1. Cùng con cái tập thể dục
Có một người cha sống ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc thấy con mình lười biếng, thừa cân nên quyết định cùng con chạy bộ vào buổi sáng. Sau 8 tháng kiên trì, cậu bé giảm được 17kg, tinh thần trở nên vui vẻ, tự tin, hiệu quả học tập cũng được cải thiện đáng kể.
Khi cường độ vận động tăng lên, trạng thái tinh thần của trẻ em sẽ được cải thiện rất nhiều. Tập thể dục có thể thay đổi bộ não của trẻ em.
Đặc biệt hiện nay trẻ em chịu nhiều áp lực học tập, thiếu vận động thể chất, sự đồng hành, hướng dẫn và nuôi dưỡng thói quen vận động của cha mẹ là nguồn dinh dưỡng tích cực nhất đối với con cái.
Chỉ cần cha mẹ làm gương, cùng con vận động hay tham gia các thử thách như bơi lội, leo núi, cơ thể trẻ được kích thích, tâm trạng ngày càng ổn định hơn, trẻ sẽ tự nhiên ít căng thẳng, lo lắng hơn.
2. Đọc sách cùng con
Nhiều sinh viên hàng đầu của Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc khi nói về “bí quyết đạt điểm cao” đều đề cập đến thói quen đọc sách.
Fan Wen, người đạt điểm cao nhất trong Kỳ thi tuyển sinh đại học Giang Tô năm 2019, cũng đã trở thành học sinh đứng đầu theo cách này.
Lúc đầu, học lực của cô chỉ ở mức trung bình, khi học năm thứ ba trung học, giáo viên tiếng Trung đề nghị cô đọc và viết nhiều hơn để cải thiện tình học tập. Cô bắt đầu tới thư viện để đọc sách. Sau một thời gian, cô nhận thấy việc đọc và học kiến thức rất thú vị nên ngày càng khắt khe hơn với bản thân.
Dù mục đích ban đầu không phải để kiếm điểm cao nhưng nhờ có việc đọc sách và tích lũy mà điểm số của cô dần cải thiện.
Sách có thể giúp trẻ hiểu rõ hơn về bản thân và những điều chưa biết về thế giới. Trẻ có thể dựa trên kinh nghiệm của người khác để tránh đi đường vòng không cần thiết. Đồng thời, đọc sách cũng là kênh tốt nhất để rèn luyện khả năng toàn diện và nâng cao thành tích, phẩm chất cá nhân của trẻ.
3. Để trẻ tình nguyện giúp đỡ người khác
Có một người mẹ chợt nảy ra ý định đưa con trai đi đăng ký tham gia đội tình nguyện trẻ em ở địa phương vào mùa hè. Công việc rất đơn giản, đó là đến viện dưỡng lão trò chuyện với người già, giúp họ dọn dẹp và nhổ cỏ trong vườn.
Sau đợt tình nguyện này, người mẹ thấy con trai mình thay đổi đáng kể, biết giúp đỡ và quan tâm tới mọi người nhiều hơn.
Ngày nay, nhiều trẻ em có điều kiện sống tốt, khó có đủ sự đồng cảm với những người nghèo khổ. Việc trở thành một tình nguyện viên, có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài sẽ khiến trẻ cảm nhận được khía cạnh thực tế hơn của đời sống xã hội.
Khi tầm nhìn được mở rộng, trẻ sẽ không còn bận tâm tới những khó khăn và vấn đề nhỏ nhặt của mình nữa.
4. Đưa con đi tham quan bảo tàng
Một số bậc cha mẹ có thể cảm thấy rằng, việc tham quan các viện bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật không thú vị và những đồ vật được trưng bày ở quá xa tầm tay của con họ.
Tuy nhiên, khi thực sự bước vào, trẻ sẽ cảm nhận không khí lịch sử và nghệ thuật.
Wang Xudong, người phụ trách Bảo tàng Cố cung Trung Quốc cho biết: "Bảo tàng giống như một ngôi trường lớn, mỗi bộ sưu tập bên trong là một người thầy thầm lặng".
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc thường xuyên đến thăm các viện bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật trong thời thơ ấu sẽ giúp nuôi dưỡng trẻ trở thành một người yêu thích việc học tập suốt đời.
Các hiện vật trưng bày trong bảo tàng liên quan đến nguồn gốc của nền văn minh và lịch sử nhân loại. Ngay cả khi bọn trẻ chỉ đứng trước những khung cửa kính dày và ngắm nhìn các vật trưng bày, chúng cũng có thể vô thức tò mò về những câu chuyện đằng sau.
“Tại sao nó được gọi là tên này? cái này để làm gì? Nó có tác động gì đến thời đại đó?”. Những câu hỏi hiện lên trong đầu sẽ kích thích trọn vẹn niềm khao khát khám phá của trẻ và thúc đẩy trẻ tự tìm hiểu, nghiên cứu.
5. Đi du lịch
Lo lắng đứa con gái tuổi teen trở thành “ếch ngồi đáy giếng”, có một người mẹ quyết định đưa con gái đi khám phá thế giới. Lần đầu ra nước ngoài, nhìn thấy mọi người giao tiếp với nhau bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, con gái cô bị sốc và nhận ra sự hiểu biết hạn hẹp của mình. Kể từ đó, cô bé bắt đầu chăm chỉ học ngoại ngữ và có ước mơ muốn được đi tới nhiều nơi trên thế giới hơn.
Nếu có cơ hội, hãy đưa trẻ đi khám phá những địa điểm khác nhau vào cuối tuần hoặc những kỳ nghỉ dài ngày, cho con ngắm nhìn núi non hùng vĩ và những công trình kiến trúc ngoạn mục.
Tục ngữ có câu “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, trẻ sẽ học được rất nhiều thứ sau những chuyến đi. Tất cả những trải nghiệm trong ấu thơ sẽ trở thành “dưỡng chất” quý giá cho sự phát triển của trẻ.
Phan Hằng (Theo Sohu)