Trước tình hình này, ngành Hải quan đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, góp phần ổn định thị trường hàng hóa, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian gần đây, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ, các mặt hàng tiêu dùng như đường, thuốc lá, bia, mỹ phẩm, thực phẩm đông lạnh… qua biên giới có chiều hướng gia tăng. Hoạt động mua bán, vận chuyển các chất ma túy tiếp tục diễn ra phức tạp, có sự gia tăng đột biến về quy mô, số lượng vụ việc vi phạm. Số lượng chất ma túy, tang vật vi phạm, tập trung chủ yếu qua các cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước châu Âu, châu Mỹ hoặc qua tuyến đường bộ từ Lào trung chuyển qua Việt Nam rồi theo các tuyến đường biển.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 11 tháng của năm 2023, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 14.589 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa ước tính 11.521 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 474,258 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian trên, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ 243 vụ/277 đối tượng liên quan đến ma túy, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 99 vụ; tang vật thu được khoảng 2,8 tấn ma túy các loại.
Tổng cục Hải quan thông tin, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, phức tạp. Các đối tượng vận chuyển trái phép pháo nổ chủ yếu lợi dụng phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh, gia cố hầm hàng, khoang, thùng để cất giấu hàng nhằm qua mắt lực lượng chức năng.
Hàng hóa vi phạm khác, đặc biệt là ma túy thường được cất giấu tinh vi trong các loại hàng hóa như thực phẩm, đồ may mặc, dầu gội đầu, kem dưỡng da, kem đánh răng, lọ thực phẩm hoặc các thùng bia; cất giấu trong máy móc thiết bị, đồ gia dụng. Các đối tượng đi từ những nước là điểm nóng về ma túy hoặc có lịch bay vòng qua nhiều nước; có sự dịch chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất ra sân bay Nội Bài, sau đó vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt vào phía Nam...
Đối với hàng xuất khẩu, thông tin khai báo về tên người gửi thường không rõ ràng hoặc đứng tên các công ty vận chuyển tại Việt Nam. Đối với hàng nhập khẩu, tên người nhận thường có địa chỉ nhận không rõ ràng hoặc tại các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội.
Để đưa hàng lậu, hàng cấm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trót lọt vào nội địa tiêu thụ, các đối tượng thường khai sai tên hàng, số lượng hàng hóa, mã số, thuế suất hoặc sử dụng các công ty có nhập khẩu nguyên phụ liệu, sau đó đưa hàng hóa về Việt Nam để tiêu thụ. Khi bị phát hiện, các đối tượng sẵn sàng không làm thủ tục nhận hàng, chủ hàng thường không trực tiếp vận chuyển mà thuê người vận chuyển, làm thủ tục...
Góp phần bảo vệ người tiêu dùng
Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ càng diễn biến phức tạp. Cùng với đó, các đối tượng buôn lậu, vi phạm pháp luật đẩy mạnh hoạt động, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới.
Do đó, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, các lực lượng chức năng cần tập trung lực lượng, đề cao cảnh giác; đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng pháo nổ, may mặc, mỹ phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh, kẹo, thực phẩm, nước ngọt, đồ uống có ga…
Theo Tổng cục Hải quan, dịp cuối năm 2023 và giáp Tết Nguyên đán năm 2024, Tổng cục yêu cầu các đơn vị hải quan quản lý chặt chẽ địa bàn hoạt động, bảo đảm an ninh, bình ổn giá cả thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, chống thất thu ngân sách. Đồng thời, chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; không để địa bàn quản lý trở thành điểm nóng về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Cục Hải quan thành phố Hà Nội cho biết, xác định dịp cuối năm và thời điểm cận Tết Nguyên đán năm 2024, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp nên Cục đã chủ động đẩy mạnh các biện pháp, giải pháp trong công tác phòng, chống.
Đặc biệt, Cục căn cứ vào các hồ sơ điều tra, nghiên cứu nắm tình hình, phân tích dấu hiệu rủi ro từ những tuyến đường trọng điểm, đặc biệt là tuyến đường từ châu Âu, Đông Bắc Á để yêu cầu lực lượng chức năng tập trung lực lượng, đề cao cảnh giác. Từ đó, bảo đảm công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả cao nhất.
Thanh Tâm