“Bội thực” tài năng nếu không siết khâu xét tuyển

“Bội thực” tài năng nếu không siết khâu xét tuyển

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Mới đây, ngày 13/10, tại TP.HCM, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về chính sách đối với công chức có tài. Trong hội thảo, phó vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức, Lê Minh Hương đã trình bày dự thảo nghị định về phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ công chức có tài năng trong hoạt động công vụ.

Rất nhiều đãi ngộ

Dự thảo mới đưa ra quy định nhiều chế độ đãi ngộ khá hậu hĩnh đối với người có tài năng. Lẽ tất nhiên, người có tài là người phải được trọng dụng và có được những lợi thế hơn những người khác. Tuy nhiên, những ưu đãi dành cho tài năng Việt ngày một tịnh tiến cũng có thể trở thành một kẽ hở cho những tiêu cực nảy sinh nếu không siết chặt quy chế và những tiêu chí xét duyệt.

Xã hội - “Bội thực” tài năng nếu không siết khâu xét tuyển

Nếu không siết chặt tiêu chí xét duyệt, ưu đãi sẽ tạo kẽ hở cho chế độ chạy bằng cấp.

Theo dự thảo này, những người đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, tốt nghiệp đại học từ loại giỏi trở lên, đáp ứng được các yêu cầu vị trí việc làm được bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyển dụng thẳng vào công chức mà không cần qua thi tuyển. Những người được tuyển dụng thẳng như dự thảo quy định có thể có ngay lương khởi điểm từ bậc 1 đến bậc 3 của ngạch công chức đó. Ngoài ra, người được tuyển thẳng cũng có thể là người đang công tác ở khu vực ngoài Nhà nước hoặc viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập có kinh nghiệm từ năm năm trở lên.

Tuy nhiên, trong quá trình công tác, họ phải đạt nhiều thành tích trong công tác, được cơ quan quản lý đánh giá về năng lực và được người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức tiến cử, giới thiệu. Ngoài phần lương được hưởng theo bậc được coi là hậu hĩnh, người được tuyển thẳng còn được hưởng phụ cấp theo mức đãi ngộ bằng 100% tính trên mức lương tối thiểu, được xét nâng lương vượt bậc từ 2, đến 3 bậc nếu như đạt thành tích đặc biệt và được hưởng phụ cấp về phương tiện đi lại.

Điều đặc biệt đáng chú ý ở dự thảo là quy định nhân tài được ưu tiên mua nhà, ưu tiên giải quyết việc làm cho vợ hoặc chồng, con để ổn định cuộc sống. Đây được coi là một sự đãi ngộ để trọng dụng nhân tài cho đất nước. Khi có được những ưu thế vượt trội từ những học hàm học vị cao hơn, con người ta sẽ có thêm nhiều động lực để phấn đấu đạt được những vị trí mà xã hội trọng dụng.

Khó khả thi nếu không rõ ràng

Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ông Phúc cho rằng: Đây là một chính sách đúng đắn nhằm tạo động lực cho công chức mới và giúp quá trình đào tạo học tập trở nên nghiêm túc hơn. Khi có một mục tiêu rõ ràng, công khai thì các học sinh, học viên sẽ càng có thêm động lực để phấn đấu. Theo ông Phúc, chế độ ưu đãi cho công chức ví dụ như chuyện được mua nhà với giá rẻ hơn giá thị trường đã từng có từ Pháp lệnh Cán bộ công chức năm 1998. Quyền của người công chức là được Nhà nước tạo điều kiện tốt nhất để phục vụ cho công tác, phục vụ đất nước. Dự thảo lần này với những chế độ ưu đãi như vậy cũng là kế thừa từ pháp lệnh đó.

Tuy nhiên, theo nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, trên thực tế, thông qua các cuộc thi, các kỳ xét tuyển đã từng có nhiều trường hợp không làm theo đúng các chuẩn mực, quy định và nảy sinh tiêu cực. Do đó, dư luận xã hội có những băn khoăn về vấn đề nảy sinh chuyện chạy bằng là điều đương nhiên. Chúng ta phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng này chứ không nên phủ đầu tất cả. Nhiều người thực sự có tinh thần cầu thị, khi được đào tạo sẽ học tập rất nghiêm chỉnh để trở thành lực lượng lao động có chất lượng cao. Họ là những người có khả năng thực thụ và có cống hiến cho xã hội. Nếu những người như vậy mà không được đãi ngộ thì quả là một thiệt thòi cho họ.

Ông Thang Văn Phúc cũng cho biết thêm, cần một hội đồng có trách nhiệm khách quan để thẩm định tiêu chí xét công chức có tài. Làm sao để có được những quy định nhằm kiểm soát một cách chặt chẽ tiêu chí xét duyệt và quá trình xét duyệt một cách rõ ràng. Còn nếu như chưa làm đã sợ sai, sợ tiêu cực thì sẽ không ai làm được cái gì cả. "Tôi nghĩ rằng, với một chính sách mới như dự thảo thì các cơ quan có thẩm quyền trách nhiệm phải tính đến những trường hợp tiêu cực phát sinh trong quá trình xét duyệt, tuyển thẳng công chức để có biện pháp khắc phục", ông Phúc nhấn mạnh.

Cũng về vấn đề này, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với phó vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ), bà Lê Minh Hương. Bà Hương cho biết, đây mới là dự thảo lần đầu và còn rất nhiều điều chưa thực sự ưng ý. Ngay như vấn đề ưu tiên cho công chức được mua nhà cũng chỉ là một phần rất nhỏ của dự thảo. Bản thân bà Hương cũng cho rằng, điều đó rất khó khả thi vì nó liên quan đến nhiều vấn đề khác.

Vị phó vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức chia sẻ, bà cũng chỉ là một công chức. Với lương tâm trách nhiệm của mình, bà Hương cũng mong muốn có thể làm một điều gì đó để giảm gánh nặng đời sống khó khăn của công chức Việt Nam hiện nay. Điều này giúp họ yên tâm công tác và cống hiến cho xã hội được nhiều hơn. Nhiều người khi đã đậu công chức Nhà nước muốn cống hiến nhưng lại chịu rất nhiều áp lực từ đời sống gia đình. Bởi thế, họ khó lòng nghĩ đến xã hội nếu như việc nhà chưa yên, khó khăn chồng chất.

Nhiều người cho rằng, việc đánh giá chất lượng đầu ra của các trường đại học là vấn đề nổi cộm từ lâu nhưngvẫn chưa có một hướng đi đúng đắn, tạo công bằng nhất trong xã hội. Dự thảo lần này thực sự như một sự cảnh tỉnh đối với Bộ GD&ĐT. Nếu Bộ GD&ĐT làm được việc kiểm soát đầu ra và chất lượng đào tạo một cách thực chuẩn thì không có lý gì chúng ta không đãi ngộ cho những công chức tài năng của đất nước.

Tạo kẽ hở cho "bệnh" con ông cháu cha bùng phát?

Bà Hương cũng cho biết thêm: Một điều mà Bộ Nội vụ chưa yên tâm là việc đề ra các tiêu chí. Nếu không nghiên cứu kỹ và có tiêu chí cụ thể rõ ràng, thắt chặt về mặt chất lượng thì sẽ rất dễ tạo kẽ hở cho nhà tuyển dụng đưa người vào theo kiểu "chạy bằng". Thậm chí, họ cố nhét con ông cháu cha vào làm việc trong cơ quan mình mà không quan tâm đến vấn đề bằng thật hay giả. Như thế là đi ngược lại với những mục tiêu tốt đẹp của chế độ ưu đãi với công chức có tài như trong dự thảo của chúng tôi. Dự thảo lần này nhằm đến mục đích cuối cùng là đãi ngộ đúng đắn cho những công chức có tài năng. Để có thể khả thi và đi vào cuộc sống một cách đúng như mục đích tốt đẹp mà dự thảo hướng đến thì còn cần rất nhiều đóng góp ý kiến của các bộ ban ngành cũng như toàn xã hội.

Dương Thu - Phạm Hạnh