Cuộc đời Catherine Đại đế là chủ đề được khai thác nhiều lần qua các series phim truyền hình ở châu Âu và Nga.
Trong lịch sử thế giới, có những nhân vật xuất thân là người nước ngoài nhưng lại trở thành người vĩ đại, có ảnh hưởng sâu rộng ở quốc gia bản địa mà họ sinh sống. Loạt bài này sẽ đề cập một số nhân vật kiệt xuất như vậy. |
Catherine Đại đế sinh năm 1729 với tên khai sinh là Sophie Friederike Auguste, ở vùng Pomeranian thuộc Vương quốc Phổ (nay thuộc Ba Lan). Bà xuất thân trong một gia đình quý tộc Đức.
Theo xu hướng của giới quý tộc thời bấy giờ, bà được hưởng sự giáo dục từ một gia sư người Pháp. Ngoài tiếng Đức, bà còn thông thạo tiếng Pháp, ngôn ngữ chung của giới thượng lưu châu Âu vào thế kỷ 18. Bà xây dựng hình tượng mình thời trẻ theo kiểu tomboy (phong cách ăn mặc giống như nam giới) và tự rèn luyện để thành thạo kiếm thuật.
Viết trong cuốn hồi ký cuộc đời, Catherine Đại đế nói tuổi thơ của bà khá bình yên. "Chẳng có gì khiến tôi cảm thấy thú vị", bà cho biết.
Mặc dù bà sinh ra trong gia đình quý tộc nhưng cha mẹ của bà không phải là những người giàu có. Sở dĩ cuộc đời của bà có bước ngoặt lớn sau này là nhờ họ hàng bên nhà ngoại giàu có.
Đối với các gia đình quý tộc Đức không có thực quyền như gia đình Sophie, một cuộc hôn nhân thuận lợi là một trong những phương tiện tốt nhất để thúc đẩy lợi ích cho gia tộc.
Năm 1739, khi mới 10 tuổi, bà gặp chồng tương lai của mình là Peter III, cháu nội của Sa hoàng Peter Đại đế. Năm 1742, Peter III được người dì là nữ hoàng Nga Elizaveta Petrovna chỉ định làm người nối ngôi.
Viết trong cuốn hồi ký, bà nói ấn tượng lần đầu của mình với Peter III, người hơn bà một tuổi là không mấy tích cực, thậm chí còn thấy "đáng ghét".
Nhưng Sophie lại lọt vào mắt xanh của nữ hoàng Nga Elizaveta Petrovna, người khi đó đang muốn tìm vợ cho cháu trai sau này sẽ nối ngôi.
Cuộc hôn nhân này được kì vọng sẽ củng cố mối quan hệ giữa Vương quốc Phổ và Đế quốc Nga. Nhưng mẹ của Sophie, Joanna Elisabeth ban đầu đã phản đối kịch liệt. Sử sách chép rằng bà Joanna cảm thấy ghen tị khi con gái có triển vọng trở thành người phụ nữ quyền lực nhất ở Nga.
Diễn viên Elle Fanning vào vai nữ hoàng Catherine Đại đế.
Bất chấp sự phản đối, đám cưới giữa Sophie và thái tử Nga Peter III diễn ra năm 1745. Bà khi đó 16 tuổi.
Một năm trước lễ cưới, Sophie lần đầu được đưa tới Nga để làm quen với môi trường sống mới. Nhờ vào tính cách mạnh mẽ từ nhỏ và không ngại va chạm, bà tỏ ra hòa nhập nhanh chóng.
Bà rất biết cách để lấy lòng nữ hoàng Nga khi đó là Elizaveta Petrovna cũng như tìm cách gây ấn tượng tốt với người dân Nga.
Không mặc cảm vì phải sống trong một xã hội mà mọi người nói ngôn ngữ khác lạ so với ở quê nhà, Sophie ngày đêm học tiếng Nga. Bà học ngôn ngữ một cách chủ động, thức khuya để học bài trong phòng ngủ. Mùa đông đầu tiên sống ở Nga, bà bị viêm phổi vì cái lạnh khắc nghiệt, từng nhiều lần phải truyền máu.
Bà cũng chủ động cải đạo sang Chính thống giáo Đông phương bất chấp sự phản đối của cha mẹ. Nhưng điều này giúp bà được nữ hoàng Elizaveta Petrovna đặc biệt yêu quý, coi như con đẻ.
Trong cuốn hồi ký, Catherine Đại đế nói động lực để bà học tiếng Nga là vì sẵn sàng làm mọi thứ cần thiết để hòa nhập với môi trường mới, để có thể trở thành người phụ nữ quyền lực trong tương lai.
Trong nhiều năm về sau, mặc dù đã thành thạo tiếng Nga, có thể nói chuyện như người bản xứ nhưng chất giọng pha lẫn giọng Đức của bà thì không bao giờ loại bỏ được.
Không lâu sau khi chuyển tới sống ở Nga, bà chuyển sang dùng tên Catherine (Yekaterina trong tiếng Nga). Trong đám cưới diễn ra long trọng, cha của bà vì phản đối con gái cải đạo mà đã không sang Nga để dự lễ cưới.
Giống như những ấn tượng ban đầu khi gặp chồng tương lai, Sophie trải qua một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Theo nhận định của các sử gia châu Âu, cặp đôi "vừa không có sự tương đồng về tư duy, vừa không có chung sở thích".
Trong thăng trầm của cuộc đời, Catherine trải qua nhiều mối tình và có cuộc hôn nhân không hạnh phúc với Sa hoàng Nga Peter III.
Sử gia Janet Hartley nhận định, trong khi Peter III "thô lỗ và tỏ ra chưa trưởng thành” thì Sophie là một người mạnh mẽ và đặc biệt yêu thích văn hóa châu Âu.
Những khác biệt này khiến cả hai bên tìm kiếm sự thân mật ở nơi khác. Peter III từng công khai có nhân tình còn bà sau này gây tranh cãi khi nói con trai duy nhất của bà với chồng là kết quả của mối tình với bạn trai cũ. Nhưng sau này, bà đã đính chính khi nói lại rằng cậu bé Paul là con của bà với Sa hoàng Nga Peter III.
Cuộc hôn nhân không hạnh phúc được coi là động lực thúc đẩy Sophie theo đuổi những mục tiêu tham vọng hơn. Bà không ngừng trau dồi về trí tuệ, nghĩ rằng không ngừng học hỏi là cách để mình vượt trội so với chồng, tạp chí Smithsonian, ấn phẩm của Viện Smithsonian nổi tiếng tại Mỹ, cho biết.
Catherine Đại đế từng nói: "Nếu có một người chồng mà tôi có thể yêu thương thì tôi đã không có thái độ tiêu cực với anh ấy". Không chấp nhận số phận bị ghẻ lạnh, bà xây dựng mối quan hệ với các quan lại và quý tộc khác ở Nga. Bà cũng liên kết với các nhóm chính trị có xu hướng phản đối Peter III.
Mâu thuẫn giữa Peter III và Sophie càng bộc lộ rõ sau khi chồng bà trở thành Sa hoàng Nga vào năm 1762, sau sự kiện nữ hoàng Elizaveta Petrovna qua đời.
Ngay từ những ngày đầu tiên, Peter III đã tính tới việc chấm dứt cuộc hôn nhân và cấm Sophie xuất hiện trước công chúng, tạp chí Smithsonian cho biết.
Không chấp nhận số phận như vậy, Sophie tận dụng khoảng thời gian để lôi kéo đồng minh nhằm phát động đảo chính lật đổ chồng.
Trong hồi ký, Catherine Đại đế từng nói: "Mọi hành động của anh ta (Peter III) đều dẫn đến sự điên rồ”. Bằng cách giành lấy ngai vàng, bà tin rằng mình là người "cứu nước Nga khỏi những thảm họa do sự yếu kém trong năng lực lãnh đạo của Sa hoàng Peter III".
Sử gia Janet Hartley nói trên tạp chí Smithonian: "Peter III có tính tình cực kỳ thất thường. Sa hoàng như vậy lãnh đạo nước Nga sớm muộn sẽ dẫn đến bạo loạn. Tôi nghĩ rằng Catherine Đại đế đã cảm thấy những bất ổn trong tương lai nên bà đã chủ động giành lấy quyền lực".
Tháng 7/1762, Sophiecó bài phát biểu tại cung điện bên cạnh các quan lại và quý tộc thân cận nhằm lôi kéo quân đội phản lại Sa hoàng. Bà tuyên bố mình là nữ hoàng Nga, trở thành Catherine Đại đế.
Catherine Đại đế được biết đến là người đã lật đổ chồng để trở thành nữ hoàng của Đế quốc Nga.
Sa hoàng Petter III cùng đội ngũ thân cận khi đó dang đi nghỉ ở ngoại ô thành phố St. Pettersburg. Quay về cung điện ở Mocsow, Sa hoàng nhận thấy mọi thứ trống không, không còn một ai canh gác.
Sa hoàng nói với cộng sự: "Tôi đã nói về những gì cô ta có thể làm mà". Không lâu sau, Peter III bị bắt giữ và bị buộc phải ký vào thỏa thuận chấp nhận thoái vị. Phản ứng của Sa hoàng Nga khi đó được cho là "giống như đứa trẻ bị buộc phải lên giường ngủ sớm", theo tạp chí Smithsonian.
8 ngày sau cuộc đảo chính chớp nhoáng, Petter III qua đời một cách đột ngột không rõ nguyên nhân, dẫn đến những đồn đoán Sa hoàng Nga bị ám sát.
Không có bằng chứng cho thấy Catherine Đại đế chỉ đạo ám sát chồng, nhưng cái chết đột ngột của Peter III giúp nữ hoàng Nga củng cố quyền lực.
Bà chấm dứt những sự phản kháng cuối cùng ở Nga bằng cách hứa sẽ trao lại quyền lực cho con trai Paul khi cậu bé đạt đến tuổi trưởng thành. Paul khi đó 8 tuổi.
Trên thực tế, nữ hoàng Catherine Đại đế nắm quyền ở Nga trong 34 năm. Dưới triều đại lâu dài của bà, được truyền cảm hứng từ những ý tưởng của thời kỳ Khai sáng, nước Nga đã trải qua giai đoạn phục hưng về văn hóa và khoa học, dẫn đến việc thành lập nhiều thành phố, trường đại học và nhà hát mới, cùng với làn sóng nhập cư quy mô lớn từ phần còn lại của châu Âu và các nước khác, Đế quốc Nga trở thành một trong những cường quốc hàng đầu châu Âu.
Catherine Đại đế đã thành công mở rộng lãnh thổ Nga về phía nam và phía tây. Các thành phố như Odessa, Kherson, Mykolaiv hay Sevastopol (bán đảo Crimea) trở thành một phần của Đế quốc Nga dưới thời Catherine Đại đế.
Bà cũng là người lãnh đạo quân đội Nga hai lần đánh bại Ottoman - một trong những đế chế có ảnh hưởng lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.
Đế quốc Nga dưới thời Catherine Đại đế được chia ra làm 50 tỉnh và mỗi địa phương đều có quân đội riêng nhằm ngăn chặn nổi dậy.
Trong thời kỳ cầm quyền, Catherine Đại đế giúp cho ngân sách Đế quốc Nga luôn ở tình trạng dư dả, khiến cuộc sống của người dân được cải thiện. Nữ hoàng cũng vô cùng quan tâm tới việc phát triển dịch vụ cộng đồng và giáo dục. Rất nhiều thư viện công cộng đã được mở cửa trên khắp cả nước nhằm tìm ra những nhân tài cho đất nước.
Tuy nhiên, có các nhà phê bình chỉ trích Catherine Đại đế về chế độ quân chủ chuyên chế hà khắc của bà. Năm 1785, bà ban hành chính sách "đặc quyền dành cho tầng lớp quý tộc", đảm bảo mọi quyền lợi và đặc ân cho tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Đây là một trong những lý do khiến một số cuộc nổi dậy của nông dân nổ ra dù không thành công.
Ngày 17/11/1796, sau 34 năm cầm quyền, Catherine Đại đế qua đời một cách bí ẩn ở tuổi 67. Đến khi bà qua đời, Paul - con trai của bà với Sa hoàng Peter III, mới có thể nối ngôi.
____________________
Vào cuối thời nhà Nguyên, giai đoạn người Mông Cổ cai trị Trung Quốc, có một cô gái ngoại quốc xuất thân từ bán đảo Triều Tiên, sau nhiều chông gai và thách thức, cuối cùng trở thành hoàng hậu quyền lực của Trung Hoa. Cô gái này là ai? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 2 xuất bản sáng sớm ngày 23/6/2024.
Đăng Nguyễn - Tổng hợp