Ngọc Huyền – cổ tích nàng Phi Giao trên xứ lạ quê người
Ngọc Huyền tên khai sinh là Vũ Hà Ngọc Huyền, sinh năm 1970 và lớn lên ở Sài Gòn trong một gia đình cơ bản không theo thiên hướng nghệ thuật.
Từ nhỏ Ngọc Huyền may mắn được theo mẹ đến khắp các rạp hát trong thành phố, coi riết mà thành thân quen với các nghệ sĩ Bạch Mai, Kiều Minh Trang, Ngọc Hương, Mộng Lành...
Để rồi tự khi nào, bé Ngọc Huyền mới 3 tuổi đã thuộc luôn những vở tuồng bất hủ và "khó khằn" như: Nửa đời hương phấn, Tiếng trống Mê Linh.
Năm Ngọc Huyền 8 tuổi, cô Bạch Mai, Kiều Minh Trang khuyên mẹ Ngọc Huyền cho cô làm đệ tử thầy Út Trong.
Huyền mới 12 tuổi, thầy Út Trong thấy có triển vọng liền bảo Huyền rèn luyện để năm sau thi vào khóa đào tạo diễn viên của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Y lời thầy chỉ bảo, năm 13 tuổi, Ngọc Huyền tham dự khóa thi của nhà hát cải lương, mới hát câu đầu còn chưa vào trường vọng cổ, NSND Phùng Há ra hiệu dừng lại và nói: "Thôi được rồi, đủ điểm đậu rồi con!".
Năm đó, Ngọc Huyền đứng thứ 6 trong 40 thí sinh được chọn, trở thành bạn đồng môn của NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Kim Tử Long, Tô Châu,... được học bài bản với những người thầy dày dạn kinh nghiệm như NSND Phùng Há, nghệ sĩ Kim Cúc, NSƯT Hoàng Ba, NSƯT Tấn Đạt,...
Là cô đào trẻ nhất trong đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, nhưng Ngọc Huyền may mắn được các thầy giỏi uốn nắn.
Nghệ sĩ Bạch Mai dạy ca, vũ đạo, diễn xuất; "sư phụ" Kiều Minh Trang dạy cách diễn tuồng xã hội, cách ca sâu lắng, cách nhấn nhá đài từ sao cho "ngọt".
Nghệ sĩ Thanh Bạch (anh rể NSƯT Thành Lộc) trực tiếp uốn nắn Ngọc Huyền trong buổi đầu tập dượt những động tác khó của bộ môn cải lương tuồng cổ.
Vai chính đầu tiên của Ngọc Huyền là trong vở Tấm Cám khi mới 14 tuổi, nhưng lúc đó cô chỉ đóng thử vai, 18 tuổi mới chính thức là đào chính trong vở Lưu Kim Đính (đóng chung với Tiểu Linh).
Đặc biệt Ngọc Huyền thích nhất vai diễn nào do cô tự khai phá, không phải theo khuôn mẫu.
Cô nhớ năm 17 tuổi, khi nhận vai Tố Mai, một nữ tướng theo hầu vua trong vở tuồng Bí mật thành Cổ Loa.
Chỉ là đào ba và đóng có hai cảnh, nhưng mỗi lần Tố Mai xuất hiện khán giả vỗ tay rần rần, báo chí lúc đó khen ngợi Ngọc Huyền như phát hiện thú vị.
Từ đó, Ngọc Huyền nhận ra chinh phục vai diễn mới dù vất vả nhiều nhưng là chìa khóa mở cửa con đường thành công của một người nghệ sĩ trưởng thành.
Năm 1985, Ngọc Huyền hát trên sân khấu Thanh Nga với vở tuồng đầu tiên là Những đêm trăn trở.
Từ 1985 đến năm 1989, Ngọc Huyền được học cách hát tuồng Tàu qua các vở tuồng kinh điển.
Sau khi gia nhập đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, cô được các nghệ sĩ đào tạo hát Hồ Quảng, rồi tiếp tục được các nghệ sĩ có tiếng khác trong lĩnh vực đào tạo.
Cô diễn thành công nhiều loại tuồng, từ tuồng cổ, Hồ Quảng đến các vở ca kịch xã hội hiện đại.
Ham khám phá học hỏi, tìm tòi cái mới nên Ngọc Huyền nhanh chóng trở thành "con cưng" của sân khấu cải lương với hàng loạt vai chính trong các vở Khoai lang Dương Ngọc, Bùi Thị Xuân, Về đất Kinh Châu, Mạnh Lệ Quân, Mặt trời đêm thế kỷ, Gánh cải trạng nguyên, Hoa Mộc Lan...
Cuối thập niên 80, bằng tài năng thiên bẩm và sự chuyên tu cần mẫn, Ngọc Huyền đoạt huy chương vàng Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc với vai Ngọc Hân công chúa trong vở Mặt trời đêm thế kỷ.
Cuối năm 1989 đầu năm 1990, nghệ sĩ Bạch Mai đích thân chắp bút viết tuồng Xử án Phi Giao "đo ni đóng giày" cho Ngọc Huyền.
Năm 1990, Ngọc Huyền đoạt huy chương vàng hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.
Liên tiếp sau đó, cô giành giải Diễn viên được ưa thích nhất qua các năm 1991, 1992 và 1993 và giải Mai vàng trong 4 năm 1995, 1996, 1997 và 2002.
Rồi để đến nay, với những khán giả từng xem vở diễn, khó mà quên được nàng Phi Giao - từ cái liếc mắt sắc như dao cho đến sự nhấn nhá lời thoại, vũ đạo chuẩn xác, từng nét tâm lý nhân vật.
Xử án Phi Giao tạo được tiếng vang diễn suốt cả năm ròng và nàng Phi Giao được xem là vai diễn để đời của nghệ sĩ Ngọc Huyền.
Từ vai diễn này, cô được mệnh danh là "công chúa của bộ môn cải lương tuồng cổ".
NSƯT Kim Tử Long – "Chàng hoàng tử" hết lòng với sân khấu cải lương
NSƯT Kim Tử Long, tên thật là Hoàng Kim Long sinh năm 1966 tại Sài Gòn trong một gia đình có 4 anh chị em.
Từ lúc còn rất nhỏ, anh được gia đình gửi vào học tại học viện nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Tại đây, nam nghệ sĩ may mắn được học hỏi từ nhiều bậc tiền bối là những ngôi sao đứng đầu ngành sân khấu lúc bấy giờ như: Hoàng Ba, Kim Cúc, Tấn Đạt, …
Trong suốt sự nghiệp làm nghệ thuật của mình, Kim Tử Long ghi dấu ấn với khán giả qua các vở diễn: Y Ban và nàng tiên, Người đẹp bến Tiền Châu, Nàng tiên Mẫu Đơn, Phụng Nghi Đình, Sống trong tình thương, Dự Nhượng đả long bào, Mã Siêu báo phụ thù,…
Về giải thưởng, nghệ sĩ Kim Tử Long từng đoạt giải Đôi diễn viên được yêu thích nhất năm 1994 (cùng với nghệ sĩ Ngọc Huyền), Huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995, Gương mặt nghệ sĩ tài hoa năm 2000, giải Mai Vàng 2003…
Nghiệp diễn thành công là vậy, nhưng đường tình duyên của Kim Tử Long lại khiến anh đau khổ. Anh đã phải lênh đênh với 3 "lần đò".
Anh và người vợ đầu tiên chia tay khi đang ở đỉnh cao của nghiệp diễn. Sau lần vấp ngã ấy, Kim Tử Long mến mộ và cưới Cẩm Tú, em gái của cầu thủ Hồng Sơn. Tuy nhiên, sau 12 năm chung sống 2 người lại đường ai nấy đi.
Anh cho biết, nguyên nhân tan vỡ của 2 cuộc hôn nhân này đều xuất phát từ nghiệp diễn. "Cuộc sống vợ chồng mà không được gần nhau sẽ xảy ra mâu thuẫn. Tôi cho đó là ý trời. Khi còn duyên, mình sống với nhau, hết rồi thì đường ai nấy đi. Mình có thể trở thành bạn bè của nhau, vẫn hỏi han, giúp đỡ khi cần. Đối với tôi, mọi thứ đều rất đơn giản", nam nghệ sĩ chia sẻ.
Sau hai lần đổ vỡ hôn nhân, mãi sau anh mới tìm được hạnh phúc bên người đồng nghiệp, nghệ sĩ Trinh Trinh. Vì những đổ vỡ lần trước nên khi đến với nhau, cả hai quyết định chỉ đăng ký kết hôn mà không tổ chức đám cưới.
Anh cho biết: "Hạnh phúc là khi cả hai tôn trọng và thấu hiểu nhau. Tôi may mắn gặp được Trinh. Hạnh phúc không có nghĩa là lúc nào 2 người cũng kè kè bên nhau hoặc phải sống chung, phải đi chơi nhiều. Hạnh phúc chính là dù ở xa nhau nhưng hai trái tim vẫn cùng nhịp đập".
Là nghệ sĩ hiếm hoi luôn trăn trở với nghề, nghệ sĩ Kim Tử Long luôn cố gắng hết mình để cống hiến và phục dựng nền nghệ thuật cải lương, tuồng cổ.
Chia sẻ với báo Thanh niên, Kim Tử Long cho hay: "Tình yêu nghệ thuật vẫn "cháy" trong tôi suốt bao nhiêu năm qua. Nếu lỡ rủi sức khỏe đến lúc nào đó không đảm bảo cho việc hát được nữa thì tôi sẽ lui về phía sau làm đạo diễn hay tổ chức chương trình chứ quyết không bỏ nghề".
Ở tuổi 52, nam nghệ sĩ liên tục nhận show diễn ở khắp các tỉnh thành trong và ngoài nước.
Anh cũng có công ty giải trí riêng, sản xuất chương trình về vọng cổ để thu hút các nghệ sĩ trẻ có niềm đam mê với nghề.
Ngọc Huyền – Kim Tử Long: Chuyện tình có thật trong giới cải lương tuồng cổ
"Điều bí ẩn mà tôi muốn chia sẻ ngày hôm nay. Đó là, nếu có lời thề trước bàn thờ tổ thì xin cho tôi được đổi lại, rằng tôi vẫn muốn được yêu anh Kim Tử Long" – Nữ nghệ sĩ cải lương thừa nhận chị và Kim Tử Long yêu nhau rất nhiều nhưng quyết định không tiến xa hơn để giữ tình tri kỷ, tình yêu đẹp trên sân khấu.
Thanh mai trúc mã từ nhỏ, cùng nhìn nhau trưởng thành ở lò dạy thanh nhạc của thầy Út Trâm, sau đó là ở trường Trần Hữu Trang, duyên phận từ nhỏ, Kim Tử Long và Ngọc Huyền gắn bó qua các đoàn hát và vai diễn trên sân khấu.
Tình cảm giữa hai người cứ thế nhen nhóm cho đến một ngày Kim Tử Long dũng cảm thừa nhận yêu thầm cô bạn bé nhỏ ngày nào nhưng chẳng dám ngỏ lời.
Trắc trở thay, tình cảm đó mãi chỉ ở một phía của chàng trai, bởi cô gái chỉ muốn giữ mối tình trên sân khấu đó đẹp mãi nên đã chủ động tạo khoảng cách, giữ cho nhau một ranh giới. Để đến hiện tại, mỗi người đã tìm thấy cho mình một bến đỗ hạnh phúc riêng sau những lần dang dở.
Ngọc Huyền giãi bày trên Zing.vn: "Có thể nói tình yêu giữa tôi và anh Long không thành là do tôi. Tôi sợ kép hát đào hoa, sợ sự đổ vỡ. Tính tôi lại ghen nhiều nên chứng kiến anh được các cô gái khác hâm mộ, vây quanh khiến tôi không chịu được. Vì vậy tôi yêu anh Long nhiều lắm nhưng quyết định chỉ dừng lại là anh em. Bây giờ, anh em chúng tôi ôm nhau là cái ôm nồng nàn, không còn ranh giới".
"Tôi và anh ấy đều gọi bố mẹ của nhau là bố mẹ. Con của anh Long gọi tôi là mẹ Huyền. Anh Long thương tôi như một người em. Khi anh có chuyện vui buồn gì trong cuộc sống đều chia sẻ với tôi. Tôi đến được với ông xã cũng nhờ anh Long se duyên mai mối. "Bây giờ, anh em chúng tôi ôm nhau là cái ôm nồng nàn, không còn ranh giới", Ngọc Huyền nghẹn ngào về một thời đã qua.
Đến 2017, sau khi Ngọc Huyền được cấp phép biểu diễn trong nước, Kim Tử Long quyết định tự bỏ tiền túi để tổ chức vở diễn Xử án Phi Giao cho Ngọc Huyền, đánh dấu việc về nước biểu diễn sau 15 năm sống ở Mỹ như một lời tri ân, một món quà gửi tặng cố nhân sau những khúc đoạn trầm luân của tình ái.
Hiện tại, Ngọc Huyền và Kim Tử Long đều có hạnh phúc riêng nhưng họ vẫn dành cho nhau một thứ tình cảm đặc biệt: Đó chính là tình nghệ thuật.
Minh Anh