Các hãng xe công nghệ có đang "trốn" đóng bảo hiểm xã hội?

Các hãng xe công nghệ có đang "trốn" đóng bảo hiểm xã hội?

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 2, 30/05/2022 07:00

Là nhóm lao động yếu thế, có xu hướng trẻ hóa nhưng lại không được đảm bảo những quyền lợi an sinh, cơ bản theo quy định của pháp luật.

Ngày (5/5), Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa có khuyến nghị tăng cường tiếp cận và tham gia các chương trình an sinh xã hội của tài xế xe công nghệ gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH).

Theo đó, TLĐLĐ chỉ ra rằng cần đánh giá thực trạng việc làm, điều kiện làm việc, an sinh xã hội, quản lý nhà nước về lao động tại các công ty đang cung cấp dịch vụ nền tảng, ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử - lái xe công nghệ (Grap, Be, Beamin, Go Việt, Aha…) để hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội ở nước ta, nhất là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trước vấn đề này, Người Đưa tin đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh, Đoàn Luật sư Hà Nội, Trưởng phòng Văn phòng Luật sư Vạn Bảo để có những thông tin rõ hơn về quy định pháp luật hiện nay.

Người Đưa tin (NĐT): Thưa Luật sư, tại sao các công ty dịch vụ nền tảng công nghệ có thể sử dụng những các Bản cam kết, Hợp đồng hợp tác kinh doanh thay vì Hợp đồng lao động ?

Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh: Thực tế hiện nay, đây là một vấn đề chưa có quan điểm thống nhất về cách hiểu. Việc giữa các hãng xe công nghệ và người lao động chỉ có những Bản cam kết, Hợp đồng hợp tác có một số quan điểm cho rằng mối quan hệ giữa lái xe công nghệ và chủ doanh nghiệp không phải là quan hệ lao động.

Bởi lẽ, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động”.

Như vậy, có thể thấy theo cách lý giải này, các lái xe công nghệ không được trả lương bởi chủ doanh nghiệp mà khách hàng sử dụng dịch vụ mới là người trả lương cho lái xe công nghệ.

Ngoài ra, các lái xe cũng không bị gò bó về thời gian làm việc mà linh hoạt tùy theo khả năng nhu cầu, có lái xe chạy 12-15 giờ/ngày, có lái xe chạy 5-6 giờ/ngày,....

Mặt khác, các doanh nghiệp hiện nay đa phần không phải công ty vận tải mà là đơn vị khởi tạo ra các phần mềm nhằm quản lý, điều phối để kết nối khách hàng với các lái xe công nghệ.

Chính sách - Các hãng xe công nghệ có đang 'trốn' đóng bảo hiểm xã hội?

Lái xe công nghệ không được hưởng các chế độ như ngành nghề khác

NĐT: Theo bà, việc áp các quy định như khóa App, đặt KPI, điểm thưởng có phản ánh đây là mối quan hệ lao động?

Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh: Việc xử phạt, khóa App hay có KPI không mang yếu tố quan hệ lao động mà là một trong các phương pháp để doanh nghiệp dùng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Điều này căn cứ vào việc, khi có các phản hồi của khách hàng họ sẽ là đơn vị tiếp nhận và giải quyết, chính vì vậy họ sẽ là bên đưa ra các chính sách, quyết định giá cước từng thời điểm.

Theo đó, chỉ cần các lái xe công nghệ đáp ứng được các điều kiện của doanh nghiệp thì hai bên sẽ ký hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc bản cam kết ghi nhận sư thỏa thuận giữa các bên.

Tuy nhiên, hợp đồng hợp tác này đã được các chủ doanh nghiệp soạn thảo sẵn, các lái xe công nghệ không được thay đổi bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng, đây là sự bất bình đẳng trong quan hệ hợp đồng dân sự.

NĐT: Đối với những lao động không có HĐLĐ được quy định như thế nào, thưa Luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh: Căn cứ Khoản 6 Điều 3 của Bộ luật Lao động 2019: “Người làm việc không có quan hệ lao động là người làm việc không trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động”.

Cũng tại Khoản 1 Điều 13 của bộ Luật này, quy định về trường hợp hai bên sử dụng một tên gọi khác cho các thỏa thuận nhưng nội dung có thể hiện việc làm có “trả công, tiền lương, quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động”.

Việc chủ doanh nghiệp vận hành, quản lý và điều phối các lái xe công nghệ để hoàn thành các hành trình di chuyển của mình đều có gắn định vị, báo cáo hành trình, đây đều là mục đích giám sát của một bên là chủ doanh nghiệp đối với bên còn lại là các lái xe.

Đối với việc trả công, tiền lương thì các doanh nghiệp cũng tính tiền công cho lái xe công nghệ dựa vào số lượt hành trình trong ngày, số phút di chuyển, quãng đường di chuyển và thời điểm di chuyển, từ đó làm căn cứ xác định giá cước theo từng thời điểm trong ngày.

Giá cước này có thể được khách hàng thanh toán qua thẻ hoặc thanh toán trực tiếp cho lái xe, tuy nhiên giá cước sẽ bị doanh nghiệp trích lại một phần sau đó mới thanh toán lại cho các lái xe công nghệ.

Bộ luật Lao động 2019 cũng thể hiện rõ quan điểm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người làm việc không có quan hệ lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho họ có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Chính sách - Các hãng xe công nghệ có đang 'trốn' đóng bảo hiểm xã hội? (Hình 2).

Cần có những chính sách phù hợp bảo vệ người lao động

NĐT: Vậy theo Luật sư, các lái xe công nghệ không có hợp đồng lao động sẽ có những hệ lụy gì?

Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh: Như đã phân tích ở trên, do còn có sự khác biệt trong cách áp dụng pháp luật nên các doanh nghiệp sẽ lựa chọn quan điểm có lợi hơn, đó là sử dụng các hợp đồng hợp tác, bản cam kết nhằm đơn giản hóa bộ máy vận hành quản lý.

Việc thường xuyên phải tuyển dụng nhân sự, ký kết các hợp đồng lao động và trích nộp các khoản BHXH, BHYT, BHTN,..sẽ tiêu tốn một khoản tiền lớn của các doanh nghiệp hàng tháng.

Có thể thấy, khi không được ký kết hợp đồng lao động các lái xe công nghệ sẽ gặp rất nhiều thiệt thòi như không được tham gia đóng các loại bảo hiểm theo quy định pháp luật dẫn đến việc họ không được hưởng các chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản, tử tuất, trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, họ không được tính tiền tăng ca và thêm giờ hoặc các phụ cấp khác; không được tham gia Công đoàn - một trong những tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Đặc biệt trong trường hợp xảy ra va chạm giao thông cũng không được hưởng quyền lợi về tai nạn trong quá trình lao động trong khi nghề lái xe luôn ẩn chứa rất nhiều rủi ro.

Hiện nay, đã có doanh nghiệp mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho lái xe công nghệ, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp thực hiện việc này còn quá ít.

Chính sách - Các hãng xe công nghệ có đang 'trốn' đóng bảo hiểm xã hội? (Hình 3).

Chưa có những quy định cụ thể cho mối quan hệ lao động mới này

NĐT: Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư có những giải pháp gì để bảo vệ người lao động?

Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh: Một trong số những giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng này là ban hành hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn đối với trường hợp lái xe công nghệ và chủ doanh nghiệp để từ đó xây dựng hành lang pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt đông của các hiệp hội vận tải nói chung, và đặc biệt là các hội nhóm liên quan đến lái xe công nghệ. Để từ đó tạo môi trường hoạt động tập thể thường xuyên của các lái xe, là nơi lắng nghe nguyện vọng, giải đáp các thắc mắc và đề xuất những giải pháp tích cực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các lái xe công nghệ.

Ngoài ra, cần đưa các nhóm lái xe công nghệ vào diện đóng BHXH bắt buộc để họ được hưởng các phúc lợi xã hội như những ngành nghề khác.

Còn đối với các lái xe công nghệ, trong thời điểm chưa có những quy định chi tiết về vấn đề này, bản thân các lái xe nên tham gia mua BHXH tự nguyện. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập hàng tháng do người lao động lựa chọn.

NĐT: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.