Tăng trưởng vượt bậc
Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam năm 2023, với doanh thu ước đạt 20,5 tỷ USD. Trước đó, nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ cả nước mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD thì đến năm 2019 đã vượt mốc 10 tỷ USD và tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020. Đến năm 2022, con số này tăng trưởng 20% so với năm trước, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước; số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm.
Chia sẻ về sự bùng nổ của hình thức mua sắm trực tuyến trong những năm gần đây, ông Nguyễn Tiến Nam - Tổng giám đốc Công ty cổ phần mỹ phẩm quốc tế OME cho biết: “Như bạn thấy, kinh doanh mô hình truyền thống liên quan đến cửa hàng đã kém hơn rất nhiều trong 5 năm trở lại đây, từ 2018 đến bây giờ. Trong khi đó, kinh doanh trực tuyến phát triển bùng nổ. Có sự phát triển này là do những ưu điểm của loại hình kinh doanh trực tuyến. Hình thức kinh doanh trực tuyến không bị giới hạn về không gian cũng như vị trí, người mua chỉ cần một chiến máy tính hay một chiếc điện thoại và chỉ cần ngồi ở nhà là đã có thể mua được hàng chính hãng. Không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức, người mua còn tiết kiệm được nhiều chi phí liên quan đến việc phải đến tận cửa hàng để mua sản phẩm.
Không chỉ mang lại lợi ích cho người mua mà người bán cũng có được rất nhiều điều từ loại hình kinh doanh này. OME đang là công ty kinh doanh trực tuyến hoàn toàn. Chúng tôi nhập khẩu và bán hàng đều hoàn toàn thông qua mạng internet. Dạng thức kinh doanh này giúp chúng tôi tiết kiệm rất nhiều chi phí khi không phải vận hành chuỗi cửa hàng và có thể tiếp cận được khách hàng ở khắp toàn quốc từ đó hình thành mạng lưới rộng lớn mà không cần phải có hệ thống cửa hàng”.
Tiếp tục bùng nổ
Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2023 và dự báo 2024 được Metric công bố cũng cho thấy, thương mại điện đã tác động tích cực đến nền kinh tế số. Theo đó, 2,2 tỷ sản phẩm được giao dịch thành công trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến gồm Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop. Trong đó, TikTok đang nổi lên như một kênh bán hàng nhiều hứa hẹn của các nhãn hàng.
Chia sẻ về vấn đề này Giám đốc chiến lược của Công ty Stormick, bà Bora cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn để sự thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng. Sau dịch, người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Bên cạnh các sàn thương mại điện tử, khách hàng cũng bắt đầu quan tâm đến việc mua hàng qua livestream. ‘Sức nóng’ của livestream đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong ngành thương mại điện tử. Thế nên, màu sắc nổi trội nhất, tôi nghĩ không thể thiếu trong bức tranh thị trường năm 2024 đó chính là livestream trên nền tảng TikTok và cuộc chiến săn các KOCs nhỏ có tiềm năng”.
Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này từ nay đến năm 2025 (đồng hạng với Philippines). Tổng giá trị hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025.
“Việt Nam đang chạy đua với thế giới ở hình thức mô hình bán hàng 4.0. Kinh doanh trực tuyến bây giờ là xu thế rất tốt. Tôi dự đoán, kinh doanh trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong những năm tới. Đó là lý do OME tiếp tục định hướng phát triển kinh doanh theo phương thức này”, ông Nguyễn Tiến Nam nhận mạnh.
Những con số thống kê và nhận định từ các chuyên gia đều cho thấy, thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Đặc biệt, tăng trưởng tổng giá trị hàng hoá trong hai năm tới của kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.
“Hình thức livestream bán hàng không mới nhưng năm 2024 sẽ có sự chọn lọc hơn. Chọn lọc ở đây là các KOCs không chỉ đơn giản là livestream bán hàng mà còn là xây kênh, sáng tạo nội dung để tạo thương hiệu cá nhân. Vì sự “bão hòa” của nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOLs nên 2024 sẽ là năm đầy cạnh tranh của các bạn KOLs. Đặc biệt, từ những tín hiệu đã có trong thời gian qua, tôi thấy rằng ở thời điểm hiện tại, sức ảnh hưởng của nghệ sĩ, người nổi tiếng không còn quan trọng bằng những chiếc deal ‘ngon lành’ từ các seller thực thụ. Thế nên, để thực sự tạo được sức hút cho mình, các KOLs cần phải xây dựng thật tốt thương hiệu cá nhân”, bà Bora chia sẻ.
NAM ANH