Nhiều trường đại học phía Nam mở thêm ngành mới năm 2024
Nhiều trường đại học phía Nam đã bắt đầu công bố phương án tuyển sinh năm 2024. Theo đó, có nhiều ngành mới được các trường mở thêm, nhằm thu hút thí sinh và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho thị trường trong giai đoạn tới.
Theo thông tin của Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Công nghiệp Tp.HCM, năm 2024, trường áp dụng 4 phương thức xét tuyển, gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập THPT, ưu tiên xét tuyển thẳng theo đề án của trường và sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐHQG Tp.HCM.
Trường ĐH Ngân hàng Tp.HCM cũng dự kiến tuyển sinh nhiều ngành đào tạo mới như: Khoa học dữ liệu, Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ Tài chính.
Trường ĐH Công nghệ Tp.HCM, năm 2024 cũng tuyển mới 7 ngành, gồm: Kinh tế số, Khoa học Máy tính, Kỹ thuật Máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ Thẩm mỹ, Công nghệ Tài chính. Đây đều là những ngành có nhu cầu nhân lực cao và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu hướng phát triển mạnh của khoa học - công nghệ, trí tuệ nhân tạo và kinh tế số.
Trường ĐH Công nghệ Tp.HCM dự kiến tuyển sinh theo 4 phương thức xét tuyển độc lập: Xét tuyển kết quả Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2024; xét tuyển kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP. HCM; xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12; xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).
Trường ĐH KHTN (ĐHQG Tp.HCM) cũng cho biết đang xây dựng đề án mở ngành đào tạo về Thiết kế vi mạch và Công nghệ bán dẫn, dự kiến tuyển sinh trong năm 2024. Hai ngành này có thời gian đào tạo 4 năm với tổng số 135 - 140 tín chỉ, sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận được bằng cử nhân kỹ thuật.
Cùng trong hệ thống các trường ĐHQG Tp.HCM mở thêm ngành mới, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG Tp.HCM) cũng vừa thông báo tuyển sinh mới 4 ngành mới gồm: Thiết kế vi mạch, Kinh tế Xây dựng, Địa Kỹ thuật Xây dựng, Khoa học Dữ liệu và 3 chuyên ngành mới gồm: Quản lý Xây dựng, Hóa Dược, Hóa mỹ phẩm.
Trong năm 2024, trường dự kiến giữ ổn định các phương thức tuyển sinh được sử dụng như năm trước. Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí là chủ đạo. Với phương thức tuyển sinh này kết hợp đánh giá thí sinh theo 3 tiêu chí: Học tập (kết quả điểm thi ĐGNL của ĐHQG Tp.HCM, điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT); thành tích học tập/khoa học; hoạt động văn thể mỹ và các đóng góp cho cộng đồng. Trong tiêu chí học tập, thành phần điểm thi ĐGNL do ĐHQG Tp.HCM tổ chức chiếm tỷ trọng cao nhất, theo Tiền Phong.
Phẫu thuật robot cắt u phổi cho nữ bệnh nhân 68 tuổi
Theo Phụ Nữ Việt Nam ngày 20/12, BS.CKII. Nguyễn Văn Việt Thành, Phó Trưởng khoa Lồng ngực - Bướu cổ, Bệnh viện Bình Dân (Tp.HCM), cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa thực hiện thành công phẫu thuật robot cắt thùy trên phổi trái trị ung thư phổi cho nữ bệnh nhân 68 tuổi.
Theo đó, bà L.M.T. (68 tuổi, ở Gia Lai) nhập viện do đau thắt vùng ngực không rõ lý do khoảng gần 2 tháng. Trước đó, bệnh nhân nhiều khi đau không chịu nổi, không làm được gì. Bệnh nhân từng đoạn nhũ điều trị ung thư vú từ 25 năm trước và có tăng huyết áp vô căn.
Khi thấy đau bất thường, bà T. nghĩ mình bị đau tim nên đã đi khám ở một số cơ sở y tế nhưng không phát hiện vấn đề sức khỏe nào có liên quan. Sau đó, bà thăm khám tại một bệnh viện ở Tp.HCM, qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ nghi ngờ bà có một khối u ở thùy trên phổi trái.
Tại Bệnh viện Bình Dân, bà T. được bác sĩ khuyên nhập viện sau khi các chẩn đoán cận lâm sàng của bệnh nhân gợi ý chẩn đoán ung thư phổi. Hình ảnh học chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt (MSCT) ngực phát hiện u thùy trên phổi trái, kích thước 40cmx 20cm, bờ đa cung.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Việt Thành, ung thư phổi là ung thư có tiên lượng xấu, bệnh diễn tiến nhanh chóng và có tỉ lệ tử vong cao. Với trường hợp của người bệnh T., các bác sĩ nghĩ đến hai khả năng: có thể là một ung thư thứ phát, di căn sau điều trị ung thư vú hoặc một bệnh lý phổi mới hình thành.
"Để tối ưu việc điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi thực hiện phẫu thuật robot cắt thùy trên phổi trái có u, đồng thời thực hiện sinh thiết lạnh ngay lúc phẫu thuật để sớm xác định bản chất của u. Kết quả sinh thiết lạnh trong lúc mổ cho thấy đây là khối ung thư, nhiều khả năng là ung thư phổi nguyên phát", bác sĩ Thành cho hay.
Bệnh nhân được phát hiện u thùy trên phổi trái, kích thước 40cmx 20cm, bờ đa cung
Với lợi thế các cánh tay robot nhỏ, linh hoạt khi thao tác trong các khoang hẹp với khả năng xoay, nắm, cắt đốt hiệu quả và camera phóng đại lớn, bác sĩ đã nạo bỏ trọn vẹn các hạch như hạch cạnh khí quản, cạnh tĩnh mạch chủ, nhóm hạch dưới phế quản và gần rốn phổi mà không tổn thương mạch máu. Nhờ thao tác phẫu thuật robot giúp hạn chế tổn thương trong quá trình thao tác, lượng máu mất qua phẫu thuật chỉ khoảng 50ml.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân ăn uống và tự thực hiện được các sinh hoạt cơ bản ở ngày thứ 4 và xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ 6. X-quang ngực sau mổ của bệnh nhân T. cho thấy phổi trái nở tốt, không có tràn dịch, tràn khí màng phổi.
Về kế hoạch điều trị, theo bác sĩ, sau khi cắt một thể tích khá lớn phổi, người bệnh sẽ được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để tập thở, tập vận động, tránh viêm phổi và tránh nguy cơ bội nhiễm. Tùy thuộc vào kết quả giải phẫu bệnh bằng hóa mô miễn dịch, xác định đột biến gen để khẳng định bản chất của tế bào ung thư là ung thư nguyên phát hay thứ phát sau ung thư vú, người bệnh sẽ được tiếp tục điều trị ung thư bổ túc sau mổ như hóa trị, xạ trị.
Tỉ lệ người mắc trầm cảm trên 15 tuổi ngày càng tăng
Theo WHO, trầm cảm là nguyên nhân hàng thứ 3 của gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới trong năm 2004 và sẽ chuyển sang vị trí dẫn đầu vào năm 2030. Tỉ lệ tử vong được tiêu chuẩn hóa do tự sát ở bệnh nhân trầm cảm tái diễn là 20,9 ở nam và 27,0 ở nữ. Tức là các bệnh nhân nam và nữ mắc trầm cảm có nguy cơ tự sát hoàn thành cao gấp 20,9 và 27 lần so với quần thể dân số chung.
Trên thế giới, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 - 29, chỉ sau tai nạn giao thông. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trung bình mỗi ngày, có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử. Tại Việt Nam, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên cũng đang ngày càng tăng. Nguyên nhân dẫn đến tự tử ở lứa tuổi này phần lớn là do trầm cảm.
BSCKII. Nguyễn Thị Ái Vân - Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, biểu hiện bằng cảm xúc buồn, mất quan tâm thích thú, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, kém tập trung”.
Theo chuyên gia này, bệnh kéo dài và tái diễn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như chức năng của người bệnh. Ước tính, có hơn 300 triệu người trên thế giới mắc rối loạn trầm cảm. Tuổi khởi phát rối loạn trung bình là 18. Tuy nhiên, tại nước ta, tỉ lệ người mắc bệnh trên 15 tuổi ngày càng tăng.
Khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội (từ lớp 6 đến lớp 9). Kết quả cho thấy, các biểu hiện lo âu ở trẻ chiếm tỉ lệ 38%, tiếp theo là stress với 33% và trầm cảm là 26,1%.
Theo chuyên gia, trầm cảm ở lứa tuổi học đường có thể do nhiều nguyên nhân. Về mặt sinh học có thể là do di truyền, thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc giải phẫu não bộ hay thay đổi nồng độ hormone.
Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân về tâm lý xã hội. Trẻ có thể bị áp lực từ cuộc sống, gia đình, xã hội.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quyết - Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh, trầm cảm hiện tại là rối loạn có thể điều trị ổn định được. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu trầm cảm, gia đình nên đưa con đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Cần có sự tham gia hỗ trợ của nhà trường trong việc phát hiện sớm, giáo dục kiến thức, liên kết gia đình và các nhà chuyên môn trong thăm khám, chẩn đoán cũng như điều trị cho trẻ có các vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó có trầm cảm, thông tin trên Giáo dục & Thời Đại.
Trúc Chi (t/h)