14h ngày 14/4/2007, ngân hàng Nông nghiệp Hàm Đan tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc bàng hoàng phát hiện 51 triệu Nhân dân tệ (gần 160 tỷ đồng) đã “bốc hơi”. Ngay khi phát hiện tiền trong kho bị mất, ngân hàng Hàm Đan đã nghi kẻ chủ mưu là hai nhân viên quản lý kho tiền Ren Xiaofeng và Ma Xiangjing.
Tuy nhiên, sự việc không thể dừng ở chuyện “giải quyết nội bộ” vì hai tên tội phạm đã trốn khỏi địa phương nên ngân hàng buộc phải khai báo với cảnh sát.
Ba ngày sau, Công an Trung Quốc phát lệnh truy nã và cảnh sát nhanh chóng mở cuộc truy lùng suốt đêm để truy bắt hai tên tội phạm. Mọi phương tiện tối tân được huy động để bắt tội phạm. Và cảnh sát cũng trao thưởng tới 20 vạn tệ cho người bắt được hoặc báo cho cảnh sát biết chỗ ẩn náu của hai tên tội phạm.
51 triệu Nhân dân tệ tiền mặt trong kho bị mất hẳn nhiên đã trở thành vụ án trộm tiền rúng động dư luận Trung Quốc khi đó.
Trở thành tội đồ từ việc trúng xổ số
Trúng xổ số không phải bao giờ cũng tốt và ít nhất, điều này đúng với Ren Xiaofeng. Ren dùng toàn bộ tiền đi vay để mua vé số và trúng thưởng với số tiền đủ để trả nợ. Việc trúng thưởng có sức mê hoặc lớn tới mức Ren Xiaofeng không ngừng nghĩ đến việc kiếm tiền bằng sự may rủi của những đồng vé số và rồi trở nên nghiện mua vé số. Tiếc thay, kết quả của những lần chơi xổ số sau đó luôn là thắng ít thua nhiều nên nguồn tiền Ren Xiaofeng trông cậy lúc này không đâu khác, chính là từ kho tiền của ngân hàng. Đây là nơi Ren đảm nhận vị trí nhân viên quản lý kho. Vụ trộm tiền của ngân hàng lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc khơi nguồn từ đây.
Mùa thu năm 2006, tại chi nhánh Hàm Đan của ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ren Xiaofeng lấy trộm 200.000 Nhân dân tệ từ kho tiền để chơi xổ số. Lần này, Ren Xiaofeng trúng số nên đã nhanh chóng trả lại số tiền “mượn” từ kho. Ảo tưởng từ việc kiếm tiền dễ dàng nhờ chơi xổ số, Ren Xiaofeng ngày một lún sâu vào trò may rủi này, hắn chơi xổ số rồi đặt cược với mức tiền ngày một lớn hơn.
Và để lấy được số tiền lớn trót lọt từ kho ngân hàng, Ren Xiaofeng đã tìm đến người đồng nghiệp cùng quản lý kho, Ma Xiangjing để thông đồng. Ma Xiangjing cũng là một kẻ mê cờ bạc và xổ số nên khi thấy có “cửa” trộm tiền người đàn ông này lập tức đồng ý.
Việc 2 nhân vật này lấy trộm tiền tinh vi và đóng kịch khéo đến mức, khi ngân hàng phát hiện thiếu tiền đã mở cuộc điều tra, thậm chí mời cảnh sát vào cuộc nhưng cả hai vẫn được xem là vô can.
Tiền không bao giờ đủ với những kẻ ham mê cá cược. “Ngựa quen đường cũ”, khi những khoản cá cược, những đợt chơi xổ số thua liên tiếp, cả hai gã đàn ông lại tiếp tục trộm tiền của ngân hàng. Lần này, cả hai biết chắc sẽ bị bại lộ nên đã bỏ đi sau khi vác theo 6 thùng với tổng số tiền lên tới 18 triệu Nhân dân tệ bên trong. Gần như toàn bộ số tiền này lại được chúng nướng vào xổ số.
Lỗ hổng “chết người”
Với hình ảnh khuôn mặt lồ lộ trên tờ truy nã có ở khắp nơi cùng phần thưởng hậu hĩnh tới 50.000 Nhân dân tệ cho người tìm ra thông tin, việc bắt giữ Ma Xiangjing và Ren Xiaofeng chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ngày 18/4/2007, Ma Xiangjing bị bắt khi đang trên đường trốn đến Bắc Kinh, còn Ren Xiaofeng cũng tra tay vào còng lúc đang tới thành phố Liên Vân Cảng. Ren Xiaofeng thành khẩn khai báo và tỏ ra ăn năn trước tòa, thậm chí còn vạch ra hàng loạt các quy trình để ngăn hành vi trộm cắp tương tự xảy ra lần nữa. Có một sự thực khiến mọi người bất ngờ khi điều tra vụ án này đó là, ngân hàng Nông nghiệp ở Hàm Đan đã để mất tiền mặt trong kho từ nhiều năm mà không hay biết.
Tuy nhiên, sự ăn năn của hai tên trộm liều lĩnh này là quá muộn. Cả hai đã phải nhận án tử hình và bị xử tử gần một năm sau đó. Ba người khác trong ngân hàng liên quan tới vụ việc, người phải bóc lịch nhiều năm, kẻ mất việc.
Vụ trộm lớn này cũng cho thấy kẽ hở lớn trong ngân hàng Nông nghiệp ở Hàm Đan. Theo quy định của ngân hàng Hàm Đan, để đi vào kho tiền, bắt buộc phải đi qua phòng bảo mật và phải qua hai lần cửa có nhân viên bảo vệ trực 24/24h. Quy trình chặt chẽ này khiến việc tiếp cận được kho tiền là không hề dễ dàng nhưng Ren Xiaofeng và Ma Xiangjing đã đi qua hai lần cửa một cách không khó khăn. Đây là một sơ hở trong việc hộ tống an ninh giữa nhân viên quản lý và bảo vệ.
“Trong hợp đồng giữa ngân hàng Nông nghiệp ở Hàm Đan và công ty bảo vệ không quy định trách nhiệm bảo vệ phải hộ tống tiền khi ra vào kho nên phía công ty này không liên đới trách nhiệm trong vụ án”, một cán bộ ngân hàng cho hay.
Thực tế là không có bất kỳ thủ tục nào, hai tên tội phạm đã vào kho lấy tiền cả một thời gian dài mà nhân viên bảo vệ không can thiệp. Nếu ra vào kho trong giờ hành chính thì hai tên tội phạm không thể dễ dàng ra tay vì hiện trường thường xuyên có hơn 20 người. Điều này đã được chỉ ra khi rút kinh nghiệm về vụ án.