Reuters dẫn thông tin từ Cơ quan y tế thành phố Vũ Hán ngày 11/1 thông báo, đã có một người đã tử vong vì viêm phổi tại thành phố này trong bối cảnh xuất hiện dịch viêm phổi do một chủng virus "cùng họ" với virus gây bệnh SARS gây ra.
Giới chức trách thành phố Vũ Hán cho biết tính đến ngày 10/1, tại thành phố này ghi nhận 41/59 trường hợp nhiễm viêm phổi lạ có chủng virus corona mới.
Hiện Sở Y tế thành phố Vũ Hán đang tập trung điều trị các trường hợp nghiêm trọng đồng thời giám sát chặt chẽ 739 người đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh, trong đó bao gồm cả các bác sĩ và nhân viên y tế.
Dịch viêm phổi lạ bùng phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc thời gian gần đây có thể là do một loại virus cùng họ với các loại virus từng gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp tính nặng SARS và hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông MERS. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 8/1 đã đưa ra thông báo này.
WHO khẳng định cần thêm những thông tin toàn diện hơn để xác định chính xác loại mầm bệnh gây ra dịch trên, và cho rằng một biến thể mới của virus corona có thể là nguyên nhân.
Virus corona là nhóm virus thường được tìm thấy ở chim và các động vật có vú, chúng giống nhau về hình thái và cấu trúc hóa học. Chúng có thể gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau từ chứng cảm cúm thông thường tới Hội chứng suy hô hấp cấp tính SARS.
Mặc dù từ ngày 3/1 trở lại đây, chưa phát hiện thêm các ca nhiễm bệnh mới, tuy nhiên chính quyền thành phố Vũ Hán một mặt cảnh báo người dân chú ý các biện pháp phòng tránh, hạn chế đến những nơi đông người, mặt khác cũng tập trung nghiên cứu nguồn gốc của bệnh cúm để đưa ra phác đồ điều trị. Ngoài ra chính quyền thành phố Vũ Hán cũng tăng cường kiểm tra, quản lý vệ sinh y tế đối với các khu vực công cộng, đặc biệt là các khu vực chợ nông sản.
Chia sẻ với Infonet, PGS.TS. Đỗ Duy Cường – Giám đốc trung tâm truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, mỗi người dân nên chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, tránh nơi đông người, che miệng khi ho, giữ gìn vệ sinh, ăn uống đủ chất, tăng sức đề kháng cơ thể.
PGS Cường nhấn mạnh người dân khi có triệu chứng nghi ngờ của viêm đường hô hấp, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời; không nên có thái độ nước đến chân mới nhảy, bệnh xảy ra rồi mới lo chữa… Các cơ sở y tế cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó trong trường hợp dịch có thể lan rộng đến Việt Nam.
Bá Di (T/h)