"Chỉ có trái tim hóa đá, mới ngừng hỗ trợ F0!”

"Chỉ có trái tim hóa đá, mới ngừng hỗ trợ F0!”

Lê Thị Duyên

Lê Thị Duyên

Thứ 6, 03/09/2021 06:58

Mặc dù có những lúc áp lực tựa chừng không thể gắng gượng, muốn buông xuôi, nhưng chỉ cần có người nghèo gọi đến cầu cứu, là nữ bác sĩ lại “bật dậy như lò xo”, tự xốc tinh thần để đến bên họ.

Thần chú: “Đừng sợ, có bác sĩ đây rồi!”

Những ngày qua, khi “làn sóng” dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Tp.Hồ Chí Minh, biến nơi đây trở thành “tâm dịch” của cả nước, con số ca nhiễm lên đến hàng trăm nghìn người. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà đến ngày 31/8 là 83.643 người.

Vừa gác một cuộc điện thoại tư vấn cho F0 kéo dài gần 20 phút, bác sĩ Phạm Thị Thanh Dung (SN 1984, tình nguyện viên mạng lưới thầy thuốc đồng hành) khá tâm tư. Mỗi ngày, chị tiếp nhận cả trăm tin nhắn, hàng chục cuộc điện thoại từ những bệnh nhân mắc Covid-19. Chẳng kịp để tâm quá nhiều, cứ thấy điện thoại reo, là chị bốc máy, vì chị biết, đầu dây bên kia đang rất cần mình. Những tin nhắn cũng được chị kiên nhẫn trả lời cho bằng hết, trước khi khép lại một ngày dài.

Bĩnh tĩnh sống - 'Chỉ có trái tim hóa đá, mới ngừng hỗ trợ F0!”

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Dung (SN 1984, tình nguyện viên mạng lưới thầy thuốc đồng hành). 

Tranh thủ trong mấy phút sạc điện thoại, nữ bác sĩ bắt đầu câu chuyện: “Chứng kiến nhiều trường hợp F0 chưa có ai kịp thời chăm sóc, bị hoảng hốt, lo lắng do không có ai để bấu víu, tôi lại không thể kìm lòng. Có những bệnh nhân còn hoang mang đến độ, chưa gục ngã vì bệnh tật đã thua bởi tâm lý hoảng loạn, đột quỵ... Chính vì vậy, tôi quyết định đăng ký tham gia vào mạng lưới thầy thuốc đồng hành cùng F1, F0 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng điều trị tại nhà”.

Những ngày đầu tiên, chị Dung chỉ tham gia vào đội hỗ trợ gọi oxy giúp các bệnh nhân có triệu chứng trở nặng. Song, nhiều lúc, nhìn bệnh nhân và người nhà quýnh quáng, chị cũng mủi lòng khóc theo, khóc vì thương bệnh nhân, khóc vì chị không có “3 đầu 6 tay” để giúp hết được tất cả mọi người.

“Điều đáng ngại nhất là tâm lý của họ lúc đó rất lo lắng, mà tinh thần không ổn định sẽ khiến bệnh tình trở nên xấu đi. Vì vậy, tôi quyết định tư vấn tâm lý và hỗ trợ thuốc nếu bệnh nhân cần, đồng thời, cố gắng hỗ trợ thực phẩm cho những F0 có hoàn cảnh khó khăn”, chị chia sẻ.

Với kinh nghiệm 10 năm làm việc tại bệnh viện Thống Nhất (TP.Hồ Chí Minh), bác sĩ Dung quay lại các clip hướng dẫn F0 tập động tác thở tốt cho phổi và hướng dẫn xông mũi đúng cách, theo chị, đó là cách vừa giúp các F0 mau khỏi bệnh, lại vừa giảm stress.

Nhắc đến những cuộc điện thoại “tâm sự cùng người lạ” này, bác sĩ Dung chia sẻ: “Mỗi lần nhận cuộc gọi, là mỗi lần tim tôi như nhói lại… Có rất nhiều trường hợp đáng thương, có những cụ già không một ai bên cạnh, nằm co quắp một chỗ; có những bà mẹ đơn thân vừa ôm con vừa khóc; có những cảnh người mẹ nằm một nơi, em nhỏ ở một nơi, liên tục gọi "Mẹ ơi, mẹ ơi!’" khiến tôi cảm nhận được nỗi xót xa, mất mát rất nhiều từ dịch bệnh.

Bĩnh tĩnh sống - 'Chỉ có trái tim hóa đá, mới ngừng hỗ trợ F0!” (Hình 2).

Bác sĩ Dung luôn ân cần, hết lòng với bệnh nhân.

Sau vài giây mất bình tĩnh, tôi tự xốc lại bản thân và trấn an bệnh nhân bằng câu “thần chú”: "Đừng sợ, có bác sĩ ở đây rồi!" để giúp họ phần nào an tâm và ổn định tâm lý. Đó là cách để tôi lan tỏa sự bình tĩnh đến họ”.

"Bác sĩ hãy cứu chúng tôi"

Không chỉ điều trị tâm lý, bác sĩ Phạm Thị Thanh Dung còn hỗ trợ điều trị các triệu chứng thường gặp khi mắc Covid-19, bốc thuốc, kê đơn và gửi đến tận nơi cho các F0.

Trong trường hợp, nếu thấy bệnh nhân nào có chỉ số SpO2 xuống quá thấp hoặc khó thở, nữ bác sĩ sẽ kết nối tình nguyện viên mang oxy tới nhà hỗ trợ.

Buổi tư vấn đặc biệt nhất khiến bác sĩ Dung nhớ nhất là vào ngày 6/8: “Tôi đã phải ngừng lại khi khám tư vấn online cho một chú lớn tuổi, đang rất lo lắng cho bệnh tình của bản thân, bởi mẹ của chú vừa mới mất... Khi được tư vấn, động viên chú đã yên tâm hơn. Tôi ấn tượng mãi với dáng người chú gầy ốm, giọng nói ấm áp và lịch sự qua video: "Cảm ơn bác sĩ", chỉ thoáng qua, cũng khiến tôi xúc động.

Tôi lại nhớ đến ba của mình, ba cũng gầy, cũng ốm, cũng đeo mắt kính, cũng từ tốn trả lời y như vậy... Còn nhớ, ngày đó, cũng gọi video như thế, lần cuối ba cũng nói y một câu: "Ba không sao, con đừng lo...’" rồi mãi mãi không còn cuộc gọi video nào nữa kể từ ngày ấy. Vì vậy, khi gặp những người lớn tuổi bệnh đau, tôi tự nhủ sẽ động viên, an ủi một cách nhẹ nhàng nhất có thể, điều mà tôi chưa một lần làm cho ba mình...”, sự xúc động từ trong sâu thẳm, thoáng qua trên khuôn mặt chị theo dòng ký ức xa xăm.

Bĩnh tĩnh sống - 'Chỉ có trái tim hóa đá, mới ngừng hỗ trợ F0!” (Hình 3).

Chị quay clip hướng dẫn bệnh nhân tự xông mũi tại nhà.

“Cách đây hơn một tuần, có một nhóm công nhân khoảng 7-8 người bị mắc Covid-19 ở quận 8, gọi y tế phường nhưng chưa nhận được hỗ trợ. Trong số đó, đã có một người mất. Nhóm công nhân ấy không có tiền để mua thuốc uống, không có cả đồ ăn, vừa đói, vừa mệt, khi gọi điện cho tôi, họ đã khóc òa lên cầu cứu: "Bác sĩ hãy cứu chúng tôi với!”, nhắc đến đây, nữ bác sĩ không giấu được nước mắt.

Vì những hoàn cảnh éo le như vậy, bác sĩ Dung không quản ngày đêm làm việc từ 5h sáng đến tận 2-3h sáng hôm sau. Chị bộc bạch, không thể bỏ mặc bệnh nhân, dù mỗi ngày chỉ được ngủ có 3-4 tiếng.

“Từ lúc tôi tham gia tư vấn cho các F0, cuộc sống cũng bị xáo trộn nhiều. Sáng thức giấc lúc 5h, tôi chỉ kịp uống vội ly nước lọc, là đã bắt đầu tư vấn. Nhiều hôm, bữa trưa sẽ rơi vào khoảng 2h chiều, tôi thậm chí không nuốt nổi, nhưng vẫn không dám buông điện thoại khỏi tay. Cách đây khoảng hai tuần, có thể tôi rất thèm ăn một tô bún bò, nhưng đến thời điểm hiện tại, tôi thậm chí, mệt đến mức chẳng muốn ăn gì. Giai đoạn này, thì hầu như tôi không kịp chợp mắt.

Bữa tối cũng thường xuyên bắt đầu vào lúc 8h-9h tối. Có bữa, tôi trả lời xong hết tin nhắn sớm hơn mọi ngày, cứ nghĩ rằng, bản thân tự cho mình nghỉ sớm. Nhưng vừa đặt lưng xuống, chuông điện thoại lại reo. Tôi bật dậy như lò xo, bắt máy. Biết đầu dây bên kia là một ca cấp cứu, tôi lại tất bật hướng dẫn người nhà bệnh nhân, không để trễ một giây nào, đồng thời, nhờ đội shipper mang bình oxy đến tận nơi”, chị trải lòng.

Bĩnh tĩnh sống - 'Chỉ có trái tim hóa đá, mới ngừng hỗ trợ F0!” (Hình 4).

"Sau này lớn lên, con sẽ làm bác sĩ để phụ mẹ, cho mẹ đỡ vất vả..."

Công việc toàn thời gian này của nữ bác sĩ đôi khi còn “lấn chiếm” cả thời gian làm mẹ của hai thiên thần nhỏ. Chị tâm sự: “Có hôm, tôi bắt gặp cô con gái Cherry 3 tuổi đang ngồi nép mình trong một góc, tôi hỏi: "Con sao vậy Cherry?", con ngước nhìn tôi thoáng buồn trong đôi mắt trong veo: "Con nhớ mẹ quá, mà thấy mẹ bận, con hông dám làm phiền. Mẹ ôm con một tí được không?". Rồi có những khi đêm đã muộn, chưa thấy mẹ nghỉ ngơi, con cũng phải nũng nịu: "Mẹ ơi, mẹ cho con thơm mẹ một cái thôi, rồi con sẽ ngoan ngoãn đi ngủ...". Bởi, tôi không dành được nhiều thời gian cho con, nên hay dặn: "Con ngoan nhé! Mẹ là bác sĩ, mẹ phải chăm sóc người bệnh"... Thế rồi, Cherry còn bảo: "Sau này lớn lên, con sẽ làm bác sĩ để phụ mẹ, cho mẹ đỡ vất vả...". Tôi nghe vậy, cũng thấy thật ấm lòng!”.

Sẵn sàng bắt máy bất cứ thời gian nào dù đêm muộn hay sáng sớm với chị Dung lý do thật đơn giản: “Có bệnh nhân đang hoảng loạn đến mức bỏ ăn, bỏ uống, thậm chí không thiết làm gì, nhưng sau khi tôi trò chuyện, trấn an, họ đã lấy lại được tinh thần. Lúc đó, họ nói với tôi: "Bác sĩ xuất hiện trong bộ áo blouse trắng, giống như “cô tiên” mang niềm an ủi lớn, khiến tôi không còn sợ hãi". Vậy là tôi lại cảm nhận được, họ cần tôi như thế nào. Đó là một nguồn động lực rất lớn!”.

Chỉ có trái tim hóa đá mới không giúp đỡ người bệnh

Đến nay, sau gần một tháng hỗ trợ các bệnh nhân, con số F0 được nữ bác sĩ tư vấn, hỗ trợ điều trị đã lên đến gần cả nghìn người, hơn 1.000 phần thuốc đã được chị trích tiền từ chính bản thân và các mạnh thường quân hỗ trợ.

Nhiều bệnh nhân sau khi khỏi bệnh, đã đăng ký làm shipper giúp nữ bác sĩ, và theo chị, đây cũng là nguồn cổ vũ, động viên chị cùng các mạnh thường quân tiếp tục công việc này.

“Cách đây vài ngày, có thời điểm, hết thuốc chưa biết phải vận động ở đâu, tôi cảm thấy thật sự đau đầu, phải tự châm cứu cho mình. Rồi có những ngày rất áp lực, thậm chí muốn buông bỏ, song, chỉ cần có người nghèo gọi đến, tôi lại muốn khóc và tự nhủ bản thân phải cố gắng dài hơi hơn. Dù cho một ngày dài vất vả đến đâu, trong đầu tôi lúc nào cũng chỉ hiện lên một chữ: “F0”.

Bĩnh tĩnh sống - 'Chỉ có trái tim hóa đá, mới ngừng hỗ trợ F0!” (Hình 5).

Thương lắm! Nên chỉ cần còn một chút sức lực, thì tôi nhất định sẽ cố gắng hết sức mình.

Tôi không phải người mạnh mẽ, tôi rất đa cảm, nên khi chứng kiến những hình ảnh thương đau diễn ra mỗi ngày, nghe những tiếng khóc của người gọi đến, nhiều khi, tôi cũng xúc động mà nghẹn giọng. Thương lắm! Nên chỉ cần còn một chút sức lực, thì tôi nhất định sẽ cố gắng hết sức mình.

Chỉ có trái tim hóa đá mới không xúc động trước những hình ảnh như vậy, và chỉ có trái tim hóa đá, mới đành lòng buông bỏ, không tiếp tục giúp những hoàn cảnh, những ca bệnh đang đứng trước lằn ranh sinh tử ở ngoài kia”, nữ bác sĩ 37 tuổi trải lòng.

Khép lại cuộc trò chuyện, bác sĩ Dung mở điện thoại, chỉ trong chưa đầy 30 phút, đã có cả trăm cuộc gọi nhỡ và tin nhắn mới. Công việc toàn thời gian giữa “mùa dịch” lại tiếp tục, rất nhiều F0 đang chờ được khám chữa và tư vấn.

Mặc dù, hiện tại, TP.Hồ Chí Minh đã có những túi thuốc an sinh, nhưng nếu bệnh nhân cần, bác sĩ Dung cùng các shipper hỗ trợ sẽ luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào.

Sau tất cả, chị và các thầy thuốc khác đang mong mỏi từng phút giây đến ngày “thành phố mang tên Bác” dập được dịch, để trả lại nhịp sống bình thường trước đây cho người dân, để lực lượng tuyến đầu được trở về nhà, ăn bữa cơm đầm ấm sau đằng đẵng những ngày xa cách.

Tiểu Chiến

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.