Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson (giữa). Ảnh: Getty
Đài RT ngày 8/1 đưa tin, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cho rằng, chính phủ của ông Biden phải vạch rõ các mục tiêu cuối cùng của Washington trong cuộc xung đột ở Ukraine cũng như cách thức chi tiêu thêm bất kỳ khoản hỗ trợ nào trong bối cảnh Nhà Trắng cần sự chấp thuận của quốc hội để duy trì viện trợ cho Kiev.
Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS (Mỹ) ngày 7/1, ông Johnson tuyên bố, Mỹ phải đảm bảo biên giới của nước này trước khi nghĩ tới việc hỗ trợ các nước khác làm điều tương tự.
Tuyên bố này phản ánh trọng tâm trong sự phản đối của đảng Cộng hòa tại Hạ viện với gói viện trợ bổ sung mà chính phủ của ông Biden đưa ra vào cuối tháng 10/2023, trong đó có hơn 60 tỷ USD dành cho Kiev. Đảng Cộng hòa thời điểm đó nhất quyết chặn gói viện trợ bổ sung này để ưu tiên đầu tư cho các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn với nước láng giềng Mexico.
Theo Chủ tịch Hạ viện Mỹ, việc chặn gói viện trợ bổ sung vào cuối năm ngoái là một thông điệp của đảng Cộng hòa gửi tới Nhà Trắng "rằng họ đã không rõ ràng với người Mỹ".
"Hồi kết ở Ukraine là gì? Chiến lược, mục tiêu của Washington như thế nào trong cuộc xung đột này? Làm thế nào để chúng ta giám sát đúng mức số tiền viện trợ cho Kiev?", ông Johnson đặt ra nhiều câu hỏi.
Theo CBS, Chủ tịch Hạ viện Mỹ tuyên bố, để gửi thêm tiền đến Ukraine, Washington phải vay tiền từ nơi khác. Ông Johnson còn lưu ý đến khoản nợ liên bang 34 nghìn tỷ USD của Mỹ.
"Điều đảng Cộng hòa muốn nói là hãy viện trợ hợp lý... Chúng tôi cần nhận được lời giải trình hợp lý về các khoản viện trợ. Nhưng Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra câu trả lời thuyết phục. Tôi đã nói với họ rằng có thể đưa ra lời giải trình dưới bất kỳ hình thức nào (bằng văn bản, công khai hay riêng tư) nhưng Nhà Trắng không đáp ứng. Vì vậy, chúng tôi khó có cơ sở để chấp thuận việc duy trì viện trợ cho Ukraine", ông Johnson nói.
Khi được hỏi đã nói gì với Tổng thống Ukraine trong lần gặp mặt trực tiếp, Chủ tịch Hạ viện Mỹ tiết lộ: "Tôi đã nói rằng, chúng tôi ủng hộ người Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Ông Zelensky đã nói với chúng tôi rằng Kiev có thể chờ đợi viện trợ bổ sung muộn nhất là tới tháng 2. Ông ấy không cần khoản viện trợ đó trong tháng 12/2023 như Nhà Trắng nói".
Tuần trước, Shalanda Young, giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ, cảnh báo, nếu không có sự ủng hộ của quốc hội với nguồn viện trợ bổ sung, Mỹ có thể phải ngừng hoàn toàn viện trợ cho Ukraine.
Theo đài RT, Moscow ước tính Ukraine đã nhận hơn 200 tỷ USD viện trợ quốc tế kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. Cuối tháng 12/2023, Washington đã cung cấp cho Kiev gói viện trợ vũ khí trị giá 250 triệu USD.
Nga nhiều lần tuyên bố, việc phương Tây viện trợ quân sự cho Ukraine không giúp xoay chuyển cục diện xung đột mà chỉ khiến nó kéo dài thêm và tăng thương vong. Việc viện trợ cũng dễ khiến các nước phương Tây bị cuốn vào vòng xoáy xung đột.
Nguyễn Thái - RT