Chuyện thẩm phán phải báo án lên chánh án ở Khánh Hòa

Chuyện thẩm phán phải báo án lên chánh án ở Khánh Hòa

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Thẩm phán – chánh tòa Tòa hình sự Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa bị kiểm điểm, phê bình vì không làm theo đúng chỉ đạo, quy định báo án trước khi xét xử, việc xảy ra năm ngoái. Luật sư Nguyễn Hồng Hà, phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Khánh Hòa cho rằng: "Không ai có quyền yêu cầu thẩm phán phải dừng tuyên án".

Chúng tôi xin đăng lại bài phỏng vấn chánh án kiêm bí thư Đảng ủy TAND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Văn Phước về vụ này trên báo Sài Gòn Tiếp thị để độc giả rộng đường dư luận:

Ông Phước cho biết việc kiểm điểm, phê bình thẩm phán Nguyễn Chí Cường – chánh tòa Tòa hình sự TAND tỉnh là vì qua kiểm tra tất cả hồ sơ vụ án mà thẩm phán Cường đã xét xử trong sáu tháng cuối năm 2010 thì có sáu vụ vi phạm. Vì thẩm phán Nguyễn Chí Cường làm chủ tọa hội đồng xét xử (HĐXX) nhưng không thực hiện đúng quy chế hoạt động nghiệp vụ của TAND tỉnh Khánh Hòa về việc phải báo cáo cho chánh án trước khi xét xử.

Pháp luật - Chuyện thẩm phán phải báo án lên chánh án ở Khánh Hòa

Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Văn Phước. Ảnh: SGTT.

> Con đường tù tội của nữ doanh nhân địa ốc nổi tiếng Khánh Hòa.

Chuyện yêu cầu dừng tuyên án

Thưa ông, việc kiểm tra như thế là đối với tất cả thẩm phán của TAND tỉnh hay chỉ kiểm tra một mình thẩm phán Nguyễn Chí Cường?

Chỉ kiểm tra đối với thẩm phán Nguyễn Chí Cường. Đó là xuất phát từ việc phát hiện sai phạm là có một vụ án “giết người”, lại có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm liên can đến đối tượng là con của trưởng công an huyện Ninh Hòa, thế nhưng khi xét xử thẩm phán Nguyễn Chí Cường đã không thực hiện đúng quy chế: “Tất cả các loại án trước khi xét xử thì thẩm phán phải báo cáo cho chánh án biết ngày xử, để chánh án triệu tập ủy ban Thẩm phán (UBTP) trao đổi nghiệp vụ. Việc trao đổi nghiệp vụ đó là để giúp cho thẩm phán nói riêng và HĐXX nói chung cập nhật kiến thức về pháp luật, giải quyết vụ án chính xác hơn, chất lượng hơn”…

Sau khi tôi kiểm tra, phát hiện thẩm phán Nguyễn Chí Cường không báo cáo trước khi xét xử sơ thẩm trở lại vụ án “giết người” đó, từ sân bay tôi đã gọi điện thoại yêu cầu anh Cường tạm dừng việc tuyên án vụ án này lại để tôi sẽ về ngay trong buổi chiều hôm đó và triệu tập UBTP nghe lại nội dung vụ án. Vì đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng và có nhiều dư luận hết sức phức tạp. Anh Cường đã đồng ý sẽ tạm dừng lại.

Thế nhưng, khi tôi về đến tòa án chiều hôm đó thì thẩm phán Nguyễn Chí Cường đã tuyên án vụ án “giết người” rồi. Sau đó thẩm phán Cường cũng thông báo lại cho tôi là ảnh đã tuyên án vụ án “giết người” rồi, vì có một hội thẩm nhân dân trong HĐXX mắc bận vào ngày hôm sau nên không thể dừng tuyên án được. Nhưng theo luật cho phép thì việc nghị án có thể kéo dài đến năm ngày nên nếu hội thẩm nhân dân bận hôm sau thì vẫn còn có thể kéo dài và tuyên án vào các ngày kế tiếp.

Đó là không chấp hành chỉ đạo của chánh án, vi phạm quy chế về việc xét xử vụ án nhưng không báo cho chánh án.

Các vụ án xét xử thì HĐXX có cả các hội thẩm nhân dân, quyền biểu quyết của hội thẩm nhân dân thì ngang với thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Vậy trong những tình huống khi HĐXX biểu quyết, hội thẩm nhân dân chiếm đa số và họ không đồng tình với việc tạm dừng tuyên án, khi ấy thì thẩm phán phải thực hiện chỉ đạo việc tạm dừng tuyên án như thế nào?

Hội thẩm nhân dân thì họ có quyền của họ. Còn tôi đã yêu cầu thẩm phán như thế rồi thì còn việc dừng hay không dừng tuyên án là quyền của anh. Nhưng quy chế đã ra rồi, tất thì phải phục tùng sự lãnh đạo và chỉ đạo của chánh án. Bởi việc anh dừng lại nó không ảnh hưởng gì hết, đâu có ảnh hưởng gì đâu. Nếu hội thẩm nhân dân không đồng ý dừng thì anh cũng báo cho tôi biết để tôi xử lý tình huống tiếp theo.

Nhưng nếu hội thẩm nhân dân chiếm đa số và không đồng ý tạm dừng phiên tòa hay dừng tuyên án thì thẩm phán phải làm thế nào? Trong quy định của pháp luật và hướng dẫn về xét xử, có quy định nào để giải quyết những tình huống như thế hay không?

Chưa, chưa có. Chưa có tình huống đó xảy ra.

Còn trường hợp HĐXX chấp nhận tạm dừng theo yêu cầu của chánh án, ví dụ như trong trường hợp ông đã yêu cầu, nhưng nếu HĐXX đã nghị án xong rồi, đã quyết mức án rồi. Vậy thì việc tạm dừng tuyên án đó liệu nó có thể có tác động gì để làm thay kết quả nghị án đó không?

Không. Không được. Anh đã nghị án rồi thì có gì nữa mà nói lại. Bởi vì về quy chế tôi đã nói rồi, khi ra phiên tòa nếu có tình tiết mới có thể làm thay đổi hướng giải quyết mà trước đây thẩm phán và UBTP đã bàn thống nhất rồi nhưng giờ ra nó có tình tiết mới, có thể làm thay đổi, thì anh phải báo lại để tiếp tục trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ. Việc trao đổi nghiệp vụ đó là để làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác hơn. Còn sau đó ra anh tuyên là quyền của anh, anh có tiếp thu hay không là quyền của anh chứ không bắt buộc.

Bắt buộc phải báo cáo án

Vậy thì báo án là báo những nội dung gì? Quy chế báo án đó là theo quy định thống nhất chung của toàn ngành tòa án hay là chỉ là quy định tùy theo từng tòa án?

Nói đầy đủ là báo cáo về vụ án trước khi xét xử cho chánh án biết, để chánh án triệu tập UBTP trao đổi nghiệp vụ. Gần đây chánh án TAND tối cao tiếp tục có một văn bản hướng dẫn, văn bản này là văn bản mật. Còn theo quy chế làm việc của TAND tỉnh Khánh Hòa là thẩm phán trước khi xử phải báo cho chánh án để chánh án triệu tập UBTP nghe lại vụ án, xem cái hướng thẩm phán đề xuất xét xử vụ án đó như thế nào, có đúng pháp luật hay không? UBTP sẽ trao đổi, chánh án là người có ý kiến cuối cùng. Còn thẩm phán nói riêng và HĐXX nói chung có tiếp thu các ý kiến của UBTP và chánh án hay không là quyền của anh. Nếu thẩm phán và HĐXX thấy rằng các ý kiến đó là chưa đúng hoặc không đúng thì anh có quyền khi ra nghị án, nếu có nhiều ý kiến khác nhau thì anh biểu quyết, tuyên án theo đa số và anh chịu trách nhiệm về bản án đó. Độc lập là độc lập ở chỗ đó.

Dư luận và kể cả cũng có những thẩm phán cho rằng khi ra xét xử, có những vụ án họ phải tuyên theo mức án đã được họp và báo án trước khi xét xử. Ông có ý kiến như thế nào về chuyện đó?

Không bao giờ có chuyện duyệt án. Chánh án và UBTP không có chuyện là buộc thẩm phán anh phải xử vụ này cho tui là 15 năm hay anh phải xử vụ này là 20 năm hoặc là cái vụ này anh phải xử treo… Không bao giờ có nguyên tắc nào như thế cả. Tôi chưa nghe thẩm phán nào báo cáo về những chuyện phải làm theo như thế cả. Hoạt động của UBTP là hoạt động công khai, khách quan.

Đâu phải thẩm phán cứ nói rằng tôi xử oan là tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật. Xin thưa, chánh án kiêm bí thư Đảng ủy TAND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước tỉnh ủy, trước lãnh đạo TAND tối cao và chịu trách nhiệm trong hệ thống quản lý của mình về mọi hoạt động của tòa án, trong đó có hoạt động xét xử. Nên buộc tôi phải biết, tôi phải có đường lối chỉ đạo vụ này có tội hay không có tội thì phải trao đổi. Thậm chí nếu có vụ nào còn lướng vướng thì phải báo cáo lên TAND tối cao để được hướng dẫn nghiệp vụ.

Không chỉ nói riêng ở Khánh Hòa, mà thực tế nói chung, theo ông trong việc báo cáo án hay trao đổi nghiệp vụ hiện nay liệu có những kẽ hở nào có thể làm nảy sinh các tình huống mà chánh án hay thành viên UBTP có thể tạo ra những áp đặt đối với thẩm phán và HĐXX hay không?

Ở đâu đó thì tôi không biết được. Mình cũng không dám khẳng định là hoàn toàn không có. Nhưng nếu mình nói có thì mình cũng không có cơ sở để nói rằng ở nơi nào đó nó có. Còn ở đây (tức TAND Khánh Hòa) là hoàn toàn không có. Bởi nếu có chuyện đó là đã vi phạm pháp luật rồi.

(Còn tiếp).

Nhóm PV Pháp đình (tổng hợp theo Sài Gòn Tiếp thị)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.