Bạn Hoàng Bảo Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) hỏi: Tôi và chồng có một thửa đất đã lâu năm do chúng tôi mua bằng giấy tờ viết tay sau khi kết hôn bằng tiền chung của hai vợ chồng. Vừa qua, chồng tôi có đi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu. Khi nhận về tôi chỉ thấy tên chồng tôi ở trên giấy chứng nhận này, vậy việc này có ảnh hưởng đến quyền sử dụng của tôi hay không?
Luật sư trả lời:
Theo điều 33 Luật hôn nhân và gia đình, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này. Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Như vậy, nhà đất này do vợ chồng bạn tạo lập nên trong thời kỳ hôn nhân, do công sức đóng góp của cả hai vợ chồng nên được xác định là tài sản chung của vợ chồng bạn. Một mình chồng bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất không làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu của bạn.
Nếu xảy ra tranh chấp, chồng bạn muốn được pháp luật công nhận nhà đất đó là tài sản riêng của mình thì bắt buộc phải chứng minh. Nếu không, tài sản đó được coi là tài sản chung của vợ chồng.
Ngoài ra, căn cứ Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình, trường hợp nhà đất là tài sản chung nhưng chỉ đứng tên vợ hoặc tên chồng thì người đứng tên không được tự ý chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, góp vốn… mà phải có sự thỏa thuận của vợ chồng bằng văn bản.
Trường hợp tự ý chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, góp vốn bằng nhà, đất mà không có văn bản thỏa thuận thì tổ chức công chứng từ chối công chứng, UBND cấp xã từ chối chứng thực hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho.... Trong trường hợp thực hiện xong thủ tục sang tên nhà đất là tài sản chung mà không có văn bản thỏa thuận thì người còn lại có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, góp vốn đó là vô hiệu.
Theo Điều 131 Bộ luật Dân sự, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định, đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng.
Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có tranh chấp xảy ra thì bạn nên bàn bạc với chồng bạn để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để cùng đứng tên.
Hoàng Mai