Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình CĐS
Phát biểu trong Hội thảo công bố báo cáo thường niên Chuyển đổi số (CĐS) doanh nghiệp 2021, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KHĐT) chia sẻ: “Trong năm 2021, cụm từ “chuyển đổi số" được nhắc đến rất nhiều, đó cũng là một trong 10 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm qua. CĐS đối với doanh nghiệp cũng không nằm ngoài xu hướng này”.
Hiểu được vấn đề đó, Bộ KHĐT đã chủ động ban hành chương trình hỗ trợ CĐS cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025. Sau 1 năm, mặc dù cũng đạt được nhiều thành quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn vấn đề cần đánh giá lại về nhu cầu, cũng như thách thức trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS.
Ông cũng bày tỏ, nhân sự kiện này, hy vọng Bộ sẽ nhận thêm được nhiều ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp, các bên liên quan để ngày càng hoàn thiện hơn trong các năm tiếp theo.
Giám đốc dự án USAID LinksSME, ông Daniel Fitzpatrick cho biết, khi Việt Nam tiếp tục đối mặt với đại dịch covid, cần nhắc lại rằng, Covid đã gây ra rất nhiều xáo trộn, song lại thúc đẩy một số xu hướng đáng nhẽ ra phải mất nhiều năm mới xuất hiện, cuộc chạy đua CĐS là một trong những hướng đó.
"Đại dịch đã trả lời cho câu hỏi, liệu CĐS có xứng đáng với số tiền bỏ ra hay thực sự có ý nghĩa với tất cả mọi người hay không. Thật vậy, tôi cho điều này là chính xác. Chúng ta đã đi đến những ngày cuối cùng của năm 2021 đầy thử thách, hướng đến một năm 2022 tươi sáng và số hoá hơn", ông Daniel Fitzpatrick cho hay.
Trong khi các doanh nghiệp lớn đang thực hiện CĐS, thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn đang cố gắng bắt kịp. Các sáng kiến, chương trình được Bộ KHĐT triển khai trong năm 2021 và những chương trình sẽ triển khai vào năm 2022, sẽ đảm bảo rằng các DNNVV đều được tư vấn và có nguồn lực cần thiết để biến CĐS thành hiện thực trong tương lai gần.
Mặt khác, dự án USAID LinksSME đã và đang phối hợp chặt chẽ cùng Bộ KHĐT để đóng góp vào quá trình thúc đẩy CĐS trong doanh nghiệp. Đồng thời, Báo cáo là cột mốc quan trọng trong quá trình hợp tác của hai bên.
Nút thắt và cách tháo gỡ về lộ trình số hoá trong DNNVV
Theo ông Lê Quý Khả, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cơ điện Tomeco, Tập đoàn đã tiếp cận với số hoá khoảng 10 năm, nhưng trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp cũng khó lòng theo kịp tốc độ này.
Bởi tính không bài bản của quy trình, có rất nhiều dự án được xúc tiến, nhưng mức độ thành công không được toàn diện và không như mong đợi. Hơn nữa, ngày càng tiếp cận sâu, doanh nghiệp càng nhận thấy mình còn nhiều mặt thiếu sót.
Ở mức tổng quát hơn, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, phụ trách văn phòng CĐS, Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ KHĐT chỉ ra, mục tiêu tiếp cận CĐS của các doanh nghiệp có thể khác nhau. Song khó khăn lại gặp phải ở nhiều vấn đề, trong đó nhiều nhất là về chi phí.
Bộ KHĐT cho biết, chi phí ở đây không chỉ bao gồm mua, thuê giải pháp công nghệ bên ngoài, mà còn phát sinh thêm về chi phí mở rộng, đầu tư cho hệ thống hạ tầng thông tin, thuê thêm nhân sự đào tạo đáp ứng phần mềm, công nghệ mới…
Mặt khác, liên quan đến thiếu hạ tầng công nghệ số, doanh nghiệp phản ánh rằng hiện nay trên thị trường có quá nhiều nhà cung cấp giải pháp công nghệ, CĐS, tuy nhiên để lựa chọn được công nghệ phù hợp với bối cảnh, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp lại không phải điều dễ dàng.
Doanh nghiệp ở quy mô khác nhau, sẽ gặp những khó khăn tập trung khác nhau. Quy mô vừa và lớn, sẽ gặp những thói quen về thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh, thiếu nhân lực nội bộ, đây lại không phải vấn đề của những quy mô của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, bởi tính linh hoạt về bộ máy nhân sự của họ.
Về giải pháp cho những khó khăn trên, ông Đặng Duy Khánh, Giám đốc Ban dự án OneSME, Tập đoàn VNPT cho rằng, doanh nghiệp nên lựa chọn nền tảng đa dạng sản phẩm dịch vụ và giải pháp CĐS tổng thể, đồng thời có tính tích hợp và kế thừa trong suốt hành trình CĐS, vừa tối ưu vừa tiết kiệm chi phí hơn.
Mặt khác, TS. Phạm Tuấn Anh, Tổng công ty Becamex IDC đề xuất 6 bước giải pháp cho DNNVV cho lộ trình số hoá quá trình sản xuất kinh doanh của mình thành một vòng tuần hoàn, lần lượt từ đánh giá hiện trạng của công tác sản xuất, xác định vấn đề tồn tại, từ đó xác định mục tiêu cụ thể dựa trên công tác sản xuất.
Tiếp theo, xây dựng hệ thống giải pháp hoàn thành những mục tiêu đã đề ra, tính toán giải pháp, tỷ suất đầu tư và hiệu quả đầu tư. Theo đó, tạo tiền đề cho kiện toàn nhân lực và tái cấu trúc nhân lực.
Cuối cùng mới bắt tay triển khai dự án, đồng thời đánh giá hiệu tác động sau đó.