Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Toàn, trú tại đội 8, xã Tiền Tiến, TP. Hải Dương (Hải Dương) khi 10 lồng cá chép của gia đình ông bất ngờ chết trắng xoá, chưa rõ nguyên nhân.
Khoảng 10 ngày nay, cá nuôi trong lồng bè của hơn 50 hộ dân ở xã Tiên Tiến, TP Hải Dương (Hải Dương) chết hàng loạt, ước tính khoảng 300 tấn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Phần lớn là cá chép, cá trắm, cá diêu hồng.
Cá chết nổi trắng lồng bè tại xã Tiền Tiến.
Đứng trước 13 lồng cá, trong đó có 10 lồng gần như bị “xoá sổ”, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết, bình thường, mỗi lồng cá sẽ cho thu hoạch từ 8-10 tấn, bán với giá 60-62 nghìn đồng/kg. Vậy mà bây giờ cá bỗng nhiên chết hết, không biết nguyên nhân là gì.
“Mỗi lồng cá đầu tư cả tiền giống, tiền thức ăn, nuôi ròng rã 2 năm trời, vất vả lắm mới được con cá như thế này. Đến giờ, chuẩn bị được bán thì chết hết không rõ nguyên nhân. Cứ thế này thì tôi sốc chết chứ biết làm sao được”, nói đến đây, giọng ông Toàn lạc đi, mắt ngân ngấn nước.
Video: Ông Nguyễn Văn Toàn bật khóc xót xa khi toàn bộ 10 lồng cá gần như bị "xoá sổ".
Xót xa vì bao nhiêu tiền của, mồ hôi, công sức bỗng chốc về con số 0, càng nói, ông Toàn càng cảm thấy tủi thân khi bản thân mình bất lực, thấy cá chết nổi trắng lồng mà không có cách nào cứu vớt được số cá còn lại.
“Cá chết rồi thì mọi người đến vớt lên giúp và đóng vào bao tải, bán với giá 2 nghìn đồng/kg để họ làm phân bón cây. Được đồng nào hay đồng ấy. Cá khoẻ, còn bơi sống thì thương lái họ mua với giá 20-30 nghìn đồng/kg nhưng 100 tấn thì chỉ còn 1-2 tấn, còn lại là mất trắng”, ông Toàn gạt nước mắt nói thêm.
Những con cá từng có giá hàng trăm nghìn đồng/kg nay chết vớt lên bờ chỉ còn 1-2 nghìn đồng/kg.
Theo ông Toàn, để có tiền nuôi cá, ông phải thế chấp toàn bộ nhà cửa, tài sản để vay ngân hàng. Không những thế, mấy năm gần đây, giá thức ăn chăn nuôi neo ở mức cao, có lãi cũng không được bao nhiêu. Giờ thì mất trắng hết.
“Số cá chết thì chết rồi, còn cá sống muốn bán để vớt vát lại vài đồng thì dân mạng cứ đồn thổi là cá nhiễm độc không nên mua. Khổ lắm. Người dân đã thiệt hại rồi nay muốn bán cũng không bán được”, ông Toàn xót xa.
Vừa vớt những con cá nặng từ 2-5kg lên bờ, vợ chồng ông Đỗ Văn Miên, trú tại phường Nam Đồng, TP Hải Dương cho hay, gia đình ông có 33 lồng cá, nuôi chủ yếu là cá chép, cá diêu hồng, cá trắm, cá lăng. Mỗi lồng khoảng 10 tấn cá. Tính đến hiện tại chết mất khoảng 100 tấn cá.
“Ngày nào cũng vớt hàng chục tấn cá chết lên bờ, nó cứ nổi lên là mình phải vớt và mang đi chôn chứ không thấy ai mua, kể cả 1-2 nghìn đồng/kg. Hôm qua họ bảo đến mua xong chờ mãi họ cũng không đến, mình phải mang đi chôn. Còn ít cá vẫn bơi sống nhưng thôi, vỡ nợ rồi còn đâu mà bán”, vợ ông Miên nói.
Nhiều nơi cá chết còn không có ai mua, phải vớt lên mang đi chôn.
Gia đình ông Phạm Văn Huy, trú tại xóm Đồng Điền, xã Tiền Tiến nuôi cá chép giòn trên sông khoảng 10 năm nay với 15 lồng, chủ yếu là cá chép giòn, cá trắm giòn. Mỗi lồng đầu tư khoảng 380-400 triệu đồng.
Theo ông Huy, bình thường mỗi cân cá chép giòn được thương lái thu mua với giá 105-110 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, hiện tại, số cá chép giòn trong lồng nhà ông đã chết khoảng 80% và bán với giá từ 1,5-2 nghìn đồng/kg cho khách mua về ngâm tưới cây.
“Từ lúc thả giống đến lúc nuôi được con cá bán là khoảng 2 năm. Trung bình mỗi lồng cá mình mất khoảng 550 triệu tiền giống và thức ăn. Nếu bán được giá 100 nghìn đồng/kg mới hoà vốn, vậy mà giờ coi như mất trắng”, ông Huy mệt mỏi nói.
Một người dân bật khóc khi nhìn những lồng cá tiền tỷ của gia đình chết gần hết.
Liên quan đến thực trạng hàng trăm tấn cá nuôi lồng ở Hải Dương bị chết, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hải Dương cho biết, các cơ quan chuyên môn đánh giá, nguyên nhân cá chết là do thiếu oxy. Kết quả xét nghiệm mẫu từ Cục Thủy sản cho thấy, cá không bị nhiễm bất kỳ một loại bệnh nào
Trong ngày 7/4, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã về lấy mẫu bệnh phẩm của cá chết và kết quả xét nghiệm đánh giá, cá không có bệnh.
Về nguyên nhân nguồn nước thiếu oxy, Sở NN&PTNT Hải Dương cho biết, khi thời tiết diễn biến thất thường, nóng lạnh đột ngột, cộng với thủy triều xuống, mực nước trên sông xuống rất thấp. Bình thường, khi nước lớn, biên độ nước lên xuống trong ngày dao động từ từ 1-1,5m. Khi mực nước xuống thấp, biên độ lên xuống trong ngày chỉ còn 20-30cm khiến lượng oxy ở khu vực nuôi cá lồng rất thấp, cá yếu đi và chết hàng loạt.
Theo báo cáo nhanh của Sở NN&PTNT Hải Dương, tính đến hết ngày 8/4, số lượng cá bị chết ở các lồng của các hộ dân tại phường Nam Đồng và xã Tiền Tiến khoảng 300 tấn, chưa kể số lượng cá yếu được bán với giá rẻ cho người dân hoặc các cơ sở thu mua.
Hồng Cảnh