Ăn nhiều thực vật
Việc nuôi động vật để lấy thịt và lấy sữa đòi đòi hỏi không gian, lượng nước và nguồn thức ăn khổng lồ. Chỉ riêng ngành chăn nuôi đã tạo ra gần 15% tổng lượng khí thải nhà kính. Với mức tiêu thụ thịt toàn cầu tăng vọt 500% từ năm 1992 đến 2016, rõ ràng cần phải cân bằng lại khẩu phần ăn của mình bằng cách ưu tiên thực vật và hạn chế các sản phẩm động vật.
Ăn uống đa dạng
75% nguồn cung cấp thực phẩm của thế giới đến từ 12 loài thực vật và 5 loài động vật. Sự đa dạng hơn trong khẩu phần ăn là điều cần thiết vì nông nghiệp thiếu đa dạng không chỉ có hại cho thiên nhiên mà còn là mối đe dọa đối với an ninh lương thực.
Lựa chọn thuỷ hải sản kỹ lưỡng
Khoảng 94% trữ lượng cá được đánh bắt quá mức và nuôi trồng thủy sản đang gặp những vấn đề riêng. Nhưng khi được sản xuất một cách có trách nhiệm, thuỷ hải sản có thể mang lại lợi ích cho con người, thiên nhiên và khí hậu. Hãy thử đa dạng các loài thuỷ hải sản, chọn ăn những loài có chuỗi thức ăn đơn giản và các loại hải sản phát thải carbon thấp hơn.
Tránh lãng phí
Lãng phí thực phẩm là một vấn đề lớn. 30% thực phẩm sản xuất ra bị lãng phí, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Hãy giảm lãng phí bằng cách cấp đông bất cứ thứ gì bạn chưa thể ăn khi chúng còn tươi và nếu có thể, hãy mua lẻ các sản phẩm để có thể chọn chính xác số lượng mình cần.
Tự trồng lương thực
Còn gì tuyệt hơn những thực phẩm tươi ngon tự trồng trong vườn nhà. Chúng vừa tốt cho sức khỏe vừa ngon miệng, không bị ảnh hưởng bởi khí thải carbon như thực phẩm mua ở cửa hàng.
Loại bỏ đồ nhựa
Đồ nhựa đã xâm nhập vào cuộc sống và thậm chí cả chế độ ăn uống của con người. Hãy mang theo túi có thể tái sử dụng khi bạn mua sắm, chọn trái cây và rau không đóng gói nếu có thể, đồng thời hỏi các thương hiệu và nhà bán lẻ hay sử dụng đồ nhựa về giải pháp thay thế.
Mùa nào thức nấy
Hãy thử đưa các sản phẩm theo mùa từ cửa hàng nông trại địa phương hoặc người bán vào chế độ ăn uống của gia đình. Đây là cách giúp bạn vừa có thực phẩm lành mạnh và tốt cho môi trường.
Thu Hà (Theo WWF)