Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ trong thời gian tới vì mua khí tài quân sự tiên tiến của Nga. Bất chấp những cảnh báo rát tai, hai nước vẫn quyết không từ bỏ các mục tiêu rủi ro này.
Giới phân tích đã đưa ra lý do vì sao các hệ thống vũ khí của Nga là đáng để cho Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ mạo hiểm.
Sự tự tin của Ai Cập
Cairo đã bắt đầu nhận 5 chiếc đầu tiên trong số ít nhất 20 chiếc Su-35SE đặt hàng từ Moscow. Quá trình giao lô đầu tiên này dường như xác nhận rằng Cairo đã thúc đẩy thương vụ trị giá 2 tỷ USD bất chấp cảnh báo từ Mỹ.
Tháng 11 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã cố gắng thuyết phục Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Mohamed Ahmed Zaki Mohamed hủy bỏ thỏa thuận với Nga.
Mỹ cung cấp cho Ai Cập khoảng 1,3 tỷ USD viện trợ quân sự mỗi năm. Phần lớn kho vũ khí của quân đội Ai Cập cũng là các thiết bị của Mỹ, từ máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcons đến trực thăng AH-64 Apache và xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams.
Vào năm 2017, Đạo luật Chống kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) có hiệu lực. Theo đó, bất kỳ quốc gia nào thực hiện giao dịch quan trọng với Nga đều phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Thương vụ Su-35 của Ai Cập ước tính trị giá 2 tỷ USD chắc chắn sẽ bị coi là “giao dịch quan trọng”.
Với những rủi ro này, nhiều câu hỏi hỏi đặt ra về việc tại sao Ai Cập lại quyết tâm với thương vụ như vậy.
Ai Cập đã chi hàng tỷ USD cho thiết bị quân sự tiên tiến từ cả Nga và Pháp trong những năm gần đây. Nước này đã mua hai tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral và một hạm đội máy bay chiến đấu đa nhiệm Rafale tiên tiến từ Pháp.
Từ Nga, Ai Cập đã mua một phi đội MiG-29M/M2 Fulcrum, trực thăng tấn công Ka-52 và hệ thống tên lửa phòng không S-300 tiên tiến. Cairo đã đề xuất mua các vũ khí này trước khi CAATSA trở thành luật.
Nhiều khả năng những cuộc mua bán này một phần nhằm mục đích đa dạng hóa nguồn cung cấp khí tài quân sự của Ai Cập để khiến nước này ít phụ thuộc hơn vào Washington và ít bị tổn thương hơn trước bất kỳ lệnh cấm vận vũ khí tiềm năng nào của Mỹ.
Ngoài ra, một số hệ thống vũ khí nói trên đã mang lại cho Ai Cập những khả năng mà nước này chưa hề có trước đó.
Ví dụ, phi đội F-16 của Ai Cập thiếu tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, mà hầu hết các máy bay F-16 khác trong lực lượng không quân Trung Đông, ngoại trừ Iraq, đều sở hữu.
Trong khi đó, những mẫu Rafale của Ai Cập lại được trang bị tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Meteor. Nếu những chiếc Su-35 mới của Ai Cập được trang bị tên lửa R-77, tương đương với AMRAAM, thì các máy bay chiến đấu của Pháp và Nga chắc chắn sẽ làm lu mờ những máy bay đối thủ từ Mỹ khi nói về khả năng không đối không.
Nếu tự tin có khả năng vượt qua bất kỳ lệnh trừng phạt tiềm năng nào của Mỹ đối với thương vụ Su-35, Cairo có thể đã tính toán rằng thương vụ này đáng để mạo hiểm.
Cái giá đáng để trả
Câu chuyện Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 Nga, làm căng thẳng mối quan hệ với Mỹ, đã trở thành đề tài tốn nhiều giấy mực của truyền thông.
Kể từ khi thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD lần đầu tiên được công bố ba năm trước, Mỹ liên tục cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ phải hủy bỏ. Ankara kiên quyết từ chối. Lệnh trừng phạt treo lơ lửng treo trên đầu nhưng không có vẻ gì lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lung lay. Điều gì là động lực phía sau?
Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng thiếu đang thiếu một hệ thống tên lửa phòng không tầm xa như S--400. Trong nhiều năm, Ankara chỉ dựa vào các hệ thống tầm trung cũ hơn nhiều như MIM-23 Hawk, không thể so sánh với các hệ thống mới hơn, tiên tiến hơn như S-400 hay MIM-104 Patriot của Mỹ.
Do đó, có thể hiểu rằng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ muốn có thêm các hệ thống phòng không tiên tiến. Ngoài ra, cũng có thể hiểu rằng nước này không muốn phải phụ thuộc vô thời hạn vào việc triển khai tên lửa Patriot của Mỹ hoặc NATO để bảo vệ không phận của mình.
Vào tháng 3/2015, một tên lửa Scud của Syria đã rơi xuống tỉnh biên giới Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ, gây thương tích cho năm thường dân và gây ra một số thiệt hại về tài sản. Hệ thống Patriot của NATO được triển khai ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí không đánh chặn Scud.
Lý do là bởi Patriot chỉ vì mục tiêu chính là theo dõi các vụ phóng tên lửa ở nước láng giềng Iran chứ không bảo vệ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi những tên lửa đi lạc như vậy.
Gần đây hơn, Thổ Nhĩ Kỳ không có hệ thống phòng không tầm cao nào để triển khai ở biên giới phía Nam với Syria trong các cuộc đụng độ chưa từng có với các lực lượng của chính quyền Syria ở Idlib. Ankara yêu cầu triển khai Patriot của Mỹ, nhưng Washington đã không đáp ứng.
Một lý thuyết khác có thể giải thích tại sao Thổ Nhĩ Kỳ mạo hiểm và hy sinh rất nhiều để có được S-400 thay vì nỗ lực mua Patriot, đó là để bảo vệ không phận của Ankara khỏi một nỗ lực đảo chính khác .
Trong khi động cơ thực sự đằng sau những thương vụ này vẫn chưa sáng tỏ, nhưng điều rõ ràng là cả Cairo và Ankara đều tin rằng lợi ích của việc trang bị vũ khí tiên tiến từ Nga lớn hơn nhiều so với rủi ro đối đầu với đồng minh Mỹ.