Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Hoàng Hạc (SN1980), trú tại thôn 3, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) về quá trình bỏ phố về quê khởi nghiệp của mình.
Chị Hạc cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế, chị ở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc theo đúng chuyên ngành mình đã học. Chồng chị cũng tốt nghiệp Đại học Bách khoa, làm kỹ sư xây dựng.
Tuy nhiên, gần 20 năm sau khi ra trường, lương của chị Hạc vẫn không vượt quá 10 triệu đồng/tháng. Năm 2015, khi thấy công việc thu nhập bấp bênh, ở quê lại sẵn đất rộng nên chị Hạc theo chồng về quê, vừa đi làm công ty vừa mua heo rừng lai và heo đen về nuôi.
Từ bỏ công việc văn phòng nhàn hạ, vợ chồng chị Hạc cùng nhau về quê, khởi nghiệp từ việc nuôi heo rừng lai và heo đen.
“Ban đầu tôi mua 1-2 con với giá từ 800-900 nghìn đồng/con về nuôi chỉ để phục vụ nhu cầu trong gia đình. Khi nuôi thấy heo đẹp nên để làm nái, nái đẻ ra con lại để nuôi lại. Dần dần đàn heo tăng lên 20-30 con”, chị Hạc kể.
Nuôi heo sạch, không sử dụng thức ăn công nghiệp hay cám tăng trọng nên số lượng heo nhà chị Hạc nuôi được đến đâu có người tìm mua hết đến đó với giá cao.
Nhận thấy heo rừng lai và heo đen dễ nuôi lại cho chất lượng thịt thơm ngon, nhu cầu của thị trường lại rất lớn nên vợ chồng chị Hạc quyết định nghỉ hẳn việc ở công ty để về tập trung chăn nuôi heo.
“Mới đầu tôi cũng đi xin nước gạo, thức ăn thừa ở hàng quán và các bếp ăn tập thể về nấu cho heo ăn nhưng có một đợt thấy heo bị bệnh nên tôi dừng hẳn, chỉ sử dụng rau, cỏ, phụ phẩm nông nghiệp để cho heo ăn”, chị Hạc nói.
Hệ thống trang trại nuôi heo rừng lai và heo đen theo kiểu bán tự nhiên của vợ chồng chị Hạc.
Để có thức ăn cho heo ăn hàng ngày, chị Hạc phải đi vớt lục bình, xin cây chuối, đầu mía, gốc măng tây ở địa phương và các vùng lân cận về xay cho heo ăn.
Đồng thời, chị sắm một chiếc xe máy cày để chồng chị đi vớt lục bình và chở về nhà cho thuận tiện, mua máy xay, máy băm và trang bị xe tải để đi gom đầu mía về cho heo ăn.
Ngoài thức ăn tươi là lục bình, đầu mía, chị Hạc lại tận dụng vụn bánh tráng, đầu cá, gốc măng tây để nấu cháo cho heo ăn.
Theo chị Hạc, trung bình mỗi con heo nái sẽ đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 8-10 con. Nuôi từ 10-12 tháng sẽ cho cân nặng từ 20-25kg/con. Heo nhà chị được xuất bán với giá từ 100-160 nghìn đồng/kg, tuỳ thời điểm nhưng vẫn không đủ cung cấp ra thị trường.
Từ công việc nuôi heo hữu cơ làm kinh tế, chị Hạc có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Hiện tại, vợ chồng chị Hạc sở hữu trang trại nuôi heo rộng 13.000m2 nuôi heo theo kiểu bán tự nhiên với gần 30 chuồng nuôi. Trong đó, có 20 con heo nái, 3 con heo đực giống, từ 70-80 con heo thịt và gần 100 con heo con.
Trung bình mỗi con heo nái sinh 2 lứa/năm, từ 8-10 con heo con/lứa. Mỗi năm 20 heo nái đẻ khoảng 320-350 con, ngoài nuôi lại ở trang trại, chị Hạc còn bán heo giống cho một số hộ gia đình với giá 600-750 nghìn đồng/con và hướng dẫn kỹ thuật nuôi heo hữu cơ cho từng hộ gia đình.
“Nếu mọi người nuôi đúng như mình hướng dẫn thì mình cũng sẽ bao tiêu cho họ luôn. Giá heo rừng lai và heo đen theo hướng hữu cơ luôn cao gấp đôi giá heo nuôi công nghiệp nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường”, chị Hạc nói.
Nhờ việc chủ động nguồn giống, tận dụng thức ăn có sẵn trong tự nhiên tại địa phương, mỗi năm gia đình chị Hạc có doanh thu khoảng trên 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, chị Hạc ước chừng lãi khoảng trên 300 triệu đồng/năm.
Hai vợ chồng chị Hạc từ bỏ công việc đúng chuyên ngành để cùng các con về quê làm nông nghiệp sạch.
Ngoài ra, trên diện tích đất gần 2ha xung quanh trang trại nuôi heo, chị Hạc còn trồng thêm 350 gốc mít nghệ, 150 cây dừa xiêm và 500 cây chuối sứ, vừa tạo bóng mát cho heo vừa chủ động nguồn thức ăn sạch cho heo. Đồng thời, chị còn nuôi thêm gà, vịt, bò theo hướng nông nghiệp sạch.
Thời gian tới, chị Hạc dự định sẽ xây dựng thêm một trang trại nuôi heo hữu cơ thứ 2 tại Hàm Thuận Bắc, trang trại hiện tại chỉ để sản xuất con giống nhằm phát triển kinh tế tại quê nhà.
Từ công việc bàn giấy ở thành phố, vợ chồng chị Hạc về quê nuôi heo, làm nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, điều chị cảm thấy vui nhất đó là có chồng bên cạnh, luôn động viên và hỗ trợ chị làm mọi việc.
“Trước đây, ông xã tôi làm kỹ sư xây dựng, thu nhập khoảng 60 triệu đồng/tháng nhưng anh vẫn quyết định cùng tôi về quê làm nông nghiệp sạch. Từ công việc văn phòng, giờ chuyển sang làm nông nghiệp, nuôi heo, tự đi lấy bèo, đi xin ngọn mía, gốc măng tây, cả ngày ở chuồng heo cũng cực lắm nhưng ông xã tôi không ngại khổ, việc gì anh cũng làm. Hàng ngày, tôi nhìn các con và người thân được sử dụng nguồn thức ăn sạch do chính mình làm ra thì bao mệt mỏi cũng tan biến hết”, chị Hạc nói.
Hồng Cảnh