Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng anh Đỗ Văn Tú (Sn 1994) lại có sở thích sưu tập những đồ dùng, vật dụng từ thời bao cấp để kết hợp thành không gian nhà ở ngày xưa.
Anh Tú cho biết, ban đầu, anh đơn giản thích những con số đẹp như sim số đẹp, tiền seri số đẹp, điện thoại imei số đẹp mà bắt tay vào sưu tầm. Sau đó, khi có nhiều tiền hơn, anh bắt đầu sưu tầm những chiếc xe honda super cub biển số đẹp.
Anh Tú sở hữu một loạt xe Honda cub biển số đẹp.
“Đây là dòng xe huyền thoại xuất hiện vào thời bao cấp, là tài sản đắt giá vào thời bấy giờ. Từ những chiếc xe biển màu của cơ quan, công ty, xí nghiệp ngày xưa cho đến biển cá nhân, tôi đã nảy sinh thêm ý tưởng sưu tầm những đồ dùng, vật dụng sinh hoạt thời bao cấp để kết hợp thành một không gian ngày xưa”, anh Tú chia sẻ.
Theo anh Tú, những món đồ anh tìm mua không phải đồ cổ mà chỉ là đồ cũ, xưa phục vụ cuộc sống hàng ngày của các gia đình người Việt Nam từ năm 1976 đến cuối năm 1986.
Chiếc tivi Samsung được sản xuất từ năm 1985 anh Tú đang sở hữu vẫn hoạt động bình thường.
Ở giai đoạn này, hầu hết sinh hoạt, trao đổi đều bằng hình thức tem, phiếu, sổ, bìa, hạn chế trao đổi bằng tiền nên những đồ dùng sinh hoạt này được người dân giữ gìn, chăm sóc rất cẩn thận.
“Cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình mua sắm các vật dụng mới thay thế đồ dùng xưa, cũ nên muốn sưu tầm lại không phải dễ. Đối với nhiều người, đây chỉ là những món đồ hết “date”, là đồ “đồng nát” không có giá trị nhưng với mình lại có giá trị tinh thần đặc biệt, chất chứa nhiều kỷ niệm”, anh Tú phân tích.
Anh Tú bên chiếc xe đạp được mua với giá 1,6 triệu đồng.
Để có được những món đồ ưng ý, anh Tú đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức để sưu tầm từng món một. Nhiều khi anh phải tìm mua ở xa, tiền vận chuyển cao hơn cả tiền mua chúng nhưng cũng có những thứ nhiều gia đình không sử dụng đến, đã bỏ đi nên chủ nhân cho, tặng lại luôn.
Chỉ vào chiếc chạn bát để ở góc nhà, anh Tú cho biết, anh đã mất thời gian dài để thuyết phục chủ nhà để lại cho mình.
Chiếc chạn bát bằng gỗ lim được anh Tú sưu tầm.
“Chiếc chạn bát này được làm bằng gỗ lim, chủ nhân trước đó làm năm 1985, khi sinh đứa con đầu tiên. Mặc dù có tuổi đời gần 40 năm nhưng vẫn chắc chắn, không bị mối, mọt. Khi có chạn bát rồi, tôi lại tìm, sưu tầm thêm những chiếc bát, đĩa, âu đựng mỡ, mâm đồng, lu, vại đựng tương cùng tuổi với chiếc chạn bát để sắp xếp vào cùng nhau”, anh Tú nói.
Nhiều khi, đồ anh sưu tầm chỉ còn một phần, không có đủ bộ. Như bộ bàn ghế, anh phải tìm kiếm mua từng chiếc ghế rồi tìm bàn đúng chủng loại, mẫu mã để thành một cặp với ghế.
Những đồ dùng từ thời bao cấp được anh tú "nhặt nhạnh" sưu tầm, trưng bày trong nhà của mình.
“Chiếc tivi đen trắng 9 inch của Samsung, mã 359r được sản xuất đời đầu năm 1985. Bấy giờ được coi như cả gia tài cho cả xóm xem cũng được tôi sưu tầm về và vẫn hoạt động bình thường, loa rõ, màn hình sắc nét, qua thời gian nhưng mọi thứ hầu như vẫn còn nguyên bản”, anh Tú cho hay.
Đối với nhiều người, chiếc tivi này có lẽ chỉ đáng giá vài chục nghìn khi bán phế liệu nhưng với những người chơi đồ xưa cũ thì nó lại vô cùng quý giá.
Từ khăn trải bàn, phích nước, ấm tích, chén đến bao thuốc lá đều là những đồ dùng từ cách đây vài chục năm.
Trong không gian nhỏ của căn nhà, từ chiếc khăn trải bàn con vẹt đến rèm cửa hình con công, đệm ghế, phích nước, xe đạp Thống Nhất, đài cassette, điện thoại bàn, đồng hồ quả lắc, đèn pin, quạt cây MD, quạt bàn con cóc, ấm tích, chén… đều được anh Tú lựa chọn tỉ mỉ để bài trí sao cho phù hợp nhất.
Những chiếc quạt con cóc, quạt cây MD "lừng lẫy" một thời.
Yêu thích không gian ngôi nhà xưa cũ do mình sưu tầm, bài trí, anh Tú chụp hình lại và đăng lên một số hội nhóm yêu thích đồ xưa, đã có rất nhiều người ngỏ ý muốn mua và hỏi giá, đặc biệt có người trả 500 triệu đồng để mua lại tất cả nhưng anh Tú không bán.
“Tôi nhớ chú ấy ở Thường Tín (Hà Nội), đã liên lạc nhiều lần để hỏi mua những chiếc xe máy Honda Cub biển số đẹp cùng toàn bộ những đồ dùng, vật dụng xưa cũ mà tôi đang sở hữu trong không gian hiện tại nhưng tôi chưa đồng ý bán”, anh Tú cho biết thêm.
"Gia tài" này của anh Tú đã có người trả nửa tỷ đồng nhưng anh không bán.
Theo anh Tú, khi chơi đồ cũ, đồ xưa này người chơi sẽ khó định giá. Bởi vì, nhiều món đồ có thể không đáng giá, được coi là đồ phế liệu, đồng nát nhưng với anh và những người mê đồ xưa, cũ thì nó lại là vô giá, có nhiều tiền cũng chưa chắc mua được.
Mặc dù đã bỏ ra hàng chục triệu thậm chí cả trăm triệu để sưu tầm đồ cũ nhưng hiện tại, anh Tú vẫn muốn sưu tầm thêm nhiều món đồ khác nữa để tạo ra khoảng không gian thư giãn, thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng.
Hồng Cảnh