Trong một bài viết mới đây, tờ National Interest đặt ra câu hỏi liệu máy bay F-22, máy bay ném bom B-2 và thậm chí cả F-35 có thể an toàn khi bay qua Iran và các khu vực có hiềm khích khác ở Trung Đông hay không? Kịch bản này chưa từng xuất hiện trong các giả thuyết những năm gần đây, tuy nhiên giờ trở thành vấn đề đáng quan tâm.
Chia sẻ với một tờ báo Iran, Đại sứ Nga tại Iran, ông Levan Jagarian cho biết, rất có thể Moscow sẽ bán hệ thống phòng không S-400 cho Iran mặc những lo ngại từ Mỹ.
Ông Jagarian cho biết, hãng thông tấn Tasnim của Iran khẳng định: “Chúng tôi không sợ Mỹ đe dọa và chúng tôi sẽ thực hiện đúng các cam kết của mình”.
Lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran do Liên Hợp Quốc áp đặt vào năm 2015 sẽ được dỡ bỏ vào ngày 18/10. Khi được hỏi liệu Moscow có lo ngại trước các lệnh trừng phạt của Mỹ nếu Nga quyết định bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Iran hay không, một nhà ngoại giao Nga chia sẻ với truyền thông địa phương rằng, Moscow không sợ Washington và nếu Iran muốn mua vũ khí, các hệ thống này sẽ được chuyển giao.
Lệnh cấm vận vũ khí của Iran do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt đã buộc nước này trong những năm gần đây phải tập trung vào phát triển và sản xuất các hệ thống vũ khí trong nước, bao gồm cả các hệ thống phòng không. Tehran đã tăng cường các hệ thống phòng không của mình, tuy nhiên hệ thống phòng không nước này chủ yếu đều là ở tầm trung.
Tehran cũng có các hệ thống phòng không tầm xa như Talash và Bavar 373. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, hệ thống phòng không S-300 được Nga chuyển giao trong năm 2016 cho Iran giữ vai trò bảo vệ quốc gia này hiệu quả nhất từ trước đến nay.
S-400 và sức mạnh Mỹ không mong đợi
Sự thất bại của chính quyền ông Trump trong việc gia hạn Kế hoạch Hành động Toàn diện chung năm 2015 vào năm 2018 đã mở ra khả năng Iran có thể bán vũ khí cho một số bên. Tờ báo của Iran viết: Chính quyền Trump trước đó đã ám chỉ việc vũ khí do Iran cung cấp sẽ tràn vào Iraq, Yemen, Lebanon.
Vậy việc Iran sở hữu S-400 tiên tiến sẽ mang tới tác động gì? Điều này chủ yếu dựa vào mức độ nâng cấp của hệ thống phòng thủ do Nga xây dựng. Các biến thể S-400 hiện đại nhất sử dụng thế hệ bộ xử lý kỹ thuật số mới, mạng máy tính và dò tìm tần số radar và theo một số phương tiện truyền thông Nga, vũ khí này có khả năng tiêu diệt máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 và máy bay ném bom B-2.
Hệ thống phòng không hiện có của Iran chưa chắc là mối đe dọa với máy bay tàng hình nhưng những chiếc S-400 mới được nâng cấp và S-500 của Nga có thể tạo nên một kịch bản hơi khác. Dẫu vậy, đến nay điều đó vẫn chưa được xác minh.
Ngoài ra, sự tồn tại của nhiều tổ hợp S-400 trong khu vực mở thêm khả năng đe dọa máy bay Israel hoạt động trong khu vực.
S-400 được nâng cấp thực sự sẽ là mối đe dọa lớn với các kẻ thù của chúng bởi tốc độ xử lý vấn đề thần tốc mà vũ khí này mang lại. Khi được cải thiện khả năng xử lý dữ liệu giữa các khối điều khiển, S-400 chắc chắn sẽ tác chiến hiệu quả hơn ngay cả khi phần cứng và đạn tên lửa không được nâng cấp.