Năm 2020 - 2021, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông nhằm góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Chủ trương đưa ra là đúng đắn, hợp xu thế, tuy nhiên, trên thực tế, quá trình thực hiện việc chọn SGK được cho còn nhiều bất cập và tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tiêu cực.
Không được lựa chọn SGK theo ý mình!
Theo đó, về công tác lựa chọn SGK, ngay trong năm học đầu tiên (2020 - 2021) cả nước triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông theo chủ trương.
Nhiều cơ sở giáo dục, sau khi nghiên cứu các cuốn SGK của từng môn học trong tất cả các bộ sách, đã tiến hành thành lập Hội đồng lựa chọn SGK và bỏ phiếu kín để quyết định lựa chọn những cuốn sách mà các thầy, cô giáo và nhà trường cho là chuẩn mực nhất, bám sát chương trình mới nhất để sử dụng trong cơ sở giáo dục của mình.
Tuy nhiên, sang năm học thứ 2 (2021 - 2022) tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, theo quy định của Luật Giáo dục sửa đổi (2019) và Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT thì việc lựa chọn SGK lại do UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
Quy trình lựa chọn theo Thông tư số 25 được cho là đang trao toàn quyền quyết định việc lựa chọn SGK cho những Hội đồng tuyển chọn SGK mà không quan tâm ý kiến của cơ sở; dễ dẫn tới nguy cơ độc quyền SGK, tạo ra các “nhóm lợi ích” chi phối quyền dạy và học theo đúng tinh thần chủ trương đã được thông qua.
Trước thực tế nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, thầy cô giáo là người nghiên cứu trực tiếp, và đây cũng chính là người sử dụng nên có đầy đủ cơ sở, thông tin, chuyên môn để lựa chọn SGK, còn UBND là cơ quan quản lý chung tất cả các lĩnh vực, nên khó có thể có những đánh giá chuyên sâu, phù hợp trong việc đề xuất, quyết định học sách nào.
Thực tế, vẫn tồn tại những cơ sở giáo dục không được lựa chọn SGK theo ý mình, phổ biến ở một số tỉnh, thành như: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Kạn, Phú Thọ, Quảng Nam, Kiên Giang, Đồng Tháp, Quảng Bình.
Không ít các Hiệu trưởng, giáo viên đều cho biết, dù bộ SGK nào cũng có những ưu điểm, hoặc tồn tại, nhưng nếu được chọn, họ vẫn chọn bộ Cánh Diều bởi Bộ SGK này gần gũi với cuộc sống, giàu tính nhân văn, ít lỗi, khoa học, có sự nối tiếp giữa truyền thống và hiện đại, tuy nhiên, họ lại không được dạy bộ sách mà mình lựa chọn.
Thông tin với báo chí, một Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở ở Bắc Kạn cho biết, năm học 2020 - 2021, trường cô và đông đảo trường bạn, đều chọn SGK Cánh Diều. Tuy nhiên, khi gửi biên bản chọn SGK lên Phòng GD&ĐT, Phòng gửi lên Sở GD&ĐT... lại nhận được lệnh: Yêu cầu chọn lại và làm lại Biên bản chọn SGK theo định hướng của Sở GD&ĐT.
Cũng đề cập đến vấn đề này, ông Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.Hồ Chí Minh nêu quan điểm, giáo viên là những người được đào tạo bài bản nên có đủ năng lực thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa. Việc này không nên chỉ để một vài người đại diện cho giáo viên toàn trường chọn thay mà cần có sự tham gia của tất cả giáo viên trong trường, công khai và quyết định theo đa số.
Cần tôn trọng quyền lựa chọn SGK của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng SGK
Để khắc phục và hạn chế việc lợi dụng Thông tư số 25 và để bảo đảm thực hiện đúng đắn chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng) đề nghị: Bộ GD&ĐT sớm sửa đổi Điều 8 Thông tư số 25 theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn SGK của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng SGK. Hội đồng lựa chọn SGK chỉ kiểm tra để xác nhận sách được cơ sở giáo dục lựa chọn là sách đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt cho sử dụng, báo cáo UBND tỉnh, thành phố quyết định.
“Trong trường hợp SGK chỉ được dưới 10% cơ sở giáo dục trên địa bàn lựa chọn, Hội đồng khuyến nghị Sở GD&ĐT thông báo cho cơ sở giáo dục đó biết tỉ lệ lựa chọn của các cơ sở khác trong toàn tỉnh, thành phố để xem xét, nghiên cứu, lựa chọn lại nếu cần.
Việc lựa chọn lại thực hiện theo đúng quy trình từ tổ chuyên môn trở lên, như quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 8.
Trong trường hợp cơ sở giáo dục vẫn giữ ý kiến đề xuất của mình thì Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định trên nguyên tắc bảo đảm quyền dân chủ của tập thể và cá nhân trực tiếp sử dụng SGK”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề xuất.
Cũng tại văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, trước thềm Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi: “Vì sao trước nguy cơ thiếu sách rất rõ ràng, các giải pháp của Bộ trưởng vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi dùng sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (doanh nghiệp trực thuộc Bộ), mà không hướng dẫn các địa phương mở rộng phạm vi lựa chọn sách theo chủ trương xã hội hóa để giải quyết khó khăn?
Tại văn bản trả lời đại biểu, về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ đã ban hành Thông tư số 25 ngày 26/8/2020 quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc lựa chọn sách giáo khoa.
Bộ không giới hạn địa phương chỉ dùng sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định và cho biết thực tế, Bộ thường xuyên chỉ đạo hướng dẫn các địa phương lựa chọn sách giáo khoa theo đúng nguyên tắc tiêu chí quy định tại Thông tư 25.
Tuy nhiên, theo thông tin từ đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, cùng thời điểm nhận văn bản trả lời chất vấn (ngày 23/5/2023), bà nắm được thông tin là ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều còn một số tỉnh chưa có quyết định chọn sách.
Mới đây nhất, tại buổi thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tại chương trình kỳ họp thứ 5, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng đã đưa ra yêu cầu giải trình liên quan đến giá và quyền lựa chọn SGK.
Đại biểu đề nghị trong trường hợp Quốc hội khóa này thấy chủ trương xã hội hoá việc biên soạn SGK mà QH khóa 13 đề ra có nhiều bất cập thì nên sửa Nghị quyết 88, chấm dứt việc thực hiện chủ trương này.
Còn trong trường hợp ngược lại, Quốc hội nên bổ sung những quy định cần thiết trong Luật Giá để bảo đảm sự nhất quán về chủ trương.
“Không nên để xảy ra tình trạng cơ quan lập pháp ban hành những quy định ngược chiều nhau: một đằng khuyến khích xã hội hóa, một đằng tạo sơ hở để cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế xã hội hóa, thậm chí có nguy cơ xóa bỏ xã hội hóa việc biên soạn SGK”, đại biểu Thúy nêu ý kiến đồng thời đề nghị cần giải trình, làm rõ những nội dung nêu trên.
Bên cạnh đó, nhìn nhận ở góc độ chuyên môn sư phạm, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, phân tích: "Quy định hiện nay, sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thành lập hội đồng để lựa chọn. Trong khi đây phải là công việc của cơ sở. Giáo viên phải là người chọn, vì họ mới biết được cần gì và thiếu gì. Việc đề nghị các trường lựa chọn và trình cho hội đồng lựa chọn tiếp, điều này không khoa học. Như vậy, sẽ không phản ánh được vai trò làm chủ của giáo viên, và họ cũng sẽ không phải chịu trách nhiệm về những lựa chọn ấy".
"Cấp sở chỉ nên là bộ phận tập hợp các ý kiến từ nhà trường để liên hệ với các nhà xuất bản trong việc in sách. Như vậy mới là lựa chọn của giáo viên, nếu không vẫn có trường hợp giáo viên phải dùng những bộ sách mà mình không lựa chọn", thầy Lâm cho hay.
Ngoài ra, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) từng đặt câu hỏi: Xóa độc quyền sách giáo khoa là xu thế tất yếu. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào kiểm soát được thị trường và có bao nhiêu nhà xuất bản sẵn sàng tham gia thị trường này?
Rõ ràng, việc chọn kiểu bất thường này khiến học sinh chịu thiệt thòi và dẫn dễ đến những hoài nghi về sự nghiêm túc, khách quan trong chọn SGK ở các địa phương.
Khánh Linh
28% địa phương chỉ chọn một sách giáo khoa/môn học
Ngày 25/5, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, cho biết thống kê cho thấy ở bậc tiểu học, có 28% địa phương trên cả nước chỉ chọn một sách SGK/môn học, trong đó có 3% số tỉnh chỉ chọn duy nhất một SGK cho một môn học ở tất cả các môn. 18% số tỉnh có một số môn học chọn nhiều hơn một SGK cho mỗi môn. Có 54% số tỉnh, thành có tất cả các môn học đều chọn nhiều hơn một SGK/môn học.