Hình ảnh vụ tai nạn được chia sẻ trên nhóm Facebook về giao thông mới đây cho thấy, sau khi xe máy Lead tông vào đuôi ô tô bán tải, tài xế đi xe máy ngã đập xuống đường, còn chiếc ô tô bán tải vẫn tiếp tục di chuyển.
Đoạn clip được người dùng Facebook chia sẻ kèm theo thông tin tìm kiếm chiếc ô tô bán tải liên quan tới tai nạn.
Hình ảnh sự việc thu hút hàng chục bình luận với nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, tài xế điều khiển xe máy Lead chạy nhanh lúc đường ướt, trơn trượt, không làm chủ tốc độ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chưa biết ai đúng ai sai nhưng tài xế liên quan tới vụ tai nạn cần có trách nhiệm dừng xe giúp đỡ người gặp nạn, không nên bỏ chạy.
Từ vụ việc trên, trao đổi với PV về quy định xử lý hành vi gây tai nạn bỏ chạy, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết: Tài xế lái xe liên quan trực tiếp tới vụ tai nạn nhưng lái bỏ đi, không dừng lại giúp đỡ nạn nhân gặp nạn là hành vi đáng lên án, thiếu văn hóa giao thông, cần xử lý nghiêm.
Theo luật sư Kiên, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe ô tô nếu gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn, sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 đến 7 tháng.
"Hình ảnh vụ tai nạn cho thấy, thời điểm xảy ra tai nạn, đường ướt trơn trượt do mưa, có thể điều này dẫn tới tầm nhìn của tài xế xe máy bị hạn chế, quan sát ô tô sang đường khó khăn nên gặp tai nạn.
Tuy nhiên, sau tai nạn, chưa xét đến ai mắc lỗi, tài xế cần dừng xe giúp đỡ nạn nhân vừa gặp nạn, đồng thời tránh cho bản thân nguy cơ bị xử lý về hành vi không giúp đỡ người bị nạn" - luật sư Kiên khuyến cáo.
Minh Khang