Cơ chế chính sách, đặc thù phải đồng bộ toàn diện
Ngày 20/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Cơ bản tán thành với Báo cáo thẩm tra sơ bộ, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý vào nhiều nội dung cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội cho ý kiến đạt chất lượng, mục tiêu đề ra.
Đánh giá cao hồ sơ, tài liệu của dự án Luật Thủ đô sửa đổi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý, về thời gian gửi hồ sơ tài liệu cần đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Tán thành phạm vi điều chỉnh, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như đề xuất là cơ sở pháp lý quan trọng cho xây dựng và phát triển chính quyền đô thị, trung tâm của cả nước và hệ thống đô thị vệ tinh lân cận.
Từ đó, giúp Thủ đô Hà Nội vận hành linh hoạt, nhanh nhạy, có những cơ chế, chính sách đặc thù riêng để có thể huy động nguồn lực đầu tư, tăng tính hội nhập, tạo sự bứt phá …
Đặc biệt quan tâm đến các quy định liên quan đến việc xây dựng, phát triển quản lý và bảo vệ Thủ đô, ông Cường cho biết, thông qua các quy định của dự thảo Luật, có thể hình dung được hình hài phát triển của Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới và trong tương lai.
Nhất trí với nhiều với nhiều nội dung tại báo cáo thẩm tra, ông lưu ý, hồ sơ dự án luật chưa có dự thảo quyết định về biện pháp và lộ trình di dời. Đây là một dạng văn bản quy định chi tiết mà theo quy định tại Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật.
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần làm rõ đầu tư cơ sở hạ tầng như thế nào để Hà Nội ngang tầm với các thành phố trên thế giới?; thành phố Hà Nội quyết định phân cấp, phân quyền cụ thể ra sao?
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cơ chế chính sách, đặc thù phải đồng bộ toàn diện, khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập đang cản trở sự phát triển của Thủ đô. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế chính sách đặc thù song cần rõ cơ chế, rõ trách nhiệm rõ cơ chế kiểm soát quyền lực.
Ngoài ra, ông Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị, nghiên cứu bổ sung chính sách phát triển thành phố theo hướng là thông minh thành phố xanh. Chỉ ra kinh nghiệm của các quốc gia, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị cần nhận diện rõ, có dự kiến phát triển không gian ngầm, có cơ chế chính sách đầu tư thuận lợi,…
Rà soát các quy định liên quan đến quản trị đô thị
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mặc dù quy mô dự án luật không lớn, gồm 7 chương, 59 điều nhưng Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là dự án luật khó, tính chất quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của Thủ đô trong thời gian tới.
Để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, cần tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 …
Đồng thời, cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến quản trị đô thị, đặc biệt thể chế hóa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ đô.
Trong đó, cần lưu ý và hướng tới giải quyết được một số yêu cầu cơ bản về: Phân cấp, phân quyền; các chính sách đặc thù phải trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá; đảm bảo tính đồng bộ với nguyên tắc là tuân thủ hiến pháp và hệ thống pháp luật;..
Liên quan đến điều khoản về đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, Hà Nội được Unesco vinh danh là thành phố sáng tạo trong mạng lưới thành phố sáng tạo thế giới.
Trong khi đó, thành phố sáng tạo chủ yếu là liên quan đến vấn đề thiết kế sáng tạo và thiết kế sáng tạo lại dựa chủ yếu trên cơ sở làng nghề.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, rà soát để có quy định phù hợp, có thể chế để phát triển làng nghề và làng có nghề.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, rà soát để nghiên cứu bổ sung hoặc điều chỉnh một số các quy định liên quan đến xây dựng phát triển Thủ đô hành chính như quy hoạch khu vực hành chính cho các cơ quan Trung ương; về bảo đảm các điều kiện cần thiết về đất đai, quản lý xây dựng điều kiện bảo đảm cơ sở hạ tầng cho hoạt động vận hành của các cơ quan Trung ương trên địa bàn Hà Nội;..
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, cần rà soát lại dự án Luật Nhà ở, dứt khoát không để hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở; rà soát quy định về bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng đất đai; thu hút đầu tư, tài chính – ngân sách;…
Cũng tại phiên thảo luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ các nội dung được nêu tại phiên thảo luận.