Israel muốn mua gì từ Mỹ?
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt việc bán vũ khí dẫn đường chính xác trị giá 735 triệu USD cho Israel.
Reuters đưa tin, nguồn tin từ Quốc hội cho biết hôm thứ Hai rằng các nhà lập pháp Mỹ sẽ không phản đối thoả thuận bất chấp bạo lực đang leo thang giữa Israel và Palestine.
Ba trợ lý của Quốc hội cho biết đã chính thức được thông báo về việc bán vũ khí cho Israel vào ngày 5/5. Việc thông nào này là một phần của quá trình xem xét thường lệ trước khi Mỹ bán số lượng vũ khí lớn cho nước ngoài.
Hồi tháng Tư, Quốc hội đã được thông báo về kế hoạch bán lô vũ khí cho Israel. Đây cũng là một khâu nằm trong quá trình xem xét không chính thức trước khi có thông báo chính thức vào 5/5.
Theo luật của Mỹ, sau thông báo chính thức, Quốc hội sẽ có thời hạn 15 ngày để phản đối việc bán.
Loại vũ khí mà Israel mua là bộ thiết bị JDAM, được sử dụng để hiệu chỉnh bom, có khả năng trúng mục tiêu với độ chính xác cao. Những thiết bị này do Boeing sản xuất.
Như vậy, thương vụ mua bán đã diễn ra trước khi cuộc xung đột khốc liệt giữa Israel và Palestine bùng phát.
Các trợ lý Quốc hội cho biết, vào thời điểm thông báo không có lãnh đạo Đảng Dân chủ và Cộng hoà nào phản đối, khi Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội xem xét việc bán vũ khí này.
Khi được yêu cầu bình luận, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao lưu ý rằng Bộ bị hạn chế theo luật liên bang, các quy định không bình luận công khai hoặc xác nhận chi tiết về hoạt động cấp phép liên quan đến thảo thuận thương mại về JDAM.
Người phát ngôn chia sẻ với Reuters: “Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về tình hình bạo lực hiện nay và đang nỗ lực hướng tới việc ổn định bền vững”.
Sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Israel là giá trị cốt lõi đối với nhiều thành viên Đảng Dân chủ và Cộng hoà, bất chấp đã có lời kêu gọi từ một số thành viên thuộc Đảng Dân chủ về việc, cần có lập trường cứng rắn hơn để phản đối các hành động của Israel.
Luật pháp Mỹ cho phép Quốc hội phản đối việc bán vũ khí, nhưng trong trường hợp này việc phản đối khó xảy ra. Do Israel và một trong số ít quốc gia có thoả thuận quân sự được phê duyệt theo một “quy trình khẩn trương”, trong khi các thủ tục liên quan đến phản đối lại mất nhiều thời gian. Vì vậy, việc bán vũ khí có thể sẽ được hoàn tất trước khi các thủ tục liên quan đến phản đối hoàn thành.
210 người đã thiệt mạng
Hiện tại, xung đột giữa Israel và Palestine vẫn diễn ra vô cùng căng thẳng. Theo số liệu mới nhất từ SF, ít nhất 10 người Israel đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Phía Palestine cũng báo cáo, 200 người đã bị thiệt mạng và gần 6.000 người bị thương trong cuộc xung đột với Israel.
Israel tấn công vào Dải Gaza trong ngày 17/5.
Ngày 17/5, ít nhất 8 người bị thương do một vụ tấn công bằng tên lửa của Hamas vào thị trấn Ashdod của Israel. Trong khi đó, Israel cũng đáp trả vô cùng mạnh mẽ. Lực lượng Phòng vệ Israel đã sử dụng máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và pháo binh để tấn công vào các mục tiêu ở Gaza.
Ngày 17/5, Lực lượng Phòng vệ Israel tuyên bố tàu chiến và máy bay không người lái của Israel đã tấn công tàu ngầm của Hamas ở ngoài khơi Dải Gaza.
Lữ đoàn Al-Quds, xác nhận và bày tỏ thương tiếc về cái chết của Husam Abu Harbid, chỉ huy của Lữ đoàn Phương Bắc tại Saraya al-Quds. Ông Husam Abu Harbid bị thiệt mạng "trong cuộc đột kích".
Cùng với đó, các máy bay quân sự của Israel đã tấn công vào trung tâm tác chiến chính của Lực lượng An ninh Nội bộ ở phía bắc Dải Gaza.
“Máy bay chiến đấu đã tấn công trụ sở chính của Lực lượng An ninh Nội bộ Hamas ở phía bắc Dải Gaza. Trụ sở chính là trung tâm điều hành của Hamas”, bản tin của quân đội Israel cho biết.
Bên cạnh đó, lực lượng của Israel còn tấn công nhiều mục tiêu khác gồm: Nhà của Izz ad-Din Haddad (thành viên Bộ Tổng tham mưu Hamas), Amjad Abu Naji (chỉ huy tiểu đoàn Nukhba), Ibrahim Muhammad Mustafa (chỉ huy tiểu đoàn Nam Khan Yunis), Ahmad Shamali (chỉ huy tiểu đoàn Nohava), nhà của Nissima Abu Ajuna (chỉ huy tiểu đoàn Beit Lahia).
HOÀ AN (Theo Reuters, SF)