Từ rất lâu, đồng phục trường học đã ra đời. Trang phục này thể hiện tính cộng đồng, tính thống nhất rất rõ ràng, giúp xóa đi mọi ranh giới, khoảng cách giữa các học sinh trong trường học. Ngày nay, đồng phục học sinh đã được thiết kế đẹp hơn, thời trang hơn và mang nét độc đáo của quốc gia cũng như trường học.
1. Nhật Bản
Đồng phục nữ sinh Nhật Bản “seifuku”, nổi tiếng khắp thế giới nhờ phim hoạt hình anime và truyện tranh manga. Nó bao gồm một chiếc áo cổ hải quân và một chiếc váy xếp li dài ngang đùi hoặc ngang gối. Phối cùng với bộ trang phục này là những đôi giày màu cơ bản và tất cao đến đầu gối để thể hiện sự kín đáo hơn trong không gian trường học.
2. Anh
Quy định về trang phục học đường ở Anh rất nghiêm ngặt . Đồng phục đầu tiên của quốc gia này có màu xanh lam. Màu này được cho là dạy trẻ cách ngăn nắp và bình tĩnh. Hiện tại, mỗi trường đều có đồng phục và biểu tượng riêng. Một số trường thậm chí còn có những quy định nghiêm ngặt đến mức không cho phép học sinh mặc quần short khi thời tiết quá nóng. Bởi vậy, các nam sinh tại những ngôi trường này đã phản đối bằng cách mặc váy đến trường. Sau đó, nhiều trường học đã phải làm đồng phục trung lập về giới tính.
3. Úc
Hệ thống giáo dục của Úc ảnh hưởng rất nhiều thứ từ Vương quốc Anh. Đồng phục của họ cũng rất giống của Anh, chỉ có điều chúng rộng rãi và nhẹ nhàng hơn. Nhiều trường học còn yêu cầu học sinh đội mũ do khí hậu rất nóng.
4. Cuba
Đồng phục của học sinh Cuba được quy định rất nghiêm ngặt. Học sinh mẫu giáo sẽ mặc áo trắng, quần xanh và khăn quàng cổ màu xanh. Học sinh tiểu học sẽ mặc áo sơ mi trắng, váy màu đỏ và khăn quàng đỏ. Học sinh trung học sẽ mặc áo trắng, váy màu vàng.
5. Indonesia
Ở Indonesia, màu sắc đồng phục học sinh khác nhau tùy theo cấp học. Phần trên luôn có màu trắng, nhưng phần dưới có thể có màu đỏ, xanh đậm hoặc xám. Thú vị nhất là sau khi học sinh vượt qua kỳ thi quốc gia, họ ăn mừng “sự tự do” của mình bằng cách sơn đồng phục của nhau những màu khác nhau bằng bút đánh dấu tuổi trưởng thành, tạm biết môi trường trung học.
6. Trung Quốc
Học sinh Trung Quốc có đồng phục dành có ngày lễ và ngày thường, mùa hè và mùa đông. Đồng phục hằng ngày cho nữ sinh và nam sinh giống hệt nhau và trông giống trang phục thể thao.
7. Ghana
Tất cả học sinh đều phải mặc đồng phục, nhưng Ghana, giống như phần lớn các nước châu Phi, có thu nhập rất thấp và tỷ lệ nghèo đói rất cao trong dân số. Vì vậy, việc mua đồng phục là một trong những trở ngại khiến nhiều trẻ em không được học hành. Năm 2010, chính phủ đã phát miễn phí đồng phục khắp các thị trấn khác nhau của Ghana để làm động lực để trẻ đến trường.
8. Syria
Đồng phục học sinh ở Syria đã được thay đổi từ màu kaki xỉn màu sang màu sáng hơn (xanh, xám và hồng). Nó tượng trưng cho mong muốn được sống trong hòa bình ở Trung Đông.
9. Bhutan
Ở Bhutan, học sinh sẽ mặc trang phục truyền thống của quốc gia đến trường. Quần áo của nữ sinh được gọi là “kira” và của nam sinh được gọi là “gho”. Trẻ em trước đây mang theo tất cả sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong quần áo, nhưng bây giờ chúng có ba lô và các loại túi khác. Tuy nhiên, một số vẫn đựng đổ ở phần áo trước bụng.
10. Sri Lanka
Ở Sri Lanka, học sinh phải mặc đồng phục màu trắng. Nữ sinh mặc váy có cà vạt, nam sinh mặc áo sơ mi trắng và quần đùi xanh. Vào những dịp đặc biệt, nam sinh sẽ mặc quần short trắng.
11. Triều Tiên
Ở Triều Tiên, đồng phục học sinh là bắt buộc: nữ sinh mặc váy và nam sinh mặc áo sơ mi với quần dài. Tất cả học sinh đều phải dùng khăn quàng đỏ.
12. Ấn Độ
Hầu hết các trường học ở Ấn Độ đều có đồng phục bắt buộc. Nam sinh phải mặc sơ mi cài cúc, tay ngắn, quần ngắn, đi tất và đi giày tối màu. Tuy nhiên, nữ sinh lại mặc áo sơ mi phối cùng quần lửng và mặc thêm quần dài bên trong.
Hà Thương (Theo Brightside)