Cần Thơ: Ê-kíp bác sĩ cứu sống bệnh nhân Covid-19 nguy kịch

Cần Thơ: Ê-kíp bác sĩ cứu sống bệnh nhân Covid-19 nguy kịch

Bùi Ngọc Điệp

Bùi Ngọc Điệp

Thứ 3, 19/10/2021 18:40

Một bệnh nhân Covid-19 với hội chứng nguy kịch hô hấp cần hỗ trợ oxy qua màng ngoài cơ thể, giảm tiểu cầu do Heparin vừa được ê-kíp bác sĩ cứu sống.

Đây là ca bệnh can thiệp ECMO (hỗ trợ oxy qua màng ngoài cơ thể) thứ 6, được thực hiện tại Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị Covid-19 (đặt tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ).

Một tháng miệt mài cứu bệnh nhân Covid-19

Chiều ngày 19/10, Bs.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Trung tâm Hồi sức quốc gia điều trị Covid-19 của bệnh viện đã cứu sống nam bệnh nhân N.Đ.A, 34 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp bị nhiễm SARS-CoV-2.

Trước đó, lúc 19h40 ngày 23/9, bệnh nhân A. được tuyến trước chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị Covid-19 cấp cứu trong tình trạng hôn mê.

Thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân A. đã nhiễm Covid-19 vào ngày thứ 5. Bệnh nhân khó thở nặng, phổi tổn thương lan tỏa và đông đặc hai bên phế trường, phải hỗ trợ can thiệp thở máy thông số bảo vệ phổi nhưng vẫn không đảm bảo độ bão hòa oxy máu cho bệnh nhân.

Trước tình trạng sức khỏe nguy kịch, ê-kíp trực tiến hành hội chẩn thống nhất chẩn đoán: Viêm phổi nặng biến chứng ARDS do nhiễm Covid-19 mức độ nguy kịch với tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong đột ngột bất cứ lúc nào.

Bệnh nhân có chỉ định can thiệp ECMO. Ê-kíp y bác sĩ của trung tâm đã tiến hành can thiệp lọc máu liên tục và can thiệp ECMO để cứu sống bệnh nhân.

Sức khỏe - Cần Thơ: Ê-kíp bác sĩ cứu sống bệnh nhân Covid-19 nguy kịch

Sức khỏe bệnh nhân ổn định, ngưng ECMO.

Suốt gần 1 tháng can thiệp ECMO, tình trạng bệnh nhân diễn tiến bất lợi liên tục, độ bão hòa oxy máu kém, tiểu cầu giảm thấp kèm với tình trạng tăng đông liên tục làm tăng nguy cơ đột tử cho bệnh nhân và khiến quá trình duy trì kĩ thuật ECMO cho bệnh nhân trở nên vô cùng khó khăn.

Ê-kíp bác sĩ đã phải thay đến 3 màng oxy hóa máu để duy trì hiệu quả tối ưu cho bệnh nhân. Nhận định đây là trường hợp bệnh lý phức tạp, Trung tâm Hồi sức Covid-19 bệnh viện đã tiến hành hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM).

Được sự hỗ trợ tích cực từ Bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng tăng đông của bệnh nhân nhanh chóng được khống chế và giúp hệ thống ECMO hoạt động thuận lợi hơn, góp phần vào việc tăng tỷ lệ sống còn cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, trong suốt thời gian dài chạy ECMO, các y, bác sĩ đã luôn túc trực ngày đêm để vận hành các thiết bị hồi sức tiên tiến có tại trung tâm, cũng như các phương pháp hồi sức nội khoa tích cực cho bệnh nhân theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Tỉ mỉ từng thao tác cứu bệnh nhân Covid-19

Sự quyết tâm của các y, bác sĩ thể hiện trong từng thao tác tỉ mỉ chăm sóc và định hướng điều trị cho bệnh nhân, bởi vì chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân ngay lập tức.

Đáp lại sự tin tưởng tuyệt đối của gia đình bệnh nhân dành cho y, bác sĩ cũng như những nỗ lực với quyết tâm điều trị của trung tâm trong suốt thời gian dài hồi sức tích cực, đến thời điểm hiện tại (ngày 19/10), bệnh nhân tỉnh táo, hiểu y lệnh của bác sĩ, rút hệ thống ECMO và ống trợ thở thành công, sinh hiệu ổn định, độ bão hòa oxy máu trong giới hạn bình thường.

Theo Bs.CK2 Dương Thiện Phước, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc bệnh viện, đây là trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi nhiễm Covid-19 mức độ nguy kịch ngay từ thời điểm nhận bệnh ban đầu từ tuyến trước.

Trong suốt quá trình vận hành các kỹ thuật cao để hồi sức cho bệnh nhân cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến bệnh nhân mắc hội chứng giảm tiểu cầu do Heparin (Heparin-induced thrombocytopenia - HIT).

Đây là hội chứng ít gặp có liên quan đến việc sử dụng thuốc kháng đông truyền thống - Heparin để duy trì hệ thống ECMO có thể có liên quan đến yếu tố miễn dịch cơ thể. Theo các báo cáo y khoa, tỷ lệ mắc hội chứng này ở người trưởng thành có can thiệp ECMO là 0,36%.

Sức khỏe - Cần Thơ: Ê-kíp bác sĩ cứu sống bệnh nhân Covid-19 nguy kịch (Hình 2).

Sau gần 1 tháng điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Bệnh cạnh lâm sàng của giảm tiểu cầu do Heparin cũng rất đa dạng, từ không có triệu chứng đến huyết khối đe dọa tính mạng. Việc ngưng sử dụng Heparin ngay lập tức và chuyển sang thuốc khác là xử trí cấp tốc trong trường hợp này.

Hỗ trợ oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) có thể cứu sống những bệnh nhân Covid-19 bị bệnh nặng. Tuy nhiên, có nhiều biến chứng liên quan đến thủ thuật này, bao gồm giảm tiểu cầu do Heparin. Mặc dù hiếm gặp trong các trường hợp ECMO, Heparin có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Theo BS Phạm Thanh Phong, việc cứu sống bệnh nhân Covid-19 nêu trên không chỉ là niềm vui của gia đình, mà còn là niềm vui của cả ê-kíp bác sĩ, của bệnh viện.

Cứu được bệnh nhân, ê-kíp tự tin sẽ cứu chữa được cho những bệnh nhân tiếp theo và đặc biệt hiệu quả nâng cao chất lượng khám và điều trị các ca bệnh khó, phức tạp ngay tại bệnh viện thông qua hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thanh Lâm

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.