Cuộc hành quân thần tốc trong đêm
21h, sau những giây phút ngắn ngủi nghỉ ngơi để ăn cơm tối, 52 cán bộ là y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An lập tức tập hợp, chuẩn bị thực hiện mục tiêu ngay trong đêm phải lấy khoảng 6.000 mẫu xét nghiệm (tại 4 xã Minh Châu, Diễn Tân, Diễn Trung và Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Đặc biệt là 103 trường hợp F1 và hàng nghìn người liên quan, trong đó có nhiều trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh BN 11634.
21h30, sau khi đã rõ nhiệm vụ và địa bàn phụ trách, phân công lực lượng tiếp nhận vật tư, đoàn bắt đầu chia thành 4 mũi thẳng về các xã để tập trung lấy mẫu cho người dân đang chờ. Nhìn khí thế của các y bác sĩ này, không ai biết rằng họ đã phải rời xa gia đình, rời xa chồng con hơn 1 tuần để chi viện cho các “điểm nóng” về dịch Covid-19 của tỉnh Hà Tĩnh.
Bác sĩ Trịnh Xuân Nam – Phó giám đốc bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cho biết, 52 cán bộ này đều đã được tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19, kiểm tra sức khỏe cẩn thận trước khi lên đường. Họ được lựa chọn từ hàng ngàn cán bộ y tế đăng ký tình nguyện đi chống dịch của tỉnh Nghệ An. Vào ngày 9/6, đoàn công tác sang Hà Tĩnh để giúp tỉnh bạn chống dịch khi tình hình nơi đây đang diễn biến phức tạp.
“Đây đều là các cán bộ, y bác sĩ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xét nghiệm, truy vết, chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhiều người đã có gia đình, con nhỏ nhưng vẫn quyết tâm lên đường chống dịch”, bác sĩ Nam nói.
Trước đó, vào buổi sáng 16/6, đoàn quân “áo trắng” này vẫn đang làm nhiệm vụ lấy hơn 5.100 mẫu xét nghiệm tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sau bữa cơm trưa muộn, họ nhận được được lệnh quay về Nghệ An gấp để chi viện cho huyện Diễn Châu nơi đang xuất hiện những ca F0, F1 đầu tiên.
Nguyên nhân chủ yếu do trong khoảng thời gian từ 9/6 đến 15/6, BN 11634 này làm việc tại nhiều xã ở huyện Diễn Châu như Diễn Kim, Diễn Tân, Diễn Hải, Diễn Xuân, Diễn Thịnh... Quá trình làm việc, tiếp xúc với nhiều người dân. Vì vậy, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 toàn huyện Diễn Châu. Ngoài ra, 5 xã là Diễn Thịnh, Diễn Cát, Diễn Tân, Diễn Trung, Diễn Kim thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16... Thời gian áp dụng bắt đầu từ 0h ngày 17/6/2021.
Bác sĩ Lê Phạm Hà, bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cho biết, sau 1 tuần làm việc liên tục mọi người đều đã thấm mệt. Nhưng khi nhận được lệnh thì anh em trong đoàn không ai bảo ai, nhanh chóng sắp xếp những công việc đang dở, bàn giao tỉ mỉ, thu dọn và căn dặn sát sao để những ngày chi viện trên đất Hà Tĩnh được trọn vẹn nhất, đảm bảo nhất. Chiều cùng ngày, xe đưa đoàn cán bộ về đến Nghệ An nhưng không ai được về thăm nhà dù chỉ một giây để tức tốc hành quân đến huyện Diễn Châu trong đêm.
“Người dân huyện Diễn Châu cũng hiểu rõ về tình trạng khẩn cấp nên cũng vô cùng phối hợp. Chúng tôi cũng quyết tâm lấy hết 6.000 mẫu cho người dân. Dù mệt mỏi nhưng chúng tôi đã làm quên cả thời gian. Đến rạng sáng 17/6, các tổ đã cơ bản hoàn tất việc lấy mẫu”, bác sĩ Hà nói.
Dù gục ngã vẫn đứng dậy làm nhiệm vụ
Trong quá trình lấy mẫu, nữ điều dưỡng Nguyễn Diệu Hằng (SN 1995) công tác tại khoa Tim Mạch 2, bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã bị sốc nhiệt, hạ đường huyết. Thấy vậy, các đồng nghiệp khác đã lập tức chạy đến hỗ trợ. Thế nhưng sau khi uống nước và nghỉ ngơi một lúc thì nữ điều dưỡng vẫn quyết định trở lại công việc.
Nói về việc này, nữ điều dưỡng lại cảm thấy hơi ái ngại: “Sau việc này ai cũng động viên tôi cố gắng khiến tôi vừa xúc động lại thấy vô cùng xấu hổ. Do sức khỏe của mình yếu nên đã ảnh hưởng đến công tác của cả đoàn, ảnh hưởng đến thời gian lấy mẫu xét nghiệm của người dân. Tôi sẽ cố gắng không để trường hợp tương tự xảy ra”.
Theo chị Hằng, sự việc xảy ra vào khoảng 1h ngày 17/6. Vào buổi trưa ngày hôm trước do mệt nên chị không muốn ăn, đồng thời di chuyển quãng đường dài từ Hà Tĩnh về Nghệ An, sau đó lại tiếp tục công việc dẫn đến kiệt sức. Thời điểm đó còn khoảng 100 người dân đang chờ lấy mẫu xét nghiệm thì chị Hằng thấy choáng váng phải ngồi dựa lưng vào bức tường để nghỉ ngơi.
Điều đáng nói, công tác vất vả đó đã quá quen thuộc đối với các thành viên trong đoàn, bởi do dịch bệnh diễn biến căng thẳng nên ca làm việc của mọi người không có giờ giấc cố định. Có khi 6 -7 giờ bắt đầu cho đến tối muộn, có khi lại làm thâu đêm đến lúc mặt trời mọc.
Bất cứ khi nào có lệnh điều động là cả đoàn lại sẵn sàng lên đường. Có những hôm lấy mẫu xét nghiệm liên tục 12 - 13 tiếng, trong khi thời tiết nắng gắt lên đến hơn 39 độ C nhưng chị Hằng và các y bác sĩ vẫn phải khoác trên người bộ đồ bảo hộ. Thế nhưng, không một ai kêu ca mà đều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Họ cho rằng đây là trách nhiệm, là y đức của bác sĩ, nhất là khi dịch đang diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, một điều ít người biết, chị Nguyễn Diệu Hằng vốn quê ở huyện Diễn Châu. Trở về trong thời điểm dịch đang hoành hành, nhiều người quen của chị đã trở thành F1, F2 càng khiến cho nữ điều dưỡng càng thêm quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần công sức nhỏ bé để giúp người dân.
“Tôi không sợ vất vả, chỉ sợ không hoàn thành nhiệm vụ. Mặc dù xảy ra sự cố vừa rồi nhưng tôi vẫn muốn cống hiến. Tôi chỉ hi vọng công việc của mình giúp đỡ được nhiều người hơn”, chị Hằng nói.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)