Khối ngành sức khỏe nhiều năm nay vẫn là ngành đào tạo được đánh giá có ngưỡng điểm đầu vào cao, tỉ lệ cạnh tranh lớn, để có thể theo học là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nếu thí sinh có “chiến thuật” phù hợp việc đỗ vào ngành này không phải là không thể.
Năm học 2024 – 2025 Trường Đại học Phenikaa tuyển sinh 9 ngành trong khối Khoa học sức khỏe. Các ngành này được chia ra 3 nhóm là nhóm đào tạo bác sĩ gồm 3 ngành (Y khoa, Răng Hàm Mặt và Y học cổ truyền), nhóm đào tạo cử nhân gồm 5 ngành (Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học, Kỹ thuật Phục hồi chức năng, Kỹ thuật Hình ảnh Y học và Quản lý bệnh viện) và nhóm đào tạo dược sĩ gồm 1 ngành (Dược học).
Trao đổi với Người Đưa Tin, GS.TS Lưu Ngọc Hoạt – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa thông tin “Đây là các ngành có những định hướng nghề nghiệp khác nhau, thời gian học và mức đóng học phí khác nhau, nên thí sinh cần phải căn cứ vào sở trường, nguyện vọng, năng lực và khả năng tài chính của gia đình để chọn ngành học phù hợp nhất”.
Theo đại diện nhà trường, trong số 9 ngành đào tạo nêu trên thì ba ngành nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh hơn đó là ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt và Dược học. Tuy nhiên, những ngành học này luôn yêu cầu điểm đầu vào cao hơn, thời gian học lâu hơn và mức học phí cao hơn, đặc biệt là ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt.
Các ngành đào tạo cử nhân hiện chưa được thí sinh quan tâm nhiều, nhưng đây lại là những ngành có thời gian học ngắn hơn là 4 năm, mức học phí thấp hơn và đặc biệt là có định hướng tương lai rất tốt trong bối cảnh bùng nổ của khoa học công nghệ, cách mạng 4.0 và chuyển đổi số trong lĩnh vực Khoa học sức khỏe.
Ngoài ra, lãnh đạo nhà trường có ngành Quản lý bệnh viện cũng là lựa chọn cho các thí sinh. Đối với ngành này, ông Lưu Ngọc Hoạt cho biết: “Quản lý được coi là một trong những cấu phần quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến vận hành và chất lượng dịch vụ của bệnh viện. Vì vậy, quản lý ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện nói riêng và của công tác bảo vệ, nâng cao và chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung”.
Tại Việt Nam, trước đây việc quản lý bệnh viện và các khoa, phòng trong bệnh viện chủ yếu do các thầy thuốc giỏi, có trình độ chuyên môn cao đảm nhiệm. Hiện nay, hoạt động của bệnh viện ngày càng mở rộng, chuyên sâu, đa dạng, các quy định của pháp luật về quản lý nhân lực, tài chính, cung ứng, quản lý chất lượng dịch vụ ngày càng chặt chẽ, việc nâng cao năng lực quản lý bệnh viện ngày càng trở nên rất cần thiết và cấp bách.
Chương trình đào tạo ngành Quản lý bệnh viện nhà trường, sinh viên sẽ được học toàn diện về các nội dung có liên quan đến quản lý bệnh viện, như: Tổ chức và chức năng của hệ thống y tế, chính sách y tế; tổ chức và lãnh đạo bệnh viện; lập kế hoạch và quản lý hoạt động bệnh viện; quản lý nhân sự, quản lý tài chính bệnh viện; quản lý cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; quản lý chất lượng dịch vụ bệnh viện, an toàn người bệnh...
Sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên có nhiều cơ hội làm việc tại các cơ quan quản lý y tế, quản lý bệnh viện các tuyến; các khoa, phòng bệnh viện từ trung ương đến địa phương (cả bệnh viện công và bệnh viện tư); các phòng khám, trung tâm y tế; các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực y tế; lĩnh vực bảo hiểm y tế và các lĩnh vực có liên quan khác…
Vừa qua, Trường Đại học Y Hà Nội cũng đã công bố đề án tuyển sinh, năm nay, nhà trường mở thêm 3 ngành đào tạo mới: Kỹ thuật phục hình răng, Tâm lý học và Hộ sinh.
Cùng với đó, ngoài tổ hợp B00, ngành mới Tâm lý học sử dụng thêm tổ hợp: C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, Anh). Ngành Y tế Công cộng xét tuyển thêm tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh).
Về việc tuyển sinh khối C00, PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết ngành Tâm lý học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, do vậy nhà trường xét tuyển tổ hợp C00 hoàn toàn phù hợp. Ngoài ra, các trường đào tạo ngành tâm lý học đều sử dụng 5 tổ hợp truyền thống, trong đó có tổ hợp C00 và D01.
"Căn cứ vào chuẩn đầu vào và nội dung giảng dạy trong chương trình đào tạo tâm lý học của Đại học Y Hà Nội, sinh viên có kiến thức tốt môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý phù hợp để theo học ngành tâm lý học, đáp ứng được chuẩn đầu ra”, PGS.TS Lê Đình Tùng cho hay.
Đưa ra lời khuyên cho thí sinh khi chọn ngành học top, PGS.TS Lê Đình Tùng chia sẻ: “Thí sinh cần tập trung ôn tập có kết quả THPT tốt nhất. Các em cũng cần rà soát lại ngưỡng điểm trúng tuyển vào các ngành của nhà trường trong những năm gần đây và đặc biệt là 2 năm liền kề và căn cứ chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển”.
Theo ông Tùng nếu thí sinh mong muốn chọn trường thay vì chọn ngành thì có thể lựa chọn các ngành đào tạo có ngưỡng điểm trúng tuyển phù hợp với nguyện vọng của thí sinh.
“Ví dụ ngành Răng Hàm Mặt điểm trúng tuyển thấp hơn ngành Y khoa khoảng 1,5-1,8 điểm, hoặc ngành Y khoa đào tạo tại phân hiệu ở Thanh hoá có ngưỡng điểm trúng tuyển thấp hơn ở cơ sở chính là 1,5 điểm. Cùng với đó, khi đăng ký xét tuyển nên chia các nhóm có khả năng trúng tuyển cao nhất, trúng tuyển trung bình và trúng tuyển ít để sắp xếp nguyện vọng phù hợp”, PGS.TS Lê Đình Tùng cho hay.