấu chín như nem chạo, nem chua…
Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân là ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn tái sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm. Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ.
Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có thể gây tử vong nếu không có biện pháp phòng tránh và điều trị kịp thời.
Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, các bác sĩ khuyến cáo người dân:
- Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy phải có phương tiện bảo hộ.
- Không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch, dụng cụ sau khi chế biến thịt lợn sống.
- Khi sốt cao (40-41 độ C) sau khi tiếp xúc với lợn (nhất là lợn ốm hoặc chết), xuất hiện các bất thường ở da nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Trúc Chi (t/h)