Chứng khoán Mỹ đã sụt giảm vào kết thúc phiên ngày 8/3, sau khi Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than của Nga vào Mỹ.
Điều này làm dấy lên quan ngại của các nhà đầu tư rằng lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm năng lượng từ Nga, một trong ba nhà cung cấp dầu lớn nhất thế giới, sẽ gây sức ép làm tăng giá dầu.
Dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu được giao dịch ở mức 128,82 USD/thùng, tăng 2,5%. Trong khi đó, dầu thô West Texas Intermediate (WTI) chuẩn của Mỹ giao dịch ở mức 124,6 USD/thùng, tăng 4,4%.
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones sụt giảm 184 điểm xuống còn 32.632, tương đương mất 0,56%. Chỉ số cổ phiếu S&P 500 giảm 30 điểm còn ở mức 4.170, tương đương mất 0,72%. Chỉ số Nasdaq giảm 35 điểm xuống 12.795, tương đương mất 0,28%.
Chỉ số đo lường biến động VIX, thường được gọi là chỉ số đo lường sợ hãi, đã giảm 3,6% xuống còn 35,13. Chỉ số USDX đo giá trị USD so với các ngoại tệ đã mất 0,22% xuống còn 98,07.
Mặt khác, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 1,846%. Kim loại quý tiếp tục tăng, với vàng tăng 2,7% lên 2.051 USD/ounce và bạc tăng 2,8% lên 26,4 USD/ounce.
Tổng thống Joe Biden hôm 8/3 đã tuyên bố sẽ nhắm mục tiêu vào "huyết mạch chính của nền kinh tế Nga" bằng cách cấm nhập khẩu các sản phẩm năng lượng nước này. Tổng thống Mỹ cho biết: "Chúng tôi đang cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu khí và năng lượng từ Nga. Điều đó đồng nghĩa rằng dầu của Nga sẽ không còn được tiếp nhận tại các cảng của Mỹ, nó sẽ giáng một đòn mạnh vào cuộc chiến của Tổng thống Putin".
Ông Joe Biden chia sẻ rằng quyết định cấm sản phẩm năng lượng của Nga được đưa ra "với sự tham vấn chặt chẽ" cùng các đồng minh trên thế giới, đặc biệt là đồng minh châu Âu. Nhiều đối tác trong số đó có thể sẽ không thực hiện được hành động tương tự. Dầu của Nga chỉ chiếm dưới 10% tổng lượng dầu nhập khẩu ở Mỹ, nhưng chiếm đến 1/3 lượng nhập khẩu ở châu Âu.
Tổng thống Mỹ phát biểu tại Nhà Trắng: “Sản xuất dầu trong nước tại Mỹ nhiều hơn so với toàn bộ châu Âu", Mỹ là nhà xuất khẩu năng lượng ròng. Ông nói: "Chúng tôi có thể thực hiện bước đi này trong khi những nước khác không thể. Nhưng chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với châu Âu và các đối tác để xây dựng một chiến lược dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc của họ vào năng lượng từ Nga".
Lệnh mới cấm mọi giao dịch mua mới của Mỹ đối với các sản phẩm năng lượng Nga, đồng thời giảm bớt việc cung cấp trong các giao dịch mua đã ký hợp đồng. Nó cũng cấm các đầu tư mới của Mỹ vào lĩnh vực năng lượng của Moscow.
Ông Kwasi Kwarteng, Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Anh, cũng đã tuyên bố chính phủ nước này sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu các sản phẩm dầu từ Nga vào cuối năm 2022. Ông cho biết trên twitter: “Sự chuyển đổi này cho phép thị trường, doanh nghiệp và chuỗi cung ứng có đủ thời gian để thay thế hàng nhập khẩu từ Nga - vốn chiếm 8% nhu cầu nước Anh”; "Các doanh nghiệp nên tận dụng năm nay để đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ và không ảnh hưởng đến người tiêu dùng".
Phạm Hà Thanh (theo AA, NBC News)