Mức học phí mới nhất năm học 2023-2024
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị định về học phí năm học tới, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, chủ trương sẽ lùi thêm 1 năm việc thực hiện khung học phí như Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Nếu Chính phủ đồng ý phương án này, năm học tới, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục công lập vẫn được hưởng chính sách học phí như các năm học trước.
Cụ thể, Nghị định 81/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2021, thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 và Nghị định số sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
Sau đây là mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định 81 áp dụng từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026:
Từ đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm 2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165 yêu cầu mức học phí của cơ sở giáo dục công lập năm 2022-2023 tiếp tục được giữ ổn định so với năm học 2021-2022.
Đầu tháng 8/2023, Văn phòng Chính phủ cũng ban hành Thông báo số 300/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Nội dung sửa đổi theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023-2024.
Đáng chú ý, sau 3 năm không tăng học phí, nhiều cơ sở giáo dục đại học phản ánh gặp nhiều khó khăn và đề nghị năm học 2023-2024 cần áp dụng mức thu học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81 để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ.
Tuy nhiên, nếu học phí năm học mới được áp dụng theo Nghị định 81 thì mức tăng khá cao so với năm học 2022-2023. Việc tăng học phí như vậy sẽ gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh và phản ứng của dư luận xã hội, nên đã thống nhất việc tăng học phí có thể chậm lại một năm so với lộ trình tăng học phí theo quy định tại Nghị định số 81.
Theo ông Ngô Văn Thịnh - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT: Trong quá trình làm việc với Chính phủ, Bộ cũng đã thuyết minh, thuyết phục, bảo vệ quyền lợi giúp các trường đỡ khó khăn hơn nhưng quyết định cuối cùng thuộc về Chính phủ.
Số ca mắc tay chân miệng tăng, chuyên gia chỉ 6 biện pháp phòng bệnh khi năm học mới đến gần
Theo thống kê, trong tuần 33/2023 cả nước ghi nhận 5.727 trường hợp mắc tay chân miệng, không ghi nhận ca tử vong. So với tuần trước (6.535/0) số ca mắc giảm 12,4%. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 68.096 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (44.724/3) số người mắc tay chân miệng năm nay tính đến thời điểm này tăng 52,3%, số ca tử vong tăng 15 trường hợp.
Tại Tp.HCM, tính từ ngày 14/8- 20/8/2023 (tuần 33), số ca mắc bệnh tay chân miệng giảm với 1.869 ca bệnh được ghi nhận, trong khi ở tuần 31, Tp.HCM ghi nhận 2.401 ca mắc bệnh tay chân miệng, tuần 30 là 2.665 ca mắc.
Các chuyên gia cho hay, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, nước ta bệnh tay chân miệng từ đầu năm 2023 đến nay có sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71. Chính đặc điểm này khiến cho các ca mắc bệnh tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay đang là thời gian bắt đầu năm học mới, có nhiều nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng nếu các trường học và đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình không thực hiện tốt các biện pháp cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống bệnh tay chân miệng.
Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, học sinh, ngay từ đầu năm học mới, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác. Cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Thông tin mới nhất vụ tai nạn hầm lò ở Quảng Ninh khiến 4 công nhân thiệt mạng
Thông tin trên báo VTC News, theo đánh giá đầu từ cơ quan chức năng Quảng Ninh, nguyên nhân sơ bộ dẫn tới vụ sập hầm lò khiến 4 công nhân thiệt mạng do trong thời gian qua, khu vực mỏ than Vàng Danh, Tp.Uông Bí, Quảng Ninh xuất hiện nhiều trận mưa với lưu lượng từ 30-70 mm, dẫn đến khu vực này bị ngấm nước.
Quá trình nhóm công nhân làm việc bị bùn và than trôi từ Thượng vận chuyển số 3 xuống gây tai nạn, dẫn đến tử vong.
Nạn nhân gồm: L.H.N (SN 1993, xã Hồng Việt, Đông Hưng, Thái Bình); T.V.Đ (SN 1990, quê phường Vàng Danh, Tp.Uông Bí); N.Đ.T (SN 1988, quê xã Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ, Thái Bình); P.T.D (SN 1987, quê quán phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh).
Khoảng 19h20 ngày 26/8, tại thượng vận chuyển số 3 đào từ lò thượng +50/+80 vỉa 5, khu Cánh gà, phân xưởng khai thác 3, Công ty Cổ phần Than Vàng Danh xảy ra vụ tai nạn lao động trong hầm lò khiến 4 công nhân tử vong.
Nhận thông tin, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường và thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân.
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Công ty Cổ phần Than Vàng Danh phối hợp với cơ quan chức năng Tp.Uông Bí và tỉnh Quảng Ninh điều tra, làm rõ, đồng thời, tập trung cùng gia đình lo hậu sự cho nạn nhân. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ 20 triệu đồng cho gia đình mỗi nạn nhân tử vong.
Trúc Chi (t/h)