Chuyên gia nói gì việc một số nơi chậm tiêm mũi nhắc lại phòng Covid?

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 4, 22/06/2022 14:48

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, vắc-xin Covid có miễn dịch không bền vững và lâu dài, chỉ sau khoảng thời gian nhất định thì miễn dịch sẽ giảm tùy theo từng loại vắc-xin.

Rất khó trong dự báo dịch

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, mọi hoạt động đã trở lại “bình thường cũ”, thông điệp phòng chống dịch từ 5K hiện cũng đã thay đổi cách thức áp dụng

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện thực tế là nhiều người dân ngại tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, 4), dẫn đến tiến độ tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 ở nhiều địa phương còn chậm, một số nơi từ chối nhận hoặc trả lại vắc-xin đã được phân bổ.

Vậy, việc tiêm mũi nhắc lại có cần thiết trong bối cảnh hiện nay là câu hỏi được nhiều người quan tâm? Để giải đáp thắc mắc này, Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ từ PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Sự kiện - Chuyên gia nói gì việc một số nơi chậm tiêm mũi nhắc lại phòng Covid?

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng việc xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, ông Phu cho biết, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng, tử vong.

Hiện, biến chủng Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng có thể vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay Tổ chức y tế thế giới và các quốc gia đều xác định vắc-xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch Covid-19.

Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân, hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Hiện nay, chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vắc-xin phòng Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân, trong khi hiệu lực của vắc-xin giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Việc xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể, thậm chí có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

“Hơn nữa, miễn dịch có được do tiêm vắc-xin phòng bệnh và miễn dịch mắc phải đều không bền vững, do đó rất khó trong dự báo dịch”, ông Phu nói.

Ông Phu nhận định, thời gian tới số ca nhiễm có thể giảm hoặc tăng tùy vào các điều kiện về tác nhân như xuất hiện các biến thể mới); về chính sách như thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch; các biến thể, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ khá nhanh trên thế giới; tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia như Trung Quốc, Triều Tiên… vẫn đang diễn biến phức tạp.

Trước thực tế có một số người dân ngại đi tiêm mũi nhắc lại, nhiều địa phương từ chối nhận vắc-xin được phân bổ hoặc triển khai chậm, ông Phu cho hay, theo các nhà chuyên môn, nhà sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 và thông qua đánh giá lâm sàng cho thấy, vắc-xin Covid-19 có miễn dịch không bền vững và lâu dài, chỉ sau khoảng một thời gian thì miễn dịch sẽ giảm tùy theo loại vắc-xin. “Vì vậy, người đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vẫn có thể bị tái nhiễm”, ông Phu nhấn mạnh.

Tiêm mũi nhắc lại là cần thiết

Theo chuyên gia y tế, nhiều nước trên thế giới và Việt Nam cũng đã triển khai tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) để phòng bệnh cho người dân. Hầu hết những đối tượng này khi mắc bệnh hoặc tái nhiễm đều có triệu chứng nhẹ. Một số nước cũng đã triển khai tiêm mũi 4 cho những đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền, những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế…

Sự kiện - Chuyên gia nói gì việc một số nơi chậm tiêm mũi nhắc lại phòng Covid? (Hình 2).

Chuyên gia y tế cho rằng tiêm mũi 3, 4 phòng Covid-19 là điều cần thiết.

Khác với một số vắc-xin: đậu mùa, sởi, bại liệt có miễn dịch rất bền vững, gần như suốt đời, thì người được tiêm vắc-xin phòng Covid sau một thời gian nhất định,miễn dịch sẽ giảm dần, sức chống đỡ trước bệnh tật cũng giảm, người đã tiêm rồi vẫn có thể nhiễm Covid-19 và nguy hiểm hơn cho người mắc bệnh nền, người suy giảm miẽn dịch, người già…

Khi tiêm mũi nhắc lại thì miễn dịch sẽ tăng lên. Vì vậy, theo tôi việc tiêm mũi nhắc lại là rất cần thiết để phòng bệnh, nếu không may nhiễm thì bệnh sẽ nhẹ, hệ thống y tế không bị quá tải, giảm thấp nhất ca nặng, hạn chế ca tử vong. Tất nhiên việc chỉ định tiêm cho đối tượng nào, thời gian tiêm khi nào cần căn cứ trên nhiều khía cạnh như nguy cơ dịch, nguồn vắc xin, kinh tế khi triển khai…các quốc gia cần có hướng dẫn phù hợp.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, vắc-xin phòng Covid-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh khi biến chủng Omicron vẫn chiếm ưu thế trên thế giới”, ông Phu nhấn mạnh.

Khẳng định tầm quan trọng của mũi nhắc lại phòng Covid-19, chuyên gia y tế dự phòng cho rằng cần phải tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu, những ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, những ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, nhất là người già, người mắc bệnh nền.

Ngày 11/6, Bộ Y tế có công điện gửi đến Bí thư Tỉnh ủy, Thành uỷ trực thuộc Trung ương; Chủ tịch UBNDcác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường tiếp nhận và triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Bộ Y tế nhấn mạnh, địa phương nào không tiếp nhận đủ vắc-xin sử dụng để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và không rà soát đủ đối tượng thuộc diện phải tiêm, để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tại công điện này, Bộ Y tế cũng đã nêu tên 9 địa phương chưa tiếp nhận hết số vắc-xin được phân bổ gồm: Điện Biên, Hà Nam, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu; một địa phương chưa tiếp nhận vắc-xin phân bổ: Thanh Hóa; 4 địa phương đề nghị điều chuyển vắc-xin với số lượng lớn gồm: Thanh Hóa, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Cà Mau.

Đến nay, cả nước đã được tiêm 226.353.355 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 202.646.648 liều: Mũi 1 là 71.491.176 liều; Mũi 2 là 68.836.005 liều; Mũi 3 là 1.508.290 liều; Mũi bổ sung là 14.968.808 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 43.726.430 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 2.115.939 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.547.009 liều: Mũi 1 là 8.961.505 liều; Mũi 2 là 8.585.504 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 6.159.698 liều: Mũi 1 là 5.186.849 liều; Mũi 2 là 972.849 liều.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.