Bộ GD&ĐT đề xuất, từ năm 2025 thi tốt nghiệp THPT theo "Lựa chọn 2 + 2"
Theo VOV, sáng 14/11, tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, Bộ GD&ĐT đã đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề xuất thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Phương án 1. Cụ thể, mỗi thí sinh thi 4 môn (Lựa chọn 2+2), gồm thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và được lựa chọn 2 môn học trong lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và phát luật, Tin học, Công nghệ).
Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Nêu lý do lựa chọn phương án thi này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, các thí sinh sẽ chỉ còn thi 4 môn (hiện nay thi 6 môn). Theo đó, đảm bảo những yêu cầu là giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội; số buổi thi giảm 1 buổi còn 3 buổi gọn nhẹ hơn, giảm áp lực và đỡ tốn kém cho xã hội.
“Phương án thi này không gây ra sự mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay. Tạo điều kiện giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình GDPT 2018”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.
Cũng theo ông Thưởng, việc lựa chọn 2 trong số 9 môn học để thi, sẽ có 36 cách thức lực chọn khác nhau, tạo điều kiện để thí sinh lự chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực, sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của thí sinh.
“Theo đó các em lựa chọn tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.
Theo Bộ GD&ĐT, mục đích tổ chức thi theo phương án này nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người chọ theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.
Nêu ý kiến tại hội nghị, các chuyên gia, các nhà giáo dục bên cạnh đồng tình với đề xuất của Bộ GD&ĐT, cũng cho rằng cần có ngân hàng đề lớn, đủ độ tin cậy; áp dụng công nghệ thông tin vào tổ chức thi...
Các chuyên gia cũng nhắc đến vấn đề học sinh có thể học chỉ tập trung vào các môn thi, do đó, để hạn chế tình trạng “học môn này bỏ môn kia”, cần tăng cường việc dạy học, giải quyết vấn đề từ các thầy cô, có sự cố gắng ủng hộ từ các thầy cô.
Theo các thành viên hội đồng, việc lựa chọn phương án thi nào cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tạo điều kiện để thí sinh có định hướng nghề nghiệp năng lực, sở thích và điều kiện, hoàn cảnh của thí sinh.
PGS.TS Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: “Làm thế nào để phương án thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT khả thi, chú trọng định hướng nghề nghiệp, cần đảm bảo tính ổn định của phương án. Theo đó, công việc chuẩn bị đòi hỏi công phu, bản lĩnh, kiên định để đảm bảo phương án lựa chọn có tầm nhìn. Cân nhắc yếu tố đầu ra, triển khai thực chất dạy - học, lựa chọn môn thi từ cấp THCS, xác định cho học sinh xu hướng”.
Tỉ lệ người Việt mắc bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh
Theo Pháp luật Việt Nam tại Việt Nam hiện nay, tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.
Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, do cơ thể không sản sinh được insulin hoặc không sử dụng được insulin để hấp thụ glucose máu dẫn đến đường trong máu cao hơn mức bình thường. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhược cơ quan.
Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều. Nếu bệnh đái tháo đường không được chữa trị, có thể gây ra nhiều biến chứng như: Hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc...
Đái tháo đường được nhiều người biết đến ở dạng đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ. Phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ sẽ có nguy cơ sinh con mắc bệnh hoặc các biến chứng khác của đái tháo đường. Cứ 7 đứa trẻ sinh ra thì có một trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường thai kỳ và có khoảng 542.000 đứa trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1.
Tính đến nay, 5 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có hai người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên, hơn 199 triệu phụ nữ sống với bệnh đái tháo đường và dự tính sẽ tăng lên 313 triệu người vào năm 2040.
Số liệu của Hiệp hội Phòng, chống đái tháo đường thế giới cho thấy, tại Việt Nam hiện nay tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng chú ý, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.
Trên thế giới, cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường. Trong đó, hơn 90% mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Gần một nửa vẫn chưa được chẩn đoán. Trong nhiều trường hợp, bệnh đái tháo đường tuýp 2 và các biến chứng có thể được ngăn ngừa bằng cách áp dụng và duy trì những thói quen sống lành mạnh. Biết được nguy cơ của mình và những việc cần làm là điều quan trọng để hỗ trợ phòng ngừa, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2 gồm: Tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường; Thừa cân; Chế độ ăn uống không lành mạnh; Không hoạt động thể chất; Tuổi cao; Huyết áp cao; Dân tộc; Giảm dung nạp glucose (tình trạng đường huyết cao hơn bình thường nhưng dưới ngưỡng chẩn đoán bệnh); Tiền sử bệnh đái tháo đường thai kỳ; Dinh dưỡng kém khi mang thai...
Do đó, để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, cần có chế độ ăn uống cân bằng và hoạt động thể chất thường xuyên. Trong đó, duy trì cân nặng ở mức bình thường là rất quan trọng vì thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, cần thực hiện kiểm tra định kỳ và sàng lọc, đặc biệt là đối với những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ, giúp phát hiện các dấu hiệu sớm nhằm khuyến khích mọi người thực hiện những thay đổi cần thiết để trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh.
Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn, giao thông ùn tắc kéo dài ở Hòa Bình
Thông tin trên báo Tiền Phong, sáng 14/11, tại khu vực dốc Cun thuộc Quốc lộ 6 đoạn qua phường Thái Bình, Tp.Hòa Bình, một vụ tai nạn giao thông liên hoàn xảy ra khiến nhiều phương tiện bị hư hỏng.
Tại hiện trường, có ít nhất 4 phương tiện bị hư hỏng do vụ va chạm gồm xe đầu kéo và rơ moóc cùng 2 xe con.
Theo anh B.T.A (nhân chứng vụ tai nạn là công nhân thi công đường gần đó): “Vào khoảng 10h sáng, khi đang di chuyển trên đường một xe đầu kéo bị mất phanh, đâm vào 2 xe con, tiếp đó 1 xe máy bị cuốn xuống gầm. Sau khi đánh lái xe đầu kéo dừng lại và vắt ngang đường”.
Vụ tai nạn đã ảnh hưởng lớn đến việc di chuyển của các phương tiện trên Quốc lộ 6. Đây là tuyến đường nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc, vì thế số lượng xe lưu thông qua đây rất lớn.
Tại nơi xảy ra tai nạn, giao thông bị ùn tắc cục bộ. Các phương tiện chỉ có thể di chuyển từng chút một.
Có hàng trăm phương tiện chờ di chuyển qua đoạn đường này, nối nhau kéo dài đến hơn 4 km.
Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để điều tiết giao thông, xác minh thương vong, thiệt hại và làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Trúc Chi (t/h)